Về phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của KCN

Một phần của tài liệu phát triển các khu công nghiệp thuộc khu kinh tế đông nam tỉnh nghệ an đến năm 2020 (Trang 106)

Sau khi có mặt bằng xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc thiết bị, đường, điện, nước...vv tương đối đầy đủ thì đến lượt tuyển dụng lao động, đào tạo tay nghề để đưa nhà máy vào hoạt động, đối với các nhà đầu tư hiện nay quả thật không đơn giản. Mặc dù Nghệ An được chú ý là nơi đang thừa lao động và lao động rẻ. Mâu thuẫn phổ biến trong cơ cấu lao động hiện nay là “thừa thầy, thiếu thợ”. Nhiều doanh nghiệp thông báo tuyển dụng rất lâu những vẫn không có người đến đăng ký, hoặc

vẫn thiếu theo yêu cầu, nhất là ở ngành may mặc, chế biến thủy sản, nông sản, cơ khí, điện tử...vv.

- Nhược điểm chung dễ thấy trong cố gắng giải quyết việc làm cho người lao động hiện nay là rời rạc, mạnh ai nấy làm theo kiểu xã hội hóa dịch vụ chung chung, không có hệ thống tổ chức và mục tiêu định hướng rõ ràng, trong khi đó thì lực lượng lao động đi tứ tán khắp nơi, “lùng sục” tìm việc làm, “may nhờ rủi chịu”... Thiết nghĩ tổ chức chỉ đạo một cách có nề nếp cung ứng lao động đủ, kịp thời và đúng yêu cầu cho các dự án cũng là một đóng góp quan trọng cho cải thiện môi trường thu hút đầu tư.

Nên có sự phối hợp chủ trì của Ban quản lý KKT Đông Nam để tiến hành gắn kết một cách thường xuyên và chặt chẽ trên cùng một Chương trình hành động thống nhất của bốn nhóm tổ chức có liên quan đến giải quyết việc làm cho người lao động, gồm các Đoàn thể, Trung tâm dịch vụ việc làm, Cơ sở dạy nghề, và doanh nghiệp, theo sự phân công của từng nhóm như sau:

+ Nhóm Đoàn thể các cấp, trong đó nòng cốt là Đoàn Thanh niên Cộng Sản HCM, Hội Liên hiệp Thanh niên, Hội Phụ nữ, được phân công khảo sát, thống kê, nắm chắc lực lượng “lao động dự trữ” từ cơ sở cần được giải quyết công ăn việc làm và thường xuyên tập hợp tổ chức tuyên truyền giáo dục hướng nghiệp một cách có bài bản theo xu thế tất yếu chuyển dịch cơ cấu lao động của tỉnh, đặc biệt hướng đến những ngành nghề đang cần lao động ở các nhà máy, các dự án đầu tư...vv ở các KCN, đồng thời lập danh sách gửi đến các Trung tâm dịch vụ việc làm.

+ Nhóm Trung tâm dịch vụ việc làm phải thực hiện tốt vai trò Trung tâm liên kết hữu cơ giữa nhóm (các đoàn thể) nắm nguồn “lao động dự trữ” với nhóm doanh nghiệp (các dự án đầu tư, các KCN...vv) có nhu cầu lao động với tay nghề kỹ thuật cụ thể và nhóm cơ sở dạy nghề (các trường đào tạo, trung tâm dạy nghề các loại).

+ Nhóm cơ sở dạy nghề vừa có chương trình kế hoạch đào tạo cơ bản (dài hạn) theo định hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động của Tỉnh, vừa có chương trình kế hoạch đào tạo tình thế (ngắn hạn), kể cả bồi dưỡng lực lượng công nhân lao động đang làm việc tại các nhà máy cần được nâng cao tay nghề kỹ thuật, và nói chung dạy nghề phải theo “đơn đặt hàng” của các Trung tâm dịch vụ việc làm hoặc các doanh nghiệp.

+ Nhóm các doanh nghiệp (các dự án đầu tư, chủ đầu tư...vv) ngay từ ngày đầu được cấp phép đầu tư, cần sớm được hướng dẫn quan hệ với các Trung tâm dịch vụ việc làm và sớm có đơn đặt hàng cụ thể về nhu cầu lao động với tay nghề kỹ thuật cụ thể để được giới thiệu, cung ứng lao động cần thiết hoặc được chuẩn bị kế hoạch đào tạo lao động theo thời gian, số lượng với tay nghề kỹ thuật phù hợp với nhu cầu triển khai thực hiện dự án...vv.

Theo hướng trên, việc giới thiệu, tuyển dụng đào tạo công nhân lao động theo nhu cầu của các nhà đầu tư từng bước đi vào nề nếp theo kế hoạch địa chỉ “đơn đặt hàng” và tay nghề kỹ thuật sát hợp, và từ đó sẽ hình thành dần một thị trường lao động có tổ chức trên địa bàn tỉnh Nghệ An, trong đó các Trung tâm dịch vụ việc làm là đầu mối liên kết giao dịch và tổ chức thực hiện.

Một phần của tài liệu phát triển các khu công nghiệp thuộc khu kinh tế đông nam tỉnh nghệ an đến năm 2020 (Trang 106)