Các lipid chính trong máu gồm acid béo tự do, triglicerid, cholesterol toàn phần trong đó có cholesterol tự do và cholesterol ester, các phosphor lipid. Vì không tan trong nước, lipid được vận chuyển trong máu dưới dạng kết hợp với các protein đặc hiệu. Các acid béo tự do được vận chuyển chủ yếu bởi albumin, các lipid khác được lưu hành trong máu dưới dạng các phức hợp lipoprotein.
Có 4 loại lipoprotein (LP) chính theo tỷ trọng tăng dần là chylomycron (CM), LP có tỷ trọng rất thấp (VLDL), LP có tỷ trọng thấp (LDL) và LP có tỷ trọng cao (HDL). Rối loạn lipid máu là tình trạng rối loạn hoặc tăng nồng độ các thành phần lipid trong máu gây hậu quả là tạo các mảng xơ vữa dễ dẫn đến gây tắc mạch, gia tăng nguy cơ biến chứng tim mạch và đột qụy [27]. Có rối loạn lipid máu ngay từ khi có tỷ lệ các thành phần của lipid thay đổi dù nồng độ lipid máu vẫn bình thường [26].
Chuyển hóa các lipoprotein ở gan chủ yếu được kiểm soát bởi insulin. Insulin là yếu tố điều hòa quan trọng hoạt tính của hai enzyme trong chuyển hóa lipid:
- Lipase và enzym bị ức chế bởi insulin. Khi insulin giảm, hoạt độ lipase tăng, làm tăng thủy phân lipid ở tổ chức mỡ, dẫn tới làm tăng acid béo tự do trong máu. Các acid béo tự do này để tổng hợp triglyceride và được vận chuyển dưới dạng lipoprotein tỷ trọng rất thấp (VLDL).
- Khi có kháng insulin acid béo tự do sẽ tăng cường đến gan làm tăng tổng hợp triglyceride. Đồng thời cũng tăng tạo mỡ, giảm nồng độ lipoproteinlipase ở mô ngoại biên.
Kết hợp với sự có mặt của kháng insulin, tăng triglyceride là một yếu tố nguy cơ đặc biệt quan trọng ở các bệnh nhân đái tháo đường týp 2, là một chùm nguy cơ bùng nổ cho tử vong tim mạch [78].
Sự tích lũy cholesterol trong máu là biểu hiện sự cân bằng giữa hai quá trình thu nhận và loại bỏ cholesterol. Trong đó có vai trò quan trọng của các HDL- C. Gắn HDL-C vào các vị trí gắn bề mặt của tế bào làm khởi phát sự chuyển vị của cholesterol từ kho nội bào ra bề mặt tế bào, mà từ đó nó có thể bị loại bỏ bởi các hạt nhận, nhiều khi là chính các HDL-C. Các vị trí gắn HDL-C trên bề mặt tế bào tăng lên trong đáp ứng với sự tích tụ của cholesterol, tạo ra một cơ chế thuận lợi cho tế bào loại bỏ cholesterol dư thừa từ các tế bào của thành động mạch. Đây còn được xem là cơ chế bảo vệ thành mạch của HDL-C [1], [9], [77], [79].
Khi giảm HDL-C làm mất cân bằng quá trình thu nhận và loại bỏ cholesterol gây tích lũy cholesterol máu, và là yếu tố nguy cơ độc lập với bệnh lý mạch vành, ngay cả khi LDL-C thấp. Sự giảm HDL-C là do sự giảm của nhân lipoproteincholesteryleste làm thay đổi chuyển hóa và tổng hợp HDL-C [52]. Tình trạng kháng insulin làm thay đổi hoạt tính của men lipase nội bào và men lipoprotein lipase do dó có phần nào liên quan đến sự tăng triglyceride và giảm HDL-cholesterol trên bệnh nhân ĐTĐ týp 2 [56].
Robert Ferrado và cộng sự trong một nghiên cứu năm 1989 về rối loạn bài tiết insulin và tình trạng kháng insulin ở người trên 40 tuổi cho thấy: Rối loạn bài tiết insulin của tế bào β tụy và kháng insulin có liên quan chặt chẽ với tình trạng béo và rối loạn lipid máu [63].
Hơn nữa những BN ĐTĐ týp 2 do có sự khiếm khuyết về sự thanh thải VLDL- TG đồng thuận với mức độ tăng glucose máu. Trong nhiều
nghiên cứu gần đây, các tác giả còn cho thấy quá trình hoạt hóa men lipoprotein lipase (LPL) giảm ở những BN ĐTĐ týp 2, đặc biệt là những đối tượng có tăng glucose máu trung bình và nặng do sự kết hợp giữa giảm tiết insulin và kháng insulin [36], [56], [64], [88].
Kháng insulin có liên quan nhiều đến rối loạn lipid máu và tiến triển của bệnh ĐTĐ týp 2. Kháng insulin ảnh hưởng đầu tiên đến cơ, một số người béo không ĐTĐ, cơ thể của họ đã trở thành yếu tố kháng hoạt động của insulin. Sự nhạy cảm của tế bào với insulin giảm tới 30-40% khi cân nặng cơ thể tăng 30-40%. Cơ thể càng béo insulin tiết càng nhiều để bù lại tình trạng kháng insulin và duy trì trạng thái cân bằng chuyển hóa glucose. Khi chức năng tế bào β bị suy giảm gây giảm tiết insulin dẫn tới đái tháo đường týp 2 [1], [8], [12].