Bộ luật hình sự Liên bang Nga

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những loại người đồng phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 66)

- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm

2.2.1. Bộ luật hình sự Liên bang Nga

BLHS Liên bang Nga được Đuma Quốc gia thông qua ngày 24/5/1996 và tổng thống Liên bang Nga ký Luật số 64 ngày 13/6/1996 "Về việc thi hành BLHS của Liên bang Nga" có hiệu lực từ ngày 01/01/1997. BLHS Liên bang Nga quy định về đồng phạm tại Chương 7, khái niệm đồng phạm được quy định tại Điều 33 như sau: "Hai hay nhiều người cùng cố ý tham gia thực hiện một tội cố ý là đồng phạm". Như vậy, điều luật đã khẳng định đồng phạm chỉ xảy ra khi có hai hay nhiều người cùng cố ý thực hiện một tội cố ý. Về những loại người đồng phạm Điều 34 quy định có bốn loại người đồng phạm là người thực hành, người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức, cụ thể như sau:

1. Ngoài người thực hành tội phạm, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức là những người đồng phạm.

2. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc trực tiếp tham gia vào việc thực hiện tội phạm cùng với những người khác (những người cùng thực hành) cũng như người thực hiện tội phạm bằng cách sử dụng những người khác mà những người này không có năng lực trách nhiệm hình sự, chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự hoặc lợi dụng những hoàn cảnh khác do bộ luật này quy định.

3. Người tổ chức là người đã tổ chức việc thực hiện tội phạm hoặc chỉ huy người thực hành tội phạm, cũng như người thành lập hoặc chỉ đạo băng, nhóm phạm tội.

4. Người xúi giục là người lôi kéo người khác thực hiện tội phạm bằng cách dụ dỗ, mua chuộc, dọa dẫm hoặc bằng các thủ đoạn khác.

5. Người giúp sức là người thúc đẩy việc phạm tội bằng chỉ dẫn, bày cách, cung cấp thông tin hoặc phương tiện, công cụ phạm tội hoặc khắc phục trở ngại,cũng như người hứa hẹn trước che giấu người phạm tội, cất giấu phương tiện, công cụ phạm tội, che giấu dấu vết của tội phạm hoặc đồ vật do phạm tội mà có hoặc là người hứa hẹn trước việc tiêu thụ những đồ vật này [7].

Bên cạnh đó, Điều 35 quy định TNHS của người đồng phạm như sau:

1. Trách nhiệm của những người đồng phạm được xác định bởi tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm.

2. Những người cùng thực hành tội phạm chịu trách nhiệm theo điều luật của Phần riêng Bộ luật này quy định tội phạm mà họ cùng phạm, không dẫn chiếu điều 34 Bộ luật này.

3. Người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức chịu trách nhiệm theo điều luật quy định hình phạt đối với tội đã phạm và có dẫn chiếu Điều 34 Bộ luật này, trừ trường hợp họ đồng thời là những người cùng thực hiện tội phạm.

4. Người không phải là chủ thể của tội phạm được quy định riêng trong điều luật thuộc Phần riêng của Bộ luật này nhưng đã tham gia vào việc phạm tội đó thì phải chịu trách nhiệm như người tổ chức, người xúi giục hoặc người giúp sức phạm tội…

5. Trong trường hợp người thực hành không thực hiện tội phạm đến cùng vì hoàn cảnh khách quan, thì những người đồng phạm còn lại phải chịu trách nhiệm hình sự về việc chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt. Cũng phải chịu trách nhiệm hình sự về việc chuẩn bị phạm tội người chưa lôi kéo được người khác thực hiện tội phạm do hoàn cảnh khách quan [7].

Như vậy, giống với BLHS Việt Nam quy định tại Điều 53:

Khi quyết định hình phạt đối với những người đồng phạm, Tòa án phải xét đến tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. Các tình tiết giảm nhẹ, tăng nặng hoặc loại trừ trách nhiệm hình sự thuộc người đồng phạm nào, thì chỉ áp dụng đối với người đó [40].

BLHS Liên bang Nga cũng đã quy định về những người loại người đồng phạm và TNHS đối với họ căn cứ vào tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia tội phạm của mỗi người đồng phạm. Tuy nhiên, so sánh với quy định về đồng phạm trong BLHS năm 1999 của nước ta tại Điều 20:

1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.

2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.

Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.

Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.

Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm.

3. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm [40].

Chúng tôi thấy rằng, BLHS Liên bang Nga đã quy định khá chi tiết, rõ ràng về từng loại người đồng phạm cũng như liệt kê những dấu hiệu đặc trưng mô tả hành vi của mỗi loại người đồng phạm và quy định khá chi tiết, cụ thể nguyên tắc xác định TNHS đối với những loại người đồng phạm trong các

trường hợp thực hiện tội phạm. Đây cũng là một điểm tiến bộ chúng ta cần nghiên cứu để sửa đổi, bổ sung BLHS Việt Nam năm 1999 hiện hành về những loại người đồng phạm theo hướng ngày càng hoàn thiện hơn đáp ứng kịp yêu cầu của thực tiễn.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những loại người đồng phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 66)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)