Một số nghiên cứu về chỉ số HOMA

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 phát hiện lần đầu tại bệnh viện Bạch Mai (Trang 35)

Chỉ số HOMA- IR đánh giá chức năng tế bào bêta (%B), độ nhạy insulin (%S) và kháng insulin (IR) ở trạng thái ổn định bằng cách so sánh với phân vị nhóm chứng. Các chỉ số này tuơng đương, tuy không hoàn toàn bằng các chỉ số ước tính chức năng tế bào β và độ nhạy insulin trạng thái không ổn định bằng phương pháp ngoại sinh (có kích thích) như phương pháp “kẹp glucose”, dung nạp glucose đường tĩnh mạch hay đường uống.

Năm 1976, Robert Turner và Rury Holman phát triển khái niệm mức độ glucose và insulin huyết tương lúc đói được quyết định một phần bởi “vòng phản ứng” của tế bào β. Họ xác định nồng độ glucose lúc đói phản ánh một cơ chế bù đắp để duy trì nồng độ insulin lúc đói khi có sự suy giảm bài tiết insulin, và nồng độ insulin lúc đói được tăng lên tỷ lệ thuận với sự suy giảm độ nhạy insulin. Dựa trên giả định đó, một mô hình toán học đã được xây dựng để đánh giá chức năng tế bào β và độ nhạy insulin, dựa trên nồng độ glucose và insulin lúc đói đo được [29].

Năm 1985, David Matthews và các đồng sự giới thiệu một mô hình hoàn chỉnh hơn - mô hình Homeostasis Assessment Model (HOMA, tạm dịch là “mô hình đánh giá ổn định nội môi”). Mô hình được viết bằng ngôn ngữ Fortan, có để ý hơn đến yếu tố thu nạp glucose ngoại biên, có thể dùng số liệu nồng độ lúc

đói của insulin đặc trưng, C-peptide, thay cho chỉ số insulin RIA. Bên cạnh mô hình chạy trên ngôn ngữ Fortan, có một bộ các phương trình hồi qui tuyến tính cho phép ước tính giá trị gần đúng của chỉ số %B và chỉ số kháng insulin (IR) – thay cho chỉ số độ nhạy insulin, thực chất là nghịch đảo chỉ số này (100/%S). Các phương trình này đã được sử dụng rộng rãi để đánh giá chức năng tế bào bêta và kháng insulin trong các nghiên cứu qui mô lớn, tuy nhiên không phù hợp với các thí nghiệm insulin [86].

Năm 1998, Jonathan Levy và đồng sự công bố một mô hình HOMA cập nhật (HOMA2), tính đến sự biến động về kháng glucose trong gan và ngoại biên, tăng tiết insulin trong trường hợp nồng độ glucose huyết tương trên 10 mmol/L (180 mg/dL), sự đóng góp của tiền insulin trong cơ thể. Mô hình cũng được hiệu chỉnh để tính giá trị %B (chức năng tế bào beta) và %S trên thang 100% của những người trưởng thành trẻ tuổi, sử dụng những nghiên cứu lâm sàng về insulin, insulin đặc trưng hoặc C-peptide [67].

Năm 2004, phần mềm tính chỉ số HOMA được Geneviève Hines, Ian Kennedy and Rury Holman công bố và liên tục cập nhật. Phần mềm được cung cấp miễn phí cho phép các nhà nghiên cứu tính các chỉ số %B, % S, IR theo mô hình HOMA một cách dễ dàng [41].

Hiện nay, HOMA-IR là chỉ số được sử dụng phổ biến nhất trong nghiên cứu và điều trị lâm sàng, nhờ khả năng đánh giá chính xác độ nhạy insulin ở trạng thái cơ bản, xét nghiệm và tính toán đơn giản hơn nhiều so với phương pháp kẹp glucose hay các phương pháp thay thế khác.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu tình trạng kháng insulin ở bệnh nhân đái tháo đường týp 2 phát hiện lần đầu tại bệnh viện Bạch Mai (Trang 35)