Đa dạng hóa sản phẩm và chiến lược thương hiệu

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam (Trang 33)

Thông qua M&A, các doanh nghiệp có thể mở rộng phạm vi kinh doanh của mình trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Unilever là một ví dụ điển hình về sử dụng chiến lược M&A để đa dạng hóa và phát triển thương hiệu. Uniliver sở hữu rất nhiều thương hiệu nổi tiếng trong một số lĩnh vực như Flora, Doriana, Rama, Wall, Amora, Knorr, Lipton và Slim Fast (thực phẩm và đồ uống); Axe, Dove, Lifebuoy, Lux, Pond‟s, Rexona, Close-up, Sunsilk và Vaseline (sản phẩm vệ sinh và chăm sóc cơ thể); Comfort, Omo, Radiant, Sunlight, Surf (quần áo và đồ vật dụng)… Tập đoàn này đã phải trải qua nhiều năm để sở hữu nhiều thương hiệu như thế. Năm 1972, tập đoàn mua lại chuỗi nhà hàng A&W ở Canada. Năm 1984, hãng mua lại thương hiệu Brooke Bond của nhà sản xuất trà PG Tips. Năm 1987, Unilever tăng cường sức mạnh trong thị trường chăm sóc da bằng việc mua lại Chesebrough-Ponds (nhà sản xuất các sản phẩm chăm sóc da như Ragú, Pond‟s, Aqua-Net, Cutex Nail Polish, Vaseline, và kem đánh răng Pepsodent). Hai năm sau, Unilever tiếp tục mua lại mỹ phẩm Calvin Klein, Fabergé và Elizabeth Arden (sau đó bán Elizabeth Arden cho FFI Fragrances vào năm 2000). Năm 1996, Unilever mua Công ty Helene Curtis Industries để tăng cường sự hiện diện trong thị trường dầu gội đầu và sản phẩm khử mùi cơ thể ở Mỹ. Với thương vụ này, Unilever sở hữu Suave và Finesse, hai dòng sản phẩm chăm sóc tóc, và nhãn hiệu sản phẩm khử mùi Degree. Năm 2000, Unilever thâu tóm Công ty Best Foods của Mỹ để bắt đầu nhảy vào lĩnh vực thực phẩm và đồng thời đẩy mạnh hoạt động trong khu vực Bắc Mỹ v.v.

Ngoài ra có thể còn rất nhiều lý do khác cho một quyết định M&A như môi trường kinh doanh thay đổi, khủng hoảng kinh tế dẫn đến nhiều doanh nghiệp mất thanh khoản và buộc bị đẩy vào tình trạng bị thâu tóm. Trong tình huống này, bên bị thâu tóm chắc chắn không có động cơ bán nhưng bên thâu

33

tóm thì lại có rất nhiều động cơ để bành trướng sự ảnh hưởng trên thị trường. Nhiều trường hợp Chính phủ phải ra tay mua lại với động cơ tránh gây đổ vỡ dây chuyền trong nền kinh tế v.v.

* Tiểu kết

Mỗi quốc gia có khái niệm pháp lý về M&A khác nhau và trên thế giới chưa có một định nghĩa chính thống về hoạt động này. Hiện tại, trong hệ thống pháp luật Việt Nam, có rất nhiều hoạt động đã được pháp luật thừa nhận: hợp nhất, sáp nhập, mua lại doanh nghiệp, mua cổ phần, mua lại vốn góp, chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng dự án, mua lại tài sản, vv... tất cả các hoạt động này, ở một khía cạnh nhất định đều có mối liên hệ với hoạt động M&A.

Trong quản trị công ty có hai điểm mấu chốt nhất là quyền sở hữu và người quản lý thì quyền sở hữu vẫn mang ý nghĩa trọng tâm hơn cả. Mặc dù xu hướng quản trị hiện đại tách biệt quyền sở hữu và quản lý, nhưng thực chất quyền sở hữu có ý nghĩa quyết định trong việc bầu Hội đồng quản trị và qua đó lựa chọn người quản lý, đồng thời quyết định chiến lược phát triển, phương án phân chia lợi nhuận và xử lý tài sản của công ty. Các khái niệm thâu tóm hay sáp nhập (acquisition), hợp nhất (merger hoặc consolidation) đều xoay quanh mối tương quan này [2].

Thâu tóm hay sáp nhập là khái niệm được sử dụng để chỉ một công ty tìm cách nắm giữ quyền kiểm soát đối với một công ty khác thông qua thâu tóm toàn bộ hoặc một tỷ lệ số lượng cổ phần hoặc tài sản của công ty mục tiêu đủ để có thể khống chế toàn bộ các quyết định của công ty đó. Tỷ lệ này có thể khác nhau theo quy định cụ thể trong Luật Công ty của từng nước.

Ví dụ ở Việt Nam tỷ lệ này là 75%, trong trường hợp Điều lệ công ty mục tiêu quy định mức thấp hơn (tối thiểu là 65%) thì áp dụng mức đó. Sau

34

khi kết thúc chuyển nhượng, công ty mục tiêu sẽ chấm dứt hoạt động6 (bị sáp nhập) hoặc trở thành một công ty con của công ty thâu tóm.

Thuật ngữ “sáp nhập và mua lại” được hiểu phổ biến hiện nay ở Việt Nam không những không chuyển tải hết khái niệm M&A (về mặt ngôn ngữ) mà còn chưa thể hiện đầy đủ các hình thức hoạt động này. Trường hợp thôn tính mang tính thù địch đối thủ cạnh tranh (tạm dịch thuật ngữ hostile takover) thông qua phương thức “lôi kéo cổ đông bất mãn” rõ ràng không phải là “mua lại”. Còn “sáp nhập‟ thực tế chỉ là một bộ phận trong khái niệm “thâu tóm” công ty. Sáp nhập để chỉ sự thâu tóm toàn phần, và công ty mục tiêu chấm dứt sự tồn tại (như khái niệm được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2005); trong khi „thâu tóm‟ còn được sử dụng để chỉ việc tìm cách nắm giữ một số lượng cổ phần dưới 100% nhưng đủ để chi phối công ty mục tiêu. Hơn nữa, thuật ngữ „sáp nhập và mua lại‟ cũng không tính đến hình thức “hợp nhất”, không phổ biến nhưng không thể coi là một trường hợp cá biệt của sáp nhập

Trong phạm vi luận văn này, tác giả sửa dụng thuật ngữ M&A bao hàm việc sáp nhập, hợp nhất, mua bán doanh nghiệp, mua cổ phần của doanh nghiệp.

35

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VIỆT NAM VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ CỦA VIỆT NAM LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG M&A 2.1. Quy định của pháp luật Việt Nam về M&A

2.1.1. Nhận định chung

Đến nay, Việt Nam chưa có một Luật riêng quy định về trình tự và nguyên tắc về hoạt động M&A. Các quy định về M&A ở Việt Nam được quy định rải rác trong các văn bản quy phạm pháp luật như quy định về hợp nhất pháp nhân và sáp nhập pháp nhân tại Điều 94 và Điều 95 Bộ luật Dân sự, các quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Cạnh tranh và các văn bản pháp luật chuyên ngành tài chính, ngân hàng.

Luật Doanh nghiệp năm 2005 không đưa ra một định nghĩa cụ thể về mua bán doanh nghiệp. Về khái niệm sáp nhập, Luật Doanh nghiệp 2005 quy định “sáp nhập doanh nghiệp” là một hoặc một số công ty cùng loại (gọi là công ty bị sáp nhập) có thể sáp nhập vào một công ty khác (gọi là công ty nhận sáp nhập) bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty sáp nhập[7]. Theo Luật Cạnh tranh năm 2004, “sáp nhập doanh nghiệp”cũng được giải thích tương tự như được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005, đó là việc một hoặc một số doanh nghiệp chuyển toàn bộ, tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của mình sang một doanh nghiệp khác, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp bị sáp nhập[4]. Ngoài khái niệm sáp nhập doanh nghiệp, Luật Doanh nghiệp 2005 định nghĩa hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị hợp nhất) có thể hợp nhất thành một công ty mới (công ty hợp nhất) bằng cách

36

chuyển toàn bộ tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty hợp nhất, đồng thời chấm dứt tồn tại của các công ty bị hợp nhất.

Về việc mua, bán doanh nghiệp, do chưa có một định nghĩa đầy đủ về mua bán doanh nghiệp trong các ngành luật cụ thể, các giao dịch mua bán có thể được cấu trúc dưới nhiều hình thức khác nhau bao gồm việc phát hành cổ phần mới, ưu tiên bán cổ phiếu phát hành mới cho các cổ đông chiến lược với mức giá ưu đãi, tăng vốn điều lệ, ký kết các thỏa thuận hợp tác chiến lược. Về bản chất, mua bán doanh nghiệp là việc giành lấy quyền kiểm soát trong việc quản lý nội bộ trong công ty mục tiêu thông qua nhiều biện pháp khác nhau. Nếu mục đích mua bán công ty nhằm chiếm lĩnh phần lớn thị phần, loại bỏ đối thủ cạnh tranh, đưa ra những thông tin sai lệch về bên bán nhằm tận dụng điểm này trong thương lượng giá cả… thì việc mua bán cần được xem xét kỹ lưỡng hơn theo các quy định của luật cạnh tranh và luật chứng khoán.

Mặc dù pháp luật có những quy định về thủ tục M&A nhưng các quy định này vẫn chỉ rất sơ sài và chỉ nhằm để hướng dẫn các bên về việc thông báo và đăng ký với các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến giao dịch. Trên thực tế, việc mua bán hay sáp nhập doanh nghiệp được thực hiện trên nguyên tắc thuận mua, vừa bán và tự do thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật và thủ tục tiến hành, tùy từng trường hợp, có thể phức tạp hoặc đơn giản.

2.1.2. Quy định về M&A trong một số ngành luật cụ thể

2.1.2.1. M&A theo quy định của Luật Doanh nghiệp

Như đã trình bày ở trên, Luật doanh nghiệp đưa ra khái niệm và trình tự thủ tục sáp nhập, hợp nhất, doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp năm 2005 xem xét sáp nhập, hợp nhất doanh nghiệp như hình thức tổ chức lại doanh nghiệp xuất phát từ nhu cầu tự thân của doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp không đưa ra định nghĩa về mua, bán doanh nghiệp. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp có

37

một Điều riêng quy định về việc bán doanh nghiệp tư nhân. Điều 145 Luật Doanh nghiệp quy định: “Chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền bán doanh nghiệp của mình cho người khác. Chậm nhất mười lăm ngày trước ngày chuyển giao doanh nghiệp cho người mua, chủ doanh nghiệp phải thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Thông báo phải nêu rõ tên, trụ sở của doanh nghiệp; tên, địa chỉ của người mua; tổng số nợ chưa thanh toán của doanh nghiệp; tên, địa chỉ, số nợ và thời hạn thanh toán cho từng chủ nợ; hợp đồng lao động và các hợp đồng khác đã ký mà chưa thực hiện xong và cách thức giải quyết các hợp đồng đó”. Như vậy, Luật Doanh nghiệp

chỉ thừa nhận việc bán doanh nghiệp tư nhân. Đối với các doanh nghiệp là công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, doanh nghiệp hợp danh, Luật Doanh nghiệp không có quy định cho phép các doanh nghiệp này được bán toàn bộ doanh nghiệp của mình.

Nghị định số 103/1999/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ về giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê doanh nghiệp nhà nước (được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 49/2002/NĐ-CP) áp dụng đối với các doanh nghiệp nhà nước độc lập và các doanh nghiệp thành viên hoạch toán độc lập của tổng công ty có vốn nhà nước ghi trên sổ sách kế toán dưới 5 tỉ đồng, nhà nước không cần nắm giữ cổ phần hoặc không cổ phần hóa được thì có thể giao hoặc bán doanh nghiệp đó. Nghị định này quy định: ''Giao một doanh nghiệp nhà nước cho tập thể người lao động (gọi tắt là giao doanh nghiệp)'' là việc chuyển doanh nghiệp nhà nước và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thành sở hữu của tập thể người lao động có điều kiện ràng buộc. 2. ''Bán một doanh nghiệp nhà nước (gọi tắt là bán doanh nghiệp)'' là việc chuyển đổi sở hữu có thu tiền toàn bộ tài sản của doanh nghiệp nhà nước sang sở hữu tập thể, cá nhân hoặc pháp nhân khác. Theo quy định của Nghị định này, việc giao, hay

38

bán doanh nghiệp nhà nước thì đối tượng được chuyển đổi sở hữu có thể là tập thể, cá nhân, pháp nhân. Theo các nhà đầu tư tài chính, việc mở rộng đối tượng được mua toàn bộ doanh nghiệp Nhà nước sẽ giúp tạo thêm một kênh thu hút vốn đầu tư nước ngoài mới. Điểm hấp dẫn của hoạt động này là so với việc thành lập doanh nghiệp mới, nhà đầu tư nước ngoài có thể giảm bớt nhiều thủ tục giấy tờ và rút ngắn thời gian xây dựng hạ tầng cùng mạng lưới khách hàng. Bên cạnh đó, họ có quyền lựa chọn việc có sử dụng hay không lực lượng lao động sẵn có, lựa chọn cách thức thuê, mua quyền sử dụng đất ngay trên địa điểm của doanh nghiệp nhà nước cũ.

M&A thực chất là hoạt động giành quyền kiểm soát doanh nghiệp, bộ phận doanh nghiệp thông qua việc sở hữu một phần hoặc toàn bộ doanh nghiệp đó. Mục đích của M&A là giành quyền kiểm soát doanh nghiệp ở mức độ nhất định chứ không đơn thuần chỉ là sở hữu một phần vốn góp hay cổ phần của doanh nghiệp như các nhà đầu tư nhỏ lẻ. Vì vậy, khi một nhà đầu tư đạt được mức sở hữu phần vốn góp, cổ phần của doanh nghiệp đủ để tham gia, quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì khi đó mới có thể coi đây là hoạt động M&A. Ngược lại, khi nhà đầu tư sở hữu phần vốn góp, cổ phần không đủ để quyết định các vấn đề quan trọng của doanh nghiệp thì đây chỉ được coi là hoạt động đầu tư thông thường. Với cách hiểu như vậy, Luật Doanh nghiệp quy định về một số hình thức thực hiện M&A như sau:

(i) Góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp thông qua việc góp vốn điều lệ công ty TNHH hoặc mua cổ phần phát hành để tăng vốn điều lệ của công ty cổ phần.

(ii) Mua lại phần vốn góp hoặc cổ phần đã phát hành của thành viên hoặc cổ đông của công ty. Không giống như hình thức góp vốn trực tiếp vào doanh nghiệp, đây là hình thức đầu tư không làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp nhưng có thể làm thay đổi cơ cấu sở hữu vốn góp/cổ phần của doanh nghiệp.

39

(iii) Mua, bán doanh nghiệp chỉ được áp dụng đối với doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật Doanh nghiệp và một số doanh nghiệp nhà nước, bộ phận doanh nghiệp nhà nước theo quy định của pháp luật về giao, bán, khoán kinh doanh, cho thuê công ty nhà nước.

(iv) Sáp nhập doanh nghiệp là hình thức kết hợp một hoặc một số công ty cùng loại (công ty bị sáp nhập) vào một công ty khác (công ty nhận sáp nhập) trên cơ sở chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập vào công ty nhận sáp nhập. Công ty bị sáp nhập chấm dứt tồn tại, công ty nhận sáp nhập vẫn tồn tại và kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty bị sáp nhập.

(v) Hợp nhất doanh nghiệp là việc hai hoặc nhiều công ty cùng loại (công ty bị hợp nhất) kết hợp thành một công ty mới (công ty hợp nhất). Các công ty bị hợp nhất chấm dứt tồn tại và hình thành mới một công ty trên cơ sở kế thừa toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ của các công ty bị hợp nhất.

(vi) Chia, tách doanh nghiệp là hình thức M&A đặc thù bởi việc kiểm soát doanh nghiệp đạt được thông qua việc làm giảm quy mô doanh nghiệp và do vậy việc kiểm soát doanh nghiệp chỉ thực hiện đối với từng phần doanh nghiệp nhất định. Chủ thể chính của hoạt động chia tách doanh nghiệp là các thành viên hoặc cổ đông hiện tại của công ty. Chia, tách doanh nghiệp được áp dụng đối với loại hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần.

Chia doanh nghiệp là việc một công ty bị chia thành nhiều công ty mới, công ty bị chia chấm dứt tồn tại, các công ty mới liên đới thực hiện nghĩa vụ của công ty bị chia.

Tách doanh nghiệp là việc một công ty bị tách một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ để hình thành một công ty mới. Công ty bị tách vẫn tồn tại và

40

hình thành một công ty mới, các công ty này vẫn phải liên đới chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty bị tách.

Trong số các hình thức M&A nêu trên, hình thức góp vốn vào công ty và mua vốn góp, cổ phần của công ty sẽ là những hoạt động chính và thường xuyên, phổ biến nhất vì đa số các doanh nghiệp thuộc loại hình công ty TNHH hoặc cổ phần. Các hình thức M&A khác chỉ là những hình thức được áp dụng với những hoạt động đầu tư đặc thù. Hình thức bán công ty nhà nước sẽ giảm dần vì theo lộ trình quy định, các công ty nhà nước sẽ được chuyển hết sang loại hình công ty TNHH hoặc công ty cổ phần hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

Mỗi một hình thức M&A đều có những quy định riêng của pháp luật điều chỉnh. Vì vậy, trước khi thực hiện bất cứ một hoạt động M&A nào, nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ các quy định của pháp luật để xác định mục đích đầu tư có đạt được hay không và cần phải thực hiện đầu tư như thế nào để pháp

Một phần của tài liệu Hoàn thiện pháp luật về sáp nhập và mua lại doanh nghiệp (M&A) phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam (Trang 33)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(117 trang)