Các dấu hiệu chủ quan:

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những loại người đồng phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 26)

Người thực hành đã thực hiện tội phạm với sự cố ý được thể hiện như sau: Khi thực hiện tội phạm người thực hành đã ý thức được hành vi nguy hiểm cho xã hội của mình cũng như hậu quả do hành vi đó gây ra; nhận thức được hành vi tác động, hỗ trợ của người đồng phạm khác trong việc thực hiện tội phạm chung; nhận thức được hậu quả phạm tội chung; trong ý chí của người thực hành là mong muốn hoặc có ý thức bỏ mặc cho hậu quả phạm tội xảy ra.

Như vậy, lỗi của những người đồng phạm nói chung, của người thực hành nói riêng là lỗi cố ý trực tiếp, chỉ số ít trường hợp là lỗi cố ý gián tiếp.

Trường hợp tội phạm mà người thực hành và người đồng phạm khác thực hiện có yếu tố động cơ hoặc mục đích là dấu hiệu bắt buộc trong CTTP thì khi đó người thực hành (cũng như người đồng phạm khác) phải đáp ứng được dấu hiệu đó, nếu không thì không có đồng phạm.

Như vậy, theo chúng tôi, khái niệm người thực hành có thể được hiểu như sau: Người thực hành trong đồng phạm là người đồng phạm đã trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc thực hiện tội phạm bằng thủ đoạn sử dụng người khác không có đủ các điều kiện chủ thể của tội phạm như một công cụ phạm tội.

1.2.2. Người tổ chức

Khái niệm người tổ chức được đề cập trong Quốc triều Hình luật, Hoàng Việt luật lệ với các tên gọi người khởi xướng, người đứng đầu, kẻ chủ mưu, người tạo ý đầu tiên. Các văn bản PLHS của nước ta được ban hành sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến trước khi pháp điển hóa lần thứ nhất BLHS năm 1985 quy định về người tổ chức với các tên gọi chủ mưu, cầm đầu, tổ chức, chỉ huy.

Khoản 2 Điều 17 BLHS năm 1985 cũng như khoản 2 Điều 20 BLHS năm 1999 quy định về người tổ chức như sau: "Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm".

Cũng như người thực hiện tội phạm, người tổ chức có thể phạm tội độc lập và trong trường hợp này TNHS vẫn phải được đặt ra. Khái niệm người tổ chức thực hiện tội phạm phải bao gồm hai trường hợp: người tổ chức trong đồng phạm và người tổ chức thực hiện tội phạm trong trường hợp phạm tội độc lập. Theo TS. Trần Quang Tiệp thì "người tổ chức thực hiện tội phạm là người thành lập băng, nhóm phạm tội hoặc điều khiển nhóm tội phạm thực hiện một tội phạm cụ thể dưới dạng chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy" [48, tr. 93].

Từ khái niệm người tổ chức, chúng tôi sẽ đi vào nghiên cứu về khái niệm người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy để từ đó làm sáng tỏ vai trò của loại người đồng phạm này theo định nghĩa pháp lý đã được ghi nhận trong BLHS.

- Người chủ mưu: là người chủ động về mặt tinh thần trong việc gây ra tội phạm, có sáng kiến thành lập các băng, nhóm tội phạm, đề xuất những âm mưu và vạch ra đường lối, phương hướng hoạt động chung cho tổ chức tội phạm, đồng thời thúc đẩy đồng bọn hoạt động phạm tội.

Người chủ mưu có thể trực tiếp đứng ra cầm đầu, điều khiển hoạt động của tổ chức tội phạm, băng, ổ, nhóm tội phạm nhưng cũng có thể không tham gia.

Tuy nhiên, cũng có thể ở những tổ chức phạm tội ở mức thấp chưa thành tổ chức phạm tội chặt chẽ, thì người chủ mưu là người nghĩ ra hoạt động phạm tội, rủ rê đồng bọn, phân công vai trò và vạch kế hoạch hoạt động như: hoạt động ở đâu, đối tượng là ai, cần chuẩn bị những gì, khắc phục trở ngại khó khăn ra sao, ai chỉ huy, ai hoạt động đắc lực, nếu bị phát hiện thì rút lui như thế nào và tiêu thụ tài sản lấy được ở đâu.

Do vậy, có thể nói "người chủ mưu là linh hồn của tổ chức phạm tội, là người quân sư, là kẻ bày mưu đặt kế" [17, tr. 48].

Trong thực tiễn xét xử cho thấy, có vụ đồng phạm trong đó có những người chủ mưu đồng thời tham gia tích cực với vai trò là người thực hành trong quá trình thực hiện tội phạm.

Ví dụ: Bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân (TAND) Thành phố Hà Nội xét xử ngày 10/6/2011 xác định, do cần tiền ăn tiêu, Đào Thị Thu Hương (tức "My Sói", SN 1996, trú ở phường Bạch Mai, quận Hai Bà Trưng) và Trịnh Thăng Long (SN 1992, trú tại xã Công Chính, huyện Nông Cống, Thanh Hóa) đã nảy sinh ý định lên mạng internet lừa phụ nữ đưa vào nhà nghỉ để hiếp dâm và cướp tài sản. My "sói" và đồng bọn đã gây ra một loạt các vụ cướp tài sản, hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em. Trong các vụ gây án, My "sói" và bạn trai Long luôn là hai kẻ chủ mưu. My thường lên mạng, giả chat với các cô gái ngồi chơi khuya rồi điều Long cùng đồng bọn đi đón. Sau khi dụ dỗ được nạn nhân lên quán chat, vừa gặp cô gái, My "sói" ra tay luôn bằng những cái tát hoặc đấm đá phủ đầu nạn nhân. Sau đó, My lột tài sản của họ. Rồi sau đó, cả bọn lên taxi về nhà nghỉ. My liên tục đe dọa và uy hiếp nạn nhân bằng cách dí dao vào cổ nạn nhân để đồng bọn hiếp và quay clip.

Một phần của tài liệu Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về những loại người đồng phạm trong Luật Hình sự Việt Nam (Trang 26)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(116 trang)