BIỆN PHÁP PHONG TỎA TÀI KHOẢN

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 27)

Biện pháp phong tỏa tài khoản được quy định tại Điều 67 Luật Thi hành án dân sự và được hướng dẫn thi hành tại Điều 11 Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13/7/2009 của Chính phủ. Theo Điều 67 Luật Thi hành án dân sự:

1. Việc phong tỏa tài khoản được thực hiện trong trường hợp cần ngăn chặn việc tẩu tán tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

2. Khi tiến hành phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải giao quyết định phong tỏa tài khoản cho cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản của người phải thi hành án.

Cơ quan, tổ chức đang quản lý tài khoản phải thực hiện ngay quyết định của Chấp hành viên về phong tỏa tài khoản.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng biện pháp cưỡng chế quy định tại Điều 76 của Luật này [23].

Kế thừa và phát triển từ các quy định của Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, biện pháp phong tỏa tài khoản được Luật Thi hành án dân sự quy định nhằm đáp ứng và phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường với sự phong phú, đa dạng về hình thức thanh toán trong các hoạt động kinh tế, trong đó có hình thức thanh toán thông qua chuyển khoản. Đồng thời, cũng như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004, Luật Thi hành án dân sự quy định về biện pháp phong tỏa tài khoản nhằm tác động đến tài khoản của người

phải thi hành án, thông qua đó kiểm soát, ngăn chặn được mọi hành vi tẩu tán tiền trong tài khoản của đương sự nhằm đảm bảo việc thi hành án được thuận lợi, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án.

Tuy nhiên, khi nghiên cứu, so sánh quy định tại Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và Điều 67 Luật Thi hành án dân sự về biện pháp phong tỏa tài khoản, chúng ta nhận thấy có một số khác biệt cơ bản như sau:

Thứ nhất, nếu như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 quy định phong tỏa tài khoản là một trong sáu biện pháp cưỡng chế thi hành án dân sự (khoản 3 Điều 37 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004) thì Luật Thi hành án dân sự lại quy định phong tỏa tài khoản chỉ là một biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Sự thay đổi như trên bắt nguồn từ bản chất của biện pháp được áp dụng, sự bất cập trong quy định cũng như trong thực tiễn tổ chức thực hiện. Về bản chất, quy định tại đoạn 3 khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 đã thể hiện rõ biện pháp phong tỏa tài khoản là "Khi có căn cứ cho rằng người phải thi hành án có dấu hiệu tẩu tán tiền trong tài khoản thì Chấp hành viên có thể ra quyết định phong tỏa tài khoản" [29]. Như vậy, biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản quy định tại Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 về mặt bản chất chỉ là bước đệm, mang tính chất hỗ trợ cho việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản. Khi được áp dụng, biện pháp cưỡng chế thi hành án này mới chỉ hạn chế đến quyền kiểm soát tài khoản của người phải thi hành án, ngăn chặn việc người phải thi hành án tẩu tán tiền trong tài khoản mà chưa quyết định đến việc xử lý tiền trong tài khoản. Về thực tiễn thi hành án dân sự cũng đã cho thấy, không nhất thiết mọi biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền từ tài khoản của người phải thi hành án cũng cần phải có bước đệm là biện pháp phong tỏa tài khoản và ngược lại, không phải mọi trường hợp áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản cũng dẫn đến việc áp dụng biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án.

Mặt khác, biện pháp cưỡng chế khấu trừ tiền trong tài khoản của người phải thi hành án quy định tại khoản 1 Điều 39 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 có nội dung: "Khi phát hiện người phải thi hành án có tiền trong tài khoản tại Ngân hàng, tổ chức tín dụng hoặc kho bạc Nhà nước thì Chấp hành viên ra quyết định khấu trừ để thi hành án" [29]. Như vậy, theo quy định này thì sau khi áp dụng biện pháp cưỡng chế phong tỏa tài khoản, Chấp hành viên phải áp dụng một biện pháp cưỡng chế khác để xử lý tài sản của người phải thi hành án. Trong quy trình tổ chức việc thi hành án, người phải thi hành án bị cưỡng chế hai lần đối với một tài sản để thi hành án.

Để khắc phục các bất cập, hạn chế nêu trên, Luật Thi hành án dân sự đã quy định biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án là một trong những biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự.

Thứ hai, nếu như Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 2004 và các văn bản hướng dẫn thi hành quy định về trình tự, thủ tục phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án chỉ mới mang tính chất sơ khai, chưa đầy đủ, cụ thể thì đến khi Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành và triển khai trên thực tế, biện pháp phong tỏa tài khoản đã được quy định một cách chi tiết, cụ thể và đầy đủ về quyền yêu cầu, thẩm quyền áp dụng, trình tự, thủ tục áp dụng, thời hạn thực hiện. Điều này cho thấy những nhà làm luật đã nhận thức về tầm quan trọng của hình thức giao dịch, thanh toán bằng tài khoản trong nền kinh tế thị trường, dự báo được sự phát triển của hình thức thanh toán này trong tương lai. Do đó, để biện pháp phong tỏa tài khoản của người phải thi hành án trở thành công cụ pháp lý hữu hiệu trong công tác thi hành án dân sự thì cần phải chú trọng đến việc quy định một cách chi tiết, cụ thể về nội dung cũng như trình tự, thủ tục cần thực hiện, phù hợp với thực tiễn áp dụng.

Một phần của tài liệu Biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự (Trang 27)