Theo quan niệm của hệ thống pháp luật bắt nguồn từ Luật La Mã thì các vật quyền và các tố quyền đòi các quyền đó đều được coi là tài sản. Tuy nhiên vật quyền khác biệt về bản chất so với quyền đối nhân. Chính đặc điểm pháp lý của vật quyền là đối kháng lại với người thứ ba nên dẫn tới hệ quả là : “không ngần ngại ai đang sở hữu hoặc chiếm giữ tài sản (vật), vì người có vật quyền thế chấp có quyền bắt giữ tài sản (vật) để lấy nợ trên giá bán” [7]. Khi nhận thế chấp, có nghĩa là chủ nợ đã thiết lập một vật quyền trên tài sản, do đó có quyền theo đuổi tài sản đó bất kể nó đang do ai giữ. Việc xác định như vậy dễ dàng giúp chúng ta có quy định về thế chấp lại (Secondary Mortgage) và không phải phân vân, lo ngại nhiều khi tài sản thế chấp bị trao đổi, cho thuê thậm chí chuyển nhượng. Tuy nhiên, việc thế chấp tài sản phải được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền nhằm đối kháng với người thứ ba. Ở đây, chúng ta cần thống nhất quan điểm rằng: Thế chấp (Hypothèque) có thể được xác lập trên động sản hoặc bất động sản. Theo dân luật Pháp và dân luật Việt Nam ở các chế độ cũ, người ta quy định có thể cầm cố (Gage) động sản hoặc bất động sản, còn thế chấp chỉ dành riêng cho bất động sản. Song, theo các quy định khác của pháp luật họ vẫn chấp nhận thế chấp tầu biển và tầu bay (là những động sản điển hình). Việc cầm cố thường buộc người nhận cầm cố phải chiếm hữu thực tế tài sản, còn thế chấp không bắt buộc người nhận thế chấp phải chiếm hữu thực tế tài sản. Vì vậy, việc cầm cố thường được sử dụng cho các giao dịch có khoản nợ nhỏ, dẫn đến việc một số nước theo hệ thống pháp luật án lệ (Common Law) thường đặt giao dịch cầm cố ra ngoài phạm vi các giao dịch được bảo đảm. So sánh nội dung thực chất của các quy định về cầm cố và thế chấp của BLDS Việt Nam, thì thấy chúng hoàn toàn giống nhau, không cần quan tâm tài sản đó là bất động sản hay là động sản để phân biệt là cầm cố hay thế chấp mà dựa vào sự chuyển giao hay không chuyển giao tài sản để phân biệt. Suy cho cùng thì chỉ cần xác định thế chấp là một biện pháp bảo đảm nghĩa vụ thông thường và
74
không xác định thế chấp là một vật quyền mà người nhận thế chấp có quyền theo đuổi, truy tìm tài sản thế chấp dù ai đang chiếm giữ.
Cũng giống như các tài sản thông thường, tài sản vô hình có đặc điểm là: Một, gắn liền với chủ thể nhất định; Hai, mang lại lợi ích cho chủ thể đó và đặc điểm nổi bật nhất của tài sản vô hình chính là nó không có hình dạng, trạng thái vật chất cụ thể. Do đó, không có được các đặc điểm của vật quyền và các bên khi tham gia quan hệ thế chấp cần đưa ra các điều kiện về chuyển nhượng quyền sở hữu để xác lập các quyền trên tài sản vô hình.
Hiện nay tồn tại nhiều cách phân loại tài sản vô hình khác nhau. Theo Luật thuế thu nhập của Mỹ, tài sản vô hình có thể được chia làm 6 loại cơ bản:
1. Các sáng chế, phát minh, công thức tính, quy trình, mô hình, kỹ năng; 2. Bản quyền và các tác phẩm văn học, âm nhạc, nghệ thuật;
3. Thương hiệu, tên thương mại, nhãn hiệu hàng hoá; 4. Thương quyền, giấy phép, hợp đồng;
5. Phương pháp, chương trình, hệ thống, thủ tục, nghiên cứu, dự báo, dự toán, danh sách khách hàng, các số liệu kỹ thuật;
6. Các thứ “tương tự” khác. Một thứ được gọi là tương tự nếu nó tạo ra các giá trị không phải nhờ vào các thuộc tính vật chất mà nhờ vào nội dung trí tuệ hoặc các quyền tài sản vô hình khác của nó.
Phân biệt được sự khác nhau về bản chất giữa hai loại tài sản này sẽ giúp bên thế chấp và bên nhận thế chấp có những biện pháp phù hợp khi thiết lập quan hệ thế chấp tài sản.
75