- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm
2.2.3. Bộ luật hình sự Nhật Bản
BLHS Nhật Bản được ban hành năm 1994, được sửa đổi bổ sung năm 2001, 2011, BLHS Nhật Bản đã dành cả chương XI để quy định về đồng phạm nhưng không có quy phạm định nghĩa về đồng phạm mà chỉ có khái niệm về đồng chính phạm, người xúi giục, người giúp sức ở các Điều 60, 61, 62, quy định về quyết định hình phạt đối với người giúp sức, người xúi giục ở Điều 63, 64 và quy định về đồng phạm và chức vụ ở Điều 65.
Về đồng chính phạm, Điều 60 quy định: "Hai hoặc nhiều người cùng thực hiện một tội phạm đều là những chính phạm" [2].
Khái niệm người xúi giục được quy định ở Điều 61: "Người thông qua sự xúi giục của mình mà làm cho người khác thực hiện một tội phạm sẽ bị xử lý như người chính phạm" [2]. Quy định trên cũng được áp dụng đối với người đã xúi giục người xúi giục.
Về khái niệm người giúp sức. Điều 62 quy định: "người giúp sức là người đã giúp đỡ chính phạm" [2]
BLHS Nhật Bản quy định về hình phạt đối với người giúp sức ở Điều 63: "Hình phạt đối với người giúp sức được giảm nhẹ hơn so với hình phạt đối với chính phạm" [2]. Việc xúi giục và giúp sức thực hiện tội hình sự nhỏ được quy định ở Điều 64: "Người xúi giục hoặc giúp sức thực hiện một tội hình sự nhỏ thì không bị xử phạt, trừ trường hợp có quy định khác" [2].
Điều 65 quy định về đồng phạm và chức vụ:
1. Khi một người cùng đồng phạm trong một tội phạm mà việc cấu thành tội phạm đó lại phụ thuộc vào chức vụ của người phạm tội thì người đó vẫn là một đồng phạm, thậm chí họ không có chức vụ.
2. Khi mức nặng, nhẹ của hình phạt rất khác nhau và tùy thuộc vào việc người phạm tội có chức vụ hay không thì hình phạt bình thường được áp dụng đối với người không có chức vụ [2]. Như vậy, so sánh khái niệm về những loại người đồng phạm có trong BLHS Nhật Bản với quy định trong BLHS năm 1999 của Việt Nam tại khoản 2 Điều 20:
Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm.
Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm.
Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm.
Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm [40].
Chúng ta thấy rằng, khái niệm người xúi giục, người giúp sức được hiểu giống nhau, BLHS Nhật Bản không có khái niệm về người tổ chức và người thực hành mà chỉ quy định chung là chính phạm. BLHS Nhật Bản không có quy phạm định nghĩa về đồng phạm mà quy định chung là đồng chính phạm.
Về phần quy định TNHS và hình phạt đối với những loại người đồng phạm, BLHS Nhật Bản và BLHS năm 1999 của Việt Nam đều căn cứ vào tính chất của đồng phạm, tính chất và mức độ tham gia tội phạm của mỗi người đồng phạm. Tuy nhiên, so với BLHS Việt Nam năm 1999 thì BLHS Nhật Bản quy định khá cụ thể về hình phạt đối với những loại người đồng phạm, trong đó quy định hình phạt người giúp sức là được giảm nhẹ hơn so với hình phạt đối với chính phạm. BLHS Nhật Bản quy định miễn hình phạt
đối với người xúi giục hoặc giúp sức việc thực hiện một tội hình sự nhỏ. Bên cạnh đó, BLHS Nhật bản đã quy định về đồng phạm và chức vụ, trong đó quy định về việc áp dụng hình phạt đối với người đồng phạm có chức vụ và người đồng phạm không có chức vụ, theo đó, người đồng phạm không có chức vụ được áp dụng mức hình phạt bình thường nếu điều luật có quy định các mức hình phạt nặng, nhẹ khác nhau.
Về hình thức đồng phạm, BLHS Nhật Bản không có quy định về phạm tội có tổ chức như quy định của BLHS năm 1999 tại khoản 3 Điều 20
"phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm" [40].