- Cần quy định Chấp hành viên phải ra quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ khi áp dụng biện pháp này và các trường hợp ngoại lệ.
Để đảm bảo giá trị pháp lý trong quá trình tổ chức hoạt động thi hành án dân sự thì khi thực hiện việc tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành
án, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ đó. Tuy nhiên, trong trường hợp ngoại lệ, để áp dụng một cách linh hoạt, tạo điều kiện thuận lợi cho Chấp hành viên khi thực hiện tác nghiệp việc thi hành án ở địa bàn xa trụ sở cơ quan mà điều kiện không thể ban hành được quyết định tạm giữ ngay trong ngày tạm giữ thì có thể lập biên bản về việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để sau đó trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản tạm giữ, Chấp hành viên phải ban hành quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trong thời hạn này, biên bản tạm giữ có giá trị pháp lý như quyết định tạm giữ tài sản, giấy tờ.
- Cần quy định cụ thể về cơ chế phối hợp giữa Chấp hành viên với các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.
Trong tổ chức thi hành án dân sự, việc phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức hữu quan với Chấp hành viên là rất cần thiết, tạo nên sức mạnh tổng hợp đảm bảo cho việc thi hành án dân sự có hiệu quả. Tuy nhiên, pháp Luật Thi hành án dân sự quy định về vấn đề này chưa cụ thể. Vì vậy, pháp luật về thi hành án dân sự cần quy định cụ thể về các trường hợp cần có sự phối hợp, cơ chế phối hợp, các biện pháp cần thiết để thực hiện việc phối hợp và trách nhiệm khi không phối hợp với Chấp hành viên của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc áp dụng biện pháp tạm giữ tài sản, giấy tờ của người phải thi hành án.
- Cần quy định cụ thể về thủ tục tạm giữ tài sản, giấy tờ.
Đối với trường hợp đương sự đang giấu tài sản, giấy tờ trong thân thể hoặc đeo trang sức và kim khí quý, đá quý trên thân thể hiện nay chưa có quy định cụ thể nên khi Chấp hành viên áp dụng bị cho là xâm phạm đến thân thể của người phải thi hành án. Vì vậy, phải quy định cụ thể thủ tục tạm giữ giấy tờ, tài sản trong những trường hợp này nhằm tránh cho hành vi của Chấp hành viên không bị coi là xâm phạm đến thân thể người phải thi hành án, vi phạm pháp luật, vi phạm nhân quyền khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án dân sự tạm giữ tài sản, giấy tờ.