7. Bố cục luận văn
3.3.1.2. Phương pháp dạy học môn tiếng Việt của giáo viên
Khi được hỏi về hoạt động giảng dạy chính ở trên lớp học của mình, đa số giáo viên tham gia thảo luận đều thừa nhận phần lớn thời gian của tiết học được dành cho
việc thuyết giảng, thảo luận cả lớp và làm bài kiểm tra. Ngoài ra giáo viên cũng đã chú ý đến việc dành thời gian cho các em làm việc cá nhân, và theo nhóm nhỏ. Thời gian dành cho các hoạt động ngôn ngữ, đóng kịch, thuyết trình, trò chơi ngôn ngữ hầu như
không được áp dụng, hoặc có thì rất ít ở một số giáo viên. “Giáo viên dù có cố gắng
đến mấy, dù có đổi mới phương pháp thì giáo viên vẫn thuyết trình là nhều. Giáo viên thuyết trình thì mới kịp thời gian, mới truyền tải hết kiến thức cho các em”(Cô TTT – Giáo viên lớp 4). Như vậy có thể nhận thấy, mặc dù chương trình và sách giáo khoa đã
có chú trọng đến việc đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng tích cực hóa hoạt
động của người học, nhưng trên thực tế các giáo viên còn sử dụng nhiều phương pháp giảng dạy truyền thống, lấy giáo viên làm trung tâm và thuyết giảng làm hoạt động giảng dạy chủ yếu.
Hầu hết các giáo viên tham gia thảo luận đều xác nhận phải dành khá nhiều thời gian để chuẩn bị bài giảng trước mỗi buổi dạy của mình. “Nếu cô và trò không có sự
chuẩn bị trước thì khó mà có tiết dạy thành công. Với một số bài học, tôi tin chắc rằng không phải 40 phút mà lên đến 60 phút chưa chắc đã hoàn thành” (Cô TTH – Giáo
viên lớp 4); “Thực tế là bọn em chuẩn bị một tiết thao giảng tiếng Việt mất thời gian
hơn môn Toán rất nhiều. Nếu đi thao giảng, bắt thăm được môn Toán là thích nhất”
(Cô NTD – Giáo viên lớp 1)
Đổi mới chương trình không chỉ hướng đến đổi mới phương pháp giảng dạy mà còn hướng đến đổi mới phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh. Khi thảo luận về phương pháp kiểm tra đánh giá học sinh, phương pháp kiểm tra bằng câu hỏi tự luận và kiếm tra miệng vẫn là các phương pháp được nhiều giáo viên đề cập đến nhất. Phương pháp kiểm tra bằng trắc nghiệm khách quan (lựa chọn đa phương án, đúng/sai...) và kiểm tra bằng cách để học sinh tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau vẫn còn ít được sử dụng. Điều này cho thấy, so với yêu cầu đặt ra trong chương trình cũng như yêu đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá của giáo viên còn chậm đổi mới.
So với chương trình trước đây, chương trình môn tiếng Việt mới có một số điểm đổi mới, đó là chương trình được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp; giáo viên phải
biết sử dụng các phương pháp giảng dạy mới, đó là phương pháp hợp tác nhóm, phương pháp giảng dạy tích cực (lấy học sinh làm trung tâm); cá nhân hoá việc học tập của học sinh; sử dụng nhiều phương tiện giảng dạy và chiến lược đánh giá khác nhau. Về khả năng thực hiện các yêu cầu về phương pháp giảng dạy của chương trình và sách giáo khoa mới, các giáo viên tham gia thảo luận đã đưa ra một số ý kiến cơ bản như sau:
- Hầu hết các giáo viên tham gia thảo luận đều xác nhận mình không gặp khó khăn trong việc dạy tích hợp các phân môn trong môn học cũng như việc quản lí lớp học.
- Nhiều giáo viên nhận thấy mình còn gặp khó khăn khi dạy học sinh có nhiều trình độ khác nhau nhất là ở những bài học dài và khó. Nếu quá chú ý vào việc rèn luyện cho các em có học lực trung bình, yếu thì không đảm bảo thời gian tiết học, chính vì thế mà nhiều khi giáo viên chấp nhận việc học sinh trung bình và yếu chỉ nắm được nội dung bài học một cách sơ sài. Chẳng hạn như ở phân môn tập đọc nhất là ở chương trình lớp 4, lớp 5 rất khó khi rèn kĩ năng cho học sinh từ tìm hiểu bài, rồi đọc diễn cảm nâng cao, rồi cảm thụ. Trong khi đó việc rèn đọc cho học sinh yêu cầu tất cả các học sinh trong lớp đều đọc hay, đọc trôi chảy, lưu loát như nhau. Nhưng khi nâng cao lên đọc diễn cảm trong một lớp chỉ có khoảng 10 em là đọc tốt theo ý cô thôi chứ không thể cả lớp đều làm được.