Về hình thức sách giáo khoa

Một phần của tài liệu Tìm hiểu phương pháp dạy học môn tiếng Việt ở cấp tiểu học theo chương trình và sách giáo khoa mới (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học Xuân Trung - xã Xuân T (Trang 49)

7. Bố cục luận văn

2.3.2.2.Về hình thức sách giáo khoa

Sách giáo khoa được xây dựng giúp giáo viên tổ chức hoạt động dạy học một cách thuận lợi. Các bài học đưa vào sách giáo khoa có những phần giáo viên hướng dẫn để học sinh tự phát hiện kiến thức, tự rèn luyện kĩ năng giao tiếp phù hợp với các tình huống thường gặp trong học tập và trong cuộc sống. Ở phân môn tập đọc, học sinh được hướng dẫn tiếp nhận tác phẩm dựa trên những cơ sở khoa học và tư duy độc lập của cá nhân. Có thể tìm thấy trong sách giáo khoa những bài tập hoạt động học tập được tổ chức thực hiện có hiệu quả: rèn luyện theo mẫu, thực hành giao tiếp, thảo luận, chơi các trò chơi học tập…

Theo nguyên tắc tích cực hoá hoạt động của học sinh, sách giáo khoa không trình bày kiến thức như một kết quả có sẵn mà xây dựng hệ thống câu hỏi, bài tập hướng dẫn học sinh thực hiện các hoạt động nhằm chiếm lĩnh kiến thức và phát triển các kĩ năng sử dụng Tiếng Việt. Sách giáo viên có nhiệm vụ hướng dẫn thầy cô giáo cách thức cụ thể để tổ chức hoạt động học cho học sinh.

Các kiến thức lí thuyết cơ bản về Tiếng Việt, những quy tắc và các định nghĩa được trình bày đảm bảo tính khoa học, tính hệ thống, dễ hiểu đối với học sinh. Sách đã xác định rõ ràng những vấn đề trọng tâm ở từng bài; trình bày nội dung phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh; các bài học, các đơn vị kiến thức, các đề mục, câu hỏi gợi mở… được thiết kế, trình bày có hệ thống theo cấu trúc đường thẳng hoặc đồng tâm, phù hợp với đặc điểm tâm sinh lí học sinh. Qua đó tạo điều kiện để học sinh có cơ hội rèn luyện kĩ năng giao tiếp, diễn đạt, trình bày ý tưởng khoa học. Mỗi cuốn sách đều chú trọng đến việc cân đối giữa các phần lí thuyết, bài tập, thực hành. Số lượng các bài tập đưa vào trong sách vừa phong phú, đa dạng vừa có hiệu quả thiết thực và được sắp xếp một cách hợp lí.

Cách trình bày sách giáo khoa giúp giáo viên dễ dàng xác định đâu là trọng tâm của bài giảng từ đó có thể lựa chọn phương pháp dạy học phù hợp với đặc điểm bài học. Sách giáo khoa không chỉ nêu nội dung kiến thức mà đã chú trọng đến việc thiết kế các hoạt động học tập, nên thực sự trở thành tài liệu định hướng giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học và hỗ trợ học sinh tự học, tự phát hiện, chiếm lĩnh tri thức mới. Đồng thời qua đó góp phần hình thành phương pháp học tập cho các em.

Cấu trúc sách nhìn chung hợp lí với bố cục thống nhất, mục tiêu bài học rõ ràng, ngôn ngữ trong sáng theo chuẩn phổ thông, phù hợp với tâm sinh lí học sinh. Hình thức sách có giá trị thẩm mĩ cao, thể hiện ở sự kết hợp hài hoà kênh hình, kênh chữ, cỡ chữ, ở việc lựa chọn màu sắc sinh động phù hợp với tâm sinh lí học sinh. Chất lượng giấy in tốt, khổ sách rộng, cách trình bày đẹp giúp cho học sinh dễ sử dụng, tạo hứng thú cho học sinh. Điều này cũng đóng góp đáng kể vào việc đổi mới phương pháp giảng dạy

Bài tập trong chương trình sách giáo khoa giúp giáo viên có thể tổ chức học tập theo ba hình thức: học theo lớp, học theo nhóm và học tập cá nhân.

Trong đó những bài tập nhóm tạo điều kiện cho học sinh hợp tác, học hỏi nhau trong quá trình tìm hiểu, vận dụng kiến thức và rèn luyện kĩ năng.

Một phần của tài liệu Tìm hiểu phương pháp dạy học môn tiếng Việt ở cấp tiểu học theo chương trình và sách giáo khoa mới (Nghiên cứu trường hợp trường tiểu học Xuân Trung - xã Xuân T (Trang 49)