- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm
2.2.2. Bộ luật hình sự Trung Quốc
BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ II, ngày 01/7/1979, có hiệu lực từ ngày 01/01/1980. Luật sửa đổi, bổ sung BLHS này được sửa đổi vào năm 1997, có hiệu lực từ ngày 01/10/1997. Sau đó, từ năm 1997, BLHS Trung Quốc được sửa đổi, bổ sung vào năm 1999, 2001, 2002 và gần đây nhất là tại Hội nghị lần thứ 14 của ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khóa X năm 2005.
BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa dành một chương riêng, chương II, mục 3 quy định về đồng phạm, trong đó quy định quy phạm định nghĩa về đồng phạm tại Điều 25 như sau: "Đồng phạm là hai người trở lên cố ý phạm tội, hai người trở lên cùng vô ý phạm tội thì không bị coi là đồng phạm; nếu phải chịu trách nhiệm hình sự, căn cứ vào tội mà từng người phạm phải để định hình phạt" [19].
So sánh với quy định về đồng phạm ở khoản 1 Điều 20 BLHS năm 1999 của nước ta: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm", chúng ta thấy quy định về đồng phạm trong BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa cụ thể hơn, các nhà lập pháp Trung Quốc đã khẳng định không có đồng phạm trong trường hợp nhiều người vô ý phạm tội.
BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa chỉ quy định hai loại người đồng phạm là chính phạm và tòng phạm ở Điều 26, 27.
Thủ phạm chính là người tổ chức, lãnh đạo nhóm tội phạm hoặc người giữ vai trò chính trong đồng phạm.
Nhóm tội phạm là nhóm do ba người trở lên cùng phạm tội thành một tổ chức phạm tội tương đối cố định.
Người tổ chức cầm đầu nhóm tội phạm sẽ bị về tất cả các tội của nhóm.
Ngoài việc nói tại khoản 3, thủ phạm chính phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm đã tham gia hoặc tổ chức, chỉ đạo [19].
Theo quy định tại điều luật này thì người tổ chức là người chính phạm trong vụ án đồng phạm, là người nguy hiểm nhất.
Điều 27 quy định về tòng phạm:
Người giữ vai trò thứ yếu hoặc chỉ có tính chất hỗ trợ trong đồng phạm là tòng phạm.
Tòng phạm chịu hình phạt nhẹ hơn so với thủ phạm chính, được giảm nhẹ khung hình phạt hoặc miễn hình phạt [19].
Về vấn đề quyết định hình phạt, BLHS Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa cũng căn cứ vào tính chất, mức độ tham gia phạm tội của từng người đồng phạm. TNHS của người tổ chức, người xúi giục, người tham gia tích cực được quy định cụ thể tại một số điều luật như Điều 103, 104, 105, 268, 290, 292... Điều 103 BLHS Cộng hòa dân chủ nhân dân Trung Hoa quy định như sau:
Người nào chủ mưu hoặc có hành vi nghiêm trọng trong việc tổ chức, lập kế hoạch hoạt động chia cắt đất nước, người chủ mưu hoặc phạm tội nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 10 năm trở lên hoặc tù chung thân; người tham gia tích cực vào hoạt động phạm tội thì bị phạt tù từ 3 năm tới 10 năm; người tham gia khác thì bị phạt tù đến 3 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước quyền lợi chính trị.
Hành vi kích động chia cắt đất nước, phá hoại sự thống nhất nước nhà, thì bị phạt tù đến 5 năm, cải tạo lao động, quản chế hoặc bị tước các quyền lợi chính trị; người chủ mưu hoặc có hành vi phạm tội nghiêm trọng thì bị phạt tù có thời hạn từ 5 năm trở lên [19]. Quy định về hình phạt đối người xúi giục tại Điều 29 BLHS của nước Cộng hòa dân chủ nhân dânTrung Hoa:
Đối với người xúi giục những người khác phạm tội phải căn cứ vào vai trò của người đó trong đồng phạm để quyết định hình phạt. Xúi giục người chưa đủ 18 tuổi phạm tội sẽ bị xử phạt nặng hơn. Nếu người bị xúi giục chưa phạm tội dù đã bị xúi giục, thì người xúi giục có thể được quyết định một hình phạt nhẹ hơn hoặc một khung hình phạt nhẹ hơn [19].
Như vậy, vấn đề những loại người đồng phạm được quy định trong BLHS của nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và BLHS năm 1999 của nước ta có nhiều điểm giống nhau về quy phạm định nghĩa đồng phạm, về tên gọi của căn cứ quyết định hình phạt đối với mỗi người đồng phạm, về tội phạm có tổ chức. Tuy nhiên, BLHS Việt Nam quy định có bốn loại người đồng phạm và nêu quy phạm định nghĩa đối với từng loại người đồng phạm:
Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm [40, khoản 2 Điều 20].
thì BLHS Công hòa nhân dân Trung Hoa quy định có hai loại người đồng phạm là người chính phạm và tòng phạm, không có khái niệm về người thực hành trong đồng phạm.