Thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng tâm thần

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần – bệnh viện Bạch Mai (Trang 65 - 66)

- Đánh giá sự cải thiện triệu chứng rối loạn giấc ngủ

4.2.5.Thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng tâm thần

PHẦN 4 BÀN LUẬN

4.2.5.Thuốc hỗ trợ điều trị các triệu chứng tâm thần

Trong 65 bệnh nhân nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân sử dụng kết hợp thêm thuốc bình thần diazepam là cao nhất (67,69%). Do hầu hết các bệnh nhân khi nhập viện thường kèm theo các triệu chứng lo âu, bồn chồn.

Trong nhóm thuốc an thần kinh, olanzapin được sử dụng kết hợp nhiều nhất (44,62%), do olanzapin là thuốc an thần kinh thế hệ mới, được chứng minh hiệu quả tác dụng khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm, lại có nguy cơ thấp hơn đáng kể các tác dụng bất lợi trên triệu chứng ngoại tháp và rối loạn vận động [72]. Tiếp đến là sulpirid (18,46%), haloperidol (15,38%), quetiapin (9,23%) và risperidon (7,69%).

Chỉ có 3 bệnh nhân sử dụng kết hợp thuốc chỉnh khí sắc (4,62%). Theo một nghiên cứu cho thấy khi phối hợp paroxetin 20mg/ngày với valproat cho tỉ lệ thuyên giảm 48,7%, hiệu quả và dung nạp tốt trên 225 bệnh nhân người Trung Quốc trầm cảm kháng trị [53]. Glucocorticoid cũng là một lựa chọn phối hợp thuốc trên bệnh nhân trầm cảm [76]. Trên mẫu nghiên cứu có 15 bệnh nhân được sử dụng dexamethason (23,08%).

4.2.6. Các liệu pháp điều trị phối hợp

Một trong những liệu pháp đơn giản,dễ phối hợp nhất là liệu pháp tâm lý. Trong nhóm bệnh nhân nghiên cứu, tỉ lệ bệnh nhân sử dụng liệu pháp tâm lý là 51 bệnh nhân (78,46%). Liệu pháp này đạt hiệu quả trên bệnh nhân trầm cảm chịu các stress tâm lý

từ xã hội hay các yếu tố tâm lý khác [16]. Liệu pháp tâm lý nhận thức hành vi đã được chứng minh hiệu quả đối với lứa tuổi vị thành niên [69]. Liệu pháp tâm lý cá thể hóa cũng được sử dụng nhiều trên phụ nữ có thai [68].

Ngoài ra tại viện sức khỏe tâm thần còn thực hiện liệu pháp kích thích từ xuyên sọ (TMS). Theo mẫu nghiên cứu của chúng tôi có 23 bệnh nhân (chiếm tỉ lệ 35,38%) sử dụng kết hợp liệu pháp TMS. TMS được chứng minh đầu tiên năm 1995 bởi George và CS [39] và được FDA cho phép chấp nhận điều trị năm 2008 [44]. Mặc dù bằng chứng vẫn chưa thuyết phục rằng TMS có thể tăng tốc thời gian khởi phát tác dụng của thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm điển hình, hiệu ứng tốt hơn có thể được quan sát thấy khi sử dụng TMS với vai trò như một phương pháp bổ trợ cho thuốc chống trầm cảm để tăng cường tác dụng [36].

4.3.7. Thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân

Theo nghiên cứu của Ngô Thị Thu Hà (2009), thời gian nằm viện trung bình của bệnh nhân là 15,19±8,84 ngày. Trong nghiên cứu của Nguyễn Thanh Tuấn Phong, thời gian nằm viện của nhóm bệnh nhân ở giai đoạn trầm cảm là 40,34±18,60 ngày, trầm cảm tái diễn là 41,16±22,28 ngày. Trong nghiên cứu của chúng tôi, với bệnh nhân trầm cảm mức độ vừa, thời gian điều trị trung bình là 23,8±10,13 ngày. Với bệnh nhân rối loạn trầm cảm mức độ nặng, thời gian điều trị trung bình là 20,65±8,67 ngày. Trên toàn bộ bệnh nhân, thời gian nằm viện trung bình là 22,83±9,75 ngày. Sự khác biệt này có thể do thời điểm lấy mẫu nghiên cứu, địa điểm lấy mẫu nghiên cứu có sự khác nhau. Hơn nữa mẫu nghiên cứu của chúng tôi, bệnh nhân được sử dụng các thuốc chống trầm cảm thể hệ mới nhiều hơn (chủ yếu là mirtazapin, sertralin) nên dễ dung nạp và cho tác dụng nhanh, khả năng cải thiện triệu chứng lâm sàng nhanh hơn.

Một phần của tài liệu Phân tích tình hình sử dụng thuốc chống trầm cảm trên bệnh nhân trầm cảm tại viện sức khỏe tâm thần – bệnh viện Bạch Mai (Trang 65 - 66)