Vì không có một chất cụ thể nào hay một phương pháp nào đánh giá chính xác tuyệt đối tình trạng kháng insulin, nên hiện nay người ta sử dụng nhiều phương pháp và chỉ số để đánh giá khác nhau, sau đây là một số phương pháp và chỉ số hay được sử dụng [1], [5], [8], [11], [12].
1.3.6.1. Các phương pháp nội sinh
Đây là những phương pháp đánh giá hoạt động insulin nội sinh có kết hợp với đưa glucose vào cơ thể hoặc không.
• Định lượng insulin máu cơ bản lúc đói:
Là phương pháp đơn giản và được áp dụng rộng rãi nhất để xác định tình trạng kháng insulin, chỉ cần định lượng nồng độ insulin lúc đói (I0).
Có thể định lượng insulin theo các phương pháp sau:
- Phương pháp miễn dịch phóng xạ (RIA- Radio Immuno Assay) - Đo lượng phóng xạ miễn dịch học
- Kỹ thuật miễn dịch điện hóa phát quang (ECLIA-Electro Chemi Lumi- nessance Immuno Assay).
- Kỹ thuật miễn dịch enzym với những kháng thể đơn dòng kháng insulin.
• Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống.
Nghiệm pháp được thực hiện như sau: Định lượng nồng độ glucose và insulin lúc đói (G0, I0), sau đó cho uống 75g glucose. Sau 30 phút và 120 phút, lấy lại máu để định lượng nồng đọ glucose và insulin (G30, I30, G120, I120). Các chỉ số glucose, insulin máu, tỷ số của chúng và diện tích dưới đường biểu diễn ở các thời điểm của nghiệm pháp được sử dụng để đánh giá tình trạng kháng insulin.
1.3.6.2. Các phương pháp ngoại sinh:
Đây là phương pháp đánh giá đáp ứng glucose máu đối với một lượng insulin nhất định được đưa từ ngoài vào trong cơ thể. Sau đây là một số phương pháp hay sử dụng.
• Kỹ thuật “kẹp glucose” (the glucose clamp)
Phương pháp này được coi là chính xác nhất, hay “tiêu chuẩn vàng”. Nồng độ glucose được kẹp chặt hay cố định ở một mức nhất định trong khi đánh giá sự tiết của insulin hoặc cố định nồng độ insulin trong khi đo hoạt tính của nó. Kỹ thuật “kẹp glucose” được thực hiện như sau:
Tiêm insulin vào tĩnh mạch để nâng cao nồng độ insulin lúc đói, sau đó truyền tĩnh mạch liên tục để duy trì nồng độ insulin vào khoảng 100 μU/ml. Trong khi đó bệnh nhân đồng thời được truyền glucose tĩnh mạch để ngăn không cho giảm glucose máu và “kẹp” hay duy trì nồng độ glucose 100mg/dl (5,5mmol/L). Ở tình trạng này lượng glucose truyền vào tương ứng với sự thu nạp glucose ở các mô và qua đó tính được sự chuyển hoá glucose qua trung gian insulin hay nói cách khác tình trạng nhạy cảm với insulin tại mô.
Nếu khi làm nghiệm pháp bệnh nhân cần một lượng lớn glucose để duy trì nồng độ glucose máu ở mức bình thường thì chứng tỏ trường hợp đó không kháng insulin hoặc có kháng nhẹ với insulin. Ngược lại nếu chúng ta chỉ cần một lượng nhỏ glucose để duy trì nồng độ glucose máu ở mức bình thường thì chứng tỏ trường hợp đó kháng mạnh với insulin.
Đánh giá cụ thể:
Tốc độ truyền: > 7,5 mg glucose/ phút: BN nhạy cảm insuluin. Tốc độ truyền: < 4 mg glucose/ phút: BN có kháng insuluin.
Tốc độ truyền: 4,1 - 7,5 mg glucose/ phút: BN có rối loạn dung nạp glucose (tiền kháng insuluin).
Đây là kỹ thuật xâm nhập và khá phức tạp, đòi hỏi yêu cầu kỹ thuật và thời gian do vậy khó thực hiện.
• Nghiệm pháp dung nạp insulin (insulin tolerance test)
Tiêm tĩnh mạch insulin sau đó định lượng glucose máu. Phương pháp này đơn giản nhưng có nguy cơ gây hạ glucose máu nên hiện nay ít được áp dụng.
• Nghiệm pháp dung nạp insulin đường tĩnh mạch ngắn (intravenous insulin tolerance test, minimal model)
Bonara đã đưa ra phương pháp này với một vài cải tiến để khắc phục nhược điểm của phương pháp trên. Thời gian tiến hành phương pháp chỉ kéo dài 15 phút và glucose máu được đo mỗi phút nên tránh được tai biến hạ glucose máu.
• Nghiệm pháp ức chế insulin:
Bệnh nhân được truyền epinephrine và propanonol cùng lúc với insulin và glucose. Phương pháp này ít được áp dụng vì epinephrine hay gây tác dụng phụ.