- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm
2.2.5. Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức
BLHS Cộng hòa Liên bang Đức được ban hành năm 1994 và được sửa đổi, bổ sung năm 2001 đã dành một chương riêng quy định về đồng phạm. Tuy nhiên, trong đó không có quy phạm định nghĩa về đồng phạm mà chỉ quy định về một tội phạm do nhiều người thực hiện.
Về những loại người đồng phạm, BLHS của Cộng hòa Liên bang Đức quy định về người thực hành, người xúi giục, người tòng phạm ở các Điều 17, 18, 19.
Về người thực hành, Điều 17 quy định: "Nhiều người thực hiện một hành vi phạm tội, mỗi người trong số họ sẽ bị trừng phạt với vai trò người thực hành" [6].
Khái niệm người xúi giục được quy định ở điểm 1 Điều 18 như sau:
"Sẽ bị trừng phạt với vai trò người xúi giục tất cả những ai bằng quà tặng, lời hứa, sự đe dọa, lạm quyền, lợi dụng lỗi lầm của người khác cũng như các thủ đoạn khác nhằm lôi kéo người khác thực hiện hành vi phạm tội" [6].
Điều 19 Bộ luật hình sự Cộng hòa Liên bang Đức quy định về người tòng phạm như sau: "Sẽ bị trừng phạt với vai trò người tòng phạm những ai cố ý cộng tác với người thực hành bằng sự chỉ dẫn hoặc bằng hành động để nhằm phạm trọng tội hoặc khinh tội"[6].
Về vấn đề quyết định hình phạt, BLHS cộng hòa Liên bang Đức căn cứ vào tính chất, mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm tức là căn cứ vào vai trò mà người đồng phạm thực hiện. Đối với người xúi giục quy định ở điểm 2 Điều 48: "Người xúi giục bị trừng phạt theo đúng pháp luật áp dụng đối với hành vi phạm tội mà nó kích động thực hiện" [6]. Điểm 2 Điều 49 quy định về hình phạt đối với người tòng phạm như sau: "Người tòng phạm bị trừng phạt đúng theo luật áp dụng đối với hành vi phạm tội mà nó đã giúp sức. Nhưng hình phạt sẽ được giảm nhẹ theo những nguyên tắc được áp dụng đối với trường hợp phạm tội chưa đạt" [6].
Như vậy, khác với BLHS Việt Nam năm 1999, BLHS Cộng hòa Liên bang Đức xác định nhiều người thực hiện một hành vi phạm tội thì mỗi người trong số họ sẽ bị xử phạt với vai trò người thực hành, không có quy phạm định nghĩa về đồng phạm, không có khái niệm về người tổ chức, không có khái niệm về hình thức phạm tội có tổ chức.
Nhìn chung, khi so sánh khái niệm về những loại người đồng phạm có trong BLHS các nước nêu trên với quy định trong BLHS nước ta, chúng ta thấy khái niệm người thực hành được hiểu giống nhau, người giúp sức về mặt hành vi khách quan giống nhau nhưng tên gọi có thể khác là người tòng phạm; người xúi giục được hiểu giống nhau nhưng tên gọi có thể khác là người chính phạm.
Về vấn đề quyết định hình phạt, Bộ luật hình sự các nước đều căn cứ vào tính chất, mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm tức là căn cứ vào vai trò mà người đồng phạm thực hiện.
BLHS nước ta tại khoản 4, Điều 20 quy định:
Khi quyết định hình phạt, phải xét đến tính chất đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia của từng người đồng phạm. Những tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự riêng cho từng người đồng phạm nào thì chỉ áp dụng đối với người đó [40].
Tính chất và mức độ tham gia phạm tội nói lên đặc tính về chất, đặc tính về lượng của hành vi phạm tội của từng người đồng phạm. BLHS nước ta quy định như vậy đã khẳng định nguyên tắc không bình quân và máy móc khi đánh giá vai trò của từng người đồng phạm.
Tóm lại, qua nghiên cứu BLHS Việt Nam và BLHS một số nước trên thế giới có quy định về những loại người đồng phạm, cho phép chúng tôi có thể rút ra nhận xét sau:
Một là, về cơ bản khái niệm pháp lý về đồng phạm trong BLHS Việt Nam và BLHS các nước đã tiếp cận nghiên cứu là giống nhau, đồng phạm là hành vi cố ý cùng tham gia thực hiện tội phạm của hai người trở lên.
Hai là, những loại người đồng phạm về cơ bản gồm người thực hành, người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức.
Ba là, căn cứ để quyết định hình phạt đối với mỗi loại người đồng phạm là tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia thực hiện tội phạm của mỗi người hay là căn cứ vào vai trò của từng người đồng phạm.
Bốn là, hình thức lỗi của những loại người đồng phạm là lỗi cố ý
Năm là, nguyên tắc xử lý đối với những loại người đồng phạm là người tổ chức, người thực hành (người chính phạm) là nguy hiểm nhất nên phải chịu mức hình phạt cao hơn, người xúi giục và người giúp sức (người tòng phạm) ít nguy hiểm hơn và có vai trò ngang nhau nên phải chịu mức hình phạt thấp hơn so với chính pham.
Chương 3