- Nguyên tắc cá thể hóa TNHS của những người đồng phạm
2.1.1. Giai đoạn từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 đến trước pháp điển hóa lần thứ nhất Bộ luật hình sự năm
trước pháp điển hóa lần thứ nhất - Bộ luật hình sự năm 1985
Pháp luật hình sự Việt Nam quy định vấn đề đồng phạm, những loại người đồng phạm từ rất sớm, trong Quốc triều Hình luật (Bộ luật Hồng Đức) - Bộ luật chính thống của triều đại nhà Lê (1428 -1788) đã có quy định về vấn đề đồng phạm tại một số điều luật như Điều 35, 36, 116, 411, 412, 454, 469, 539 [59, tr. 46], trong đó quy định về từng loại người đồng phạm như sau: Người thực hành được gọi là thủ phạm, người tổ chức được gọi là chủ mưu và kẻ tòng phạm (bao gồm cả người giúp sức, người xúi giục): "Đồng mưu đánh người bị thương thì kẻ nào đánh nhiều đòn nặng là thủ phạm, kẻ chủ mưu cũng phải cùng một tội, còn người tòng phạm thì giảm một bậc" [59, tr. 170]. Đến Hoàng Việt luật lệ - (Bộ luật Gia Long) năm 1812, mặc dù ảnh hưởng nặng nề của luật triều Thanh, nhưng nhiều điều luật trong đó có điều luật quy định về đồng phạm vẫn tiếp thu quy định của Quốc triều Hình luật, như quy định tại Điều 29: "Phàm cùng phạm tội thì lấy người tạo ý đầu tiên làm thủ, những người tùy tùng được giảm một bậc. Nếu mọi người trong một nhà cùng phạm tội thì buộc tội một mình tôn trưởng" [44], trong đó quy định về những loại người đồng phạm như sau: Người thực hành được gọi là thủ, người tổ chức được gọi là người tạo ý đầu tiên, người giúp sức. Điều 21 Hoàng Việt luật lệ đã quy định: "90 tuổi trở lên, 7 tuổi trở xuống, dù có phạm tội chết cũng không chịu hình phạt nào. Có ai xúi giục thì bắt tội người ấy" [44].
Hoàng Việt luật lệ quan niệm người xúi giục phạm trù chánh yếu phạm và gọi đó là người gây việc.
Từ năm 1858 đến trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, thực dân Pháp xâm lược nước ta cho nên hệ thống pháp luật nói chung, pháp luật hình sự của nước ta nói riêng lúc bấy giờ chịu ảnh hưởng của tư duy pháp lý của hệ thống pháp luật châu Âu lục địa. Hoàng Việt hình luật được ban hành ngày 3/7/1933 chỉ có hiệu lực ở miền Trung, đã có hẳn chương IX quy định về chế định đồng phạm với tên gọi: Nhiều người đồng một tội đại hình hoặc trừng trị - tùng phạm, trong đó có quy định về nguyên tắc trừng trị tội phạm:
"Khi nào nhiều người đồng can một tội đại hình hoặc trừng trị mà xét rõ là đáng tội, quan tòa phải xét trong những người ấy hoặc một người, hoặc nhiều người là chánh yếu phạm, còn những người khác thời cho là tùng phạm, mà nghĩ xử tội bằng phần nửa tội người chánh yếu phạm" [20, tr. 273] và quy định về hai loại người đồng phạm là chánh yếu phạm và tùng phạm [20, tr. 275], trong đó người thực hành được gọi là chánh yếu phạm, người giúp sức là tòng phạm.
Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, chế định đồng phạm tiếp tục phát triển gắn liền với sự phát triển của pháp luật nói chung và PLHS nói riêng. Chế định đồng phạm, vấn đề những loại người đồng phạm được ghi nhận ở nhiều văn bản pháp luật hình sự khác nhau, nhưng mới chỉ được xem xét ở một số khía cạnh nhất định chứ chưa hoàn chỉnh, khái niệm đồng phạm và khái niệm người đồng phạm chưa được quy định.
Sắc lệnh số 26/SL ngày 25/2/1946 về việc trừng trị nghiêm khắc những kẻ phá hoại cầu, cống, đường xe lửa, đường giao thông, điện thoại, điện tín… đã có quy định về hành vi của người "oa trữ" như sau: "những kẻ oa trữ các dây điện thoại hay dây điện tín cũng bị phạt như những kẻ ăn trộm các đồ vật ấy".
Tại Sắc lệnh số 27/SL ngày 28/2/1946 truy tố các tội bắt cóc, tống tiền, ám sát có quy định về người tòng phạm, oa trữ như sau:
Điều 1. Bắt cóc, tống tiền, ám sát bị xử phạt từ 2 năm đến 10 năm tù và có thể bị xử tử hình.
Điều 2. Những người tòng phạm hoặc oa trữ những tang vật của tội phạm trên cũng bị phạt như chính phạm [51].
Như vậy, trong các Sắc lệnh do Nhà nước ta ban hành ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công nhằm bảo vệ chính quyền mới thành lập, bảo vệ các thành quả cách mạng vừa giành được, bảo vệ trật tự xã hội mới và các quyền công dân, phạm vi đồng phạm đã được quy định rộng, bao gồm cả hành vi "oa trữ", oa trữ là hành vi chứa chấp, tiêu thụ của gian mà không phân biệt có hứa hẹn trước hay không. Mặt khác, do thời gian này nước ta còn chịu ảnh hưởng của tư duy pháp lý Châu Âu lục địa nên các văn bản pháp luật hình sự nước ta vẫn sử dụng các khái niệm "tòng phạm", "chính phạm".
Sắc lệnh số 223/SL ngày 17/11/1946 truy tố các tội hối lộ, phù lạm, biển thủ công quỹ, lần đầu tiên thuật ngữ đồng phạm đã được quy định: "Người phạm tội còn có thể bị xử, tịch thu nhiều nhất là đến ba phần tư gia sản. Các đồng phạm và tòng phạm cũng bị phạt như trên.
Tuy thuật ngữ đồng phạm đã xuất hiện nhưng trong Sắc lệnh 223/SL sử dụng cả thuật ngữ "đồng phạm" và "tòng phạm". Thuật ngữ đồng phạm ở đây được hiểu tương ứng với thuật ngữ coauteur của luật hình sự Pháp với nghĩa là đồng thực hành chứ không phải là đồng phạm theo nghĩa hiện nay.
Trong thời gian trước và sau khi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, một số văn bản pháp luật hình sự đã quy định nguyên tắc trừng trị tội phạm trong trường hợp đồng phạm như: Sắc lệnh số 133/SL ngày 20/2/1953 trừng trị những tội phạm xâm phạm đến an toàn nhà nước, đối nội và đối ngoại; Sắc lệnh số 267/SL ngày 15/6/1956 trừng trị những âm mưu và hành động phá hoại tài sản của nhà nước, của hợp tác xã, của nhân dân làm cản trở việc thực hiện chính sách, kế hoạch nhà nước. Theo đó, nguyên tắc xử lý trong đồng phạm là: Nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, bọn ngoan cố;
khoan hồng đối với những người bị lừa phỉnh, bị ép buộc, lầm đường (Sắc lệnh số 133/SL ngày 20/2/1953 trừng trị những tội phạm xâm phạm đến an toàn nhà nước, đối nội và đối ngoại).
Cùng với sự phát triển của khoa học luật hình sự, khái niệm đồng phạm đã bắt đầu xuất hiện trong các sách báo pháp lý, các báo cáo tổng kết của ngành Tòa án. Trong báo cáo tổng kết công tác năm 1963 của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã đưa ra khái niệm cộng phạm trong đó có đề cập đến hành vi tổ chức, xúi giục, giúp sức và trực tiếp tham gia tội phạm trong cộng phạm như sau: "Coi là cộng phạm hai hoặc nhiều người cùng chung ý chí và hành động, nghĩa là hoặc tổ chức, hoặc xúi giục, hoặc giúp sức, hoặc trực tiếp cùng tham gia tội phạm để cùng đạt tới kết quả phạm tội" [51, tr. 30]. Về sau, giáo trình hình luật xã hội chủ nghĩa của trường Cao đẳng kiểm sát Hà Nội đã nêu ra khái niệm hoàn chỉnh hơn: "Hai hoặc nhiều người cùng cố ý tham gia thực hiện một tội phạm thì gọi là cộng phạm" [54, tr. 167].
Trong Chỉ thị số 01-NCPL ngày 14/3/1963 của TANDTC về xử lý tội giết trẻ sơ sinh cũng đưa ra những căn cứ chủ quan và khách quan của đồng phạm:
Khi nhận định một người là cộng phạm, cần có đầy đủ căn cứ khách quan và chủ quan, phải chứng minh rằng người đó đã cùng chung hành động với bị can hoặc tổ chức việc thực hiện tội phạm. Về chủ quan, phải chứng minh rằng họ cùng chung ý định phạm tội với bị can để giết hại đứa trẻ. Nói một cách khác, chỉ những hành vi nào nhằm đạt kết quả tước đoạt sinh mạng của đứa trẻ và những hành vi đó tạo thành những khâu cần thiết cho việc thực hiện tội phạm mới bị coi là cộng phạm… Nếu chỉ có việc thông dâm, không có việc xúi giục, giúp đỡ, tổ chức cho người phụ nữ giết con thì không xử người đàn ông là cộng phạm trong việc giết đứa bé được [51].
Tại Hội nghị tổng kết ngành năm 1968, trong báo cáo công tác trấn áp phản cách mạng của mình, TANDTC đã phân biệt sự khác nhau giữa người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy. Qua hướng dẫn của TANDTC đã đưa đến nhận thức chung trong thời kỳ này về người chủ mưu, người cầm đầu, chỉ huy là người tổ chức trong các vụ án phản cách mạng.
Từ sau chiến thắng thực dân Pháp xâm lược, trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành vào những năm 60-70 như: Pháp lệnh ngày 30/10/1967 trừng trị các tội phản cách mạng; Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa; Pháp lệnh ngày 21/10/1970 trừng trị các tội xâm phạm tài sản công dân vẫn chưa đưa ra khái niệm về đồng phạm, nhưng nhận thức và quy định về đồng phạm và những loại người đồng phạm đã có bước tiến bộ đáng kể. Đáng chú ý là trong các văn bản quy phạm pháp luật hình sự nói trên đã phân biệt được các hành vi che giấu phần tử cách mạng, chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa, tài sản riêng của công dân mà đặc điểm là kẻ chứa chấp, che giấu, tiêu thụ không thỏa thuận trước, bàn bạc trước với phần tử cách mạng hoặc với kẻ chiếm đoạt là các tội riêng biệt (tội che giấu phần tử phản cách mạng, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản xã hội chủ nghĩa bị chiếm đoạt, tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản riêng của công dân bị chiếm đoạt) với các trường hợp cộng phạm của các tội phản cách mạng, các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân, trong đó kẻ chứa chấp, che giấu, tiêu thụ đã hứa hẹn trước, thỏa thuận trước với phần tử phản cách mạng, kẻ đi chiếm đoạt với vai trò xúi giục, giúp sức hoặc nhiều khi với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
Các sắc lệnh của Nhà nước ta thời kỳ này chỉ đề cập đến chính phạm, tòng phạm mà không đề cập đến người xúi giục, giúp sức. Pháp lệnh ngày 30/10/1967 trừng trị các tội phản cách mạng có đề cập đến người xúi giục ở Điều 4 (tội âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân).
Trong các sách báo pháp lý ở nước ta trước khi BLHS năm 1985 được ban hành đã đưa ra khái niệm người giúp sức như sau: "là những người có hành vi giúp đỡ cho việc thực hiện tội phạm của những kẻ cộng phạm khác được dễ dàng" [54, tr. 177].
Đặc biệt là trong Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30/10/1967 đã có sự phân hóa về xử lý hình sự khá rõ ràng đối với từng người đồng phạm, tùy vào tình chất, mức độ tham gia của họ với nguyên tắc:
"Nghiêm trị bọn chủ mưu, cầm đầu, bọn thủ ác, bọn ngoan cố chống lại cách mạng; khoan hồng với những kẻ bị ép buộc, bị lừa phỉnh, lầm đường và những kẻ thật thà hối cải; giảm nhẹ hình phạt hay miễn hình phạt cho những kẻ lập công chuộc tội" (Điều 2) [51, tr. 193].
Như vậy, so với Sắc lệnh số 27-SL ngày 28/2/1946, các văn bản pháp luật được ban hành thời kỳ này quy định phạm vi đồng phạm đã được thu hẹp hơn, đã khắc phục được hạn chế coi hành vi oa trữ không phân biệt có hứa hẹn trước hay không là hành vi đồng phạm của các văn bản quy phạm pháp luật hình sự ban hành ngay sau Cách mạng tháng Tám.
Về mặt lập pháp hình sự, thời kỳ này một số Pháp lệnh, Chỉ thị, tổng kết của TANDTC tuy quy định chưa đầy đủ về chế định đồng phạm cũng như những loại người đồng phạm, nhưng cũng đã có những hướng dẫn nhất định về khái niệm cộng phạm, về xác định các dấu hiệu khách quan, chủ quan của cộng phạm trong một số tội phạm cụ thể. Trên cơ sở các văn bản này, có thể vận dụng các quy định của cộng phạm đối với mọi tội phạm nói chung.
PLHS nước ta thời kỳ này còn có điểm tiến bộ nữa là đã có sự phân biệt giữa các hình thức cộng phạm khác nhau như: xác định nguyên tắc xử lý đối với hình thức cộng phạm có tổ chức "Nghiêm trị bọn phạm tội có tổ chức"
(Điều 3 Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa ngày 21/10/1970) để phân biệt với các hình thức cộng phạm đơn giản. Hình thức cộng phạm đặc biệt - phạm tội có tổ chức đã lần đầu tiên được quy định
trong Thông tư ngày 16/3/1973 của liên Bộ giữa TANDTC, Viện kiểm sát nhân dân tối cao (VKSNDTC), Bộ Công an hướng dẫn thống nhất nhận thức về hai Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản. Thông tư này có quy định:
Bọn phạm tội có tổ chức - phải xuất phát từ đặc điểm tình hình phạm tội ở nước ta mà hiểu thế nào là phạm tội có tổ chức. Đây là một hình thức cộng phạm của hai hay nhiều người: Trong đó có một số tên cầm đầu, hoặc một số tên đóng vai trò chủ chốt, cùng nhau bàn bạc trước về việc thực hiện một hoặc nhiều tội phạm nào đó, thủ đoạn phạm tội thường là tinh vi, xảo quyệt, vai trò của từng tên, phân công giữa bọn chúng trong nhiều trường hợp có thể không dứt khoát, rõ ràng; Hoặc lợi dụng, hay nấp dưới danh nghĩa một tổ chức công khai để bàn bạc nhau về việc thực hiện tội phạm; hoặc có khi chúng không bàn bạc trước, nhưng do quan hệ công tác hàng ngày nên hiểu ý đồ nhau, rồi cùng hành động phạm tội, mặc nhiên cấu kết nhau chặt chẽ.
Cần chú ý phân biệt hình thức phạm tội có tổ chức với hình thức cộng phạm thông thường trong đó không có sự bàn bạc, phân công chặt chẽ trước, không có vai trò cầm đầu hoặc chủ chốt, thủ đoạn phạm tội đơn giản [51, tr. 239].
Như vậy, có thể nói hệ thống PLHS của nước ta từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 cho đến trước pháp điển hóa lần thứ nhất - BLHS năm 1985, đã có những quy định về chế định đồng phạm, về phạm tội có tổ chức, về hành vi và tên gọi của những loại người đồng phạm. Tuy nhiên, PLHS của nước ta thời kỳ này chưa có quy phạm định nghĩa về người đồng phạm nói chung cũng như từng loại người đồng phạm cụ thể. Tuy các quy định của PLHS nước ta về chế định đồng phạm nói chung và những loại người đồng phạm nói riêng còn chưa đầy đủ, chi tiết nhưng cũng góp phần quan trọng tạo tiền đề cho các nhà làm luật nghiên cứu xây dựng hoàn chỉnh hơn các quy
phạm pháp luật về đồng phạm cũng như về những loại người đồng phạm trong các thời kỳ sau này.