7. Kết cấu của Luận văn
1.2.2.2. Quy trình thực hiện pháp luật thuế
Thực hiện pháp luật nói chung, cũng như trong lĩnh vực thuế nói riêng là rất phức tạp, bởi vì để thực hiện được một quy trình pháp luật thuế, nhiều khi đòi hỏi sự tham gia của rất nhiều tổ chức, cá nhân khác nhau, thông qua nhiều thủ tục khác nhau, với những mối liên hệ đa chiều, tương tác về vật chất, về pháp lí, tổ chức, kĩ thuật, tâm lí và những mối liên hệ khác. Có quan niệm cho rằng, quy trình thực hiện pháp luật bao gồm các khâu nối tiếp nhau sau đây: "Phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật; hướng dẫn giải thích pháp luật; cơ chế, bộ máy thực hiện pháp luật; kiểm tra, giám sát bảo đảm tuân thủ pháp luật; tổng kết, đánh giá hiệu lực, hiệu quả của pháp luật qua quá trình áp dụng" [29]. Tuy nhiên, để tiện cho việc theo dõi có thể chia hoạt động thực hiện pháp luật thuế thành hai giai đoạn cơ bản là: Chuẩn bị đưa văn bản hay quy định pháp luật thuế và thực tế thực hiện chúng trong đời sống xã hội.
Chuẩn bị đưa văn bản hay quy định pháp luật thuế vào thực hiện. Để có thể thực hiện được văn bản hay quy định pháp luật thuế đòi hỏi phải:
Ban hành các văn bản quy định chi tiết, giải thích hoặc hướng dẫn thi hành văn bản hay quy định pháp luật thuế đó (nếu thấy cần thiết);
Ban hành văn bản hay quy định về trình tự thủ tục thực hiện (nếu chưa có); Tuyên truyền, phổ biến về nội dung, tinh thần của văn bản hay quy định pháp luật thuế tới cán bộ, nhân dân và các đối tượng có liên quan để có nhận thức chính xác đầy đủ chúng, biết được những gì nên làm, những gì phải làm, những gì có thể làm được, những gì không được làm..., từ đó, mỗi chủ thể sẽ tự quyết định hành vi của mình, tự giác thực hiện pháp luật thuế;
Các hoạt động liên quan đến công tác tổ chức, cán bộ (nếu cần thiết) như: phân công cơ quan hay những người có chức vụ, quyền hạn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện văn bản hay quy định pháp luật thuế đó; thành lập thêm những cơ quan hay bộ phận nếu chưa có, tuyển dụng hoặc đào tạo cán bộ, công chức thuế nếu thấy cần thiết. Đối với các cơ quan áp dụng pháp luật thuế, cần phải được tổ chức một cách khoa học, có sự phân công rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận để tránh hiện tượng hoạt động chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở lẫn nhau trong công việc. Việc tổ chức và hoạt động của các cơ quan áp dụng pháp luật thuế ngoài vấn đề bảo đảm tính độc lập, chủ động, sáng tạo của mỗi cơ quan, mỗi bộ phận đồng thời phải bảo đảm sự phối hợp đồng bộ, thống nhất, nhịp nhàng giữa các cơ quan, các bộ phận cùng tham gia áp dụng pháp luật thuế cũng như sự phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan áp dụng pháp luật thuế với các cơ quan khác của Nhà nước hoặc với các tổ chức xã hội. Các cơ quan áp dụng pháp luật thuế phải thông thạo về nghiệp vụ trong việc giải quyết các công việc thuộc thẩm quyền, có ý thức tổ chức, kỉ luật, có tinh thần trách nhiệm cao, tránh hiện tượng quan liêu, cửa quyền, sách nhiễu, trì trệ, giấy tờ hình thức hoặc thờ ơ, lãnh đạm với đối tượng có nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan, với tài sản của Nhà nước, của các tổ chức kinh tế và của nhân dân. Những người trực tiếp áp dụng pháp luật thuế phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, sự hiểu biết pháp
luật thuế sâu sắc (nắm vững nội dung, tinh thần của quy phạm pháp luật thuế cần áp dụng), ý thức pháp luật cao, có kinh nghiệm nghề nghiệp, kinh nghiệm áp dụng pháp luật thuế, kinh nghiệm sống (nắm vững những tình huống của cuộc sống và ý nghĩa pháp lí của từng sự kiện trong tình huống đó), có văn hóa pháp lí phù hợp, có nhân cách đạo đức tốt, có uy tín trong xã hội. Có được những đặc tính trên thì người áp dụng pháp luật thuế mới có thể độc lập, sáng tạo áp dụng pháp luật thuế và áp dụng có hiệu quả, phù hợp với mục đích xã hội đề ra;
Chuẩn bị về cơ sở vật chất, kĩ thuật để phục vụ cho việc thực hiện quy định pháp luật thuế. Rất nhiều văn bản hay quy định pháp luật thuế để được thực hiện trong thực tế đòi hỏi một sự chi phí rất lớn về tiền của, công sức và những trang thiết bị vật chất - kĩ thuật nhất định. Vì thế, kinh phí cho hoạt động thực hiện pháp luật thuế là một trong những điều kiện cần thiết, quan trọng để việc tuyên truyền, thực hiện pháp luật thuế đạt kết quả mong muốn. Tuy nhiên, phải luôn quán triệt tinh thần là việc thực hiện pháp luật thuế phải đạt được mục đích xã hội với chi phí xã hội thấp nhất cả về vật chất lẫn tinh thần. Ngoài ra, những điều kiện về đời sống vật chất và tinh thần của những người trực tiếp thực hiện pháp luật và gia đình họ cũng ảnh hưởng rất lớn tới quá trình thực hiện pháp luật thuế.
Tổ chức thực hiện các quy định pháp luật thuế trên thực tế. Mỗi quy phạm pháp luật đều được dự liệu cho những tình huống nhất định, do vậy, nó chỉ được thực hiện khi trong thực tế tồn tại đầy đủ những hoàn cảnh và điều kiện mà quy phạm đã dự liệu. Hoạt động thực hiện pháp luật thuế có thể được tiến hành thông qua những cơ chế đơn giản mà cũng có thể là những cơ chế phức tạp:
Cơ chế đơn giản: Các tổ chức, cá nhân trên cơ sở nhận thức nội dung, yêu cầu, đòi hỏi của các quy định pháp luật thuế, khi gặp tình huống thực tế mà pháp luật thuế đã dự liệu sẽ cân nhắc, tính toán để lựa chọn phương án thực hiện các quy định pháp luật thuế (chỉ đạo hành vi của mình) sao cho chính xác, phù hợp và có lợi nhất.
Cơ chế phức tạp: Có nhiều quy định pháp luật thuế, khi tồn tại tình huống thực tế mà quy phạm pháp luật đã dự liệu, nhưng các chủ thể là cá nhân hoặc tổ chức không có thẩm quyền lại không thể tự mình thực hiện được mà phải có sự can thiệp, giúp đỡ của cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền trong lĩnh vực thuế mới có thể thực hiện được (các chủ thể thực hiện quy định pháp luật thuế có sự can thiệp của Nhà nước, nói cách khác, các cơ quan nhà nước áp dụng pháp luật - thực hiện các quy định của pháp luật).
Cứ sau mỗi khoảng thời gian thực hiện pháp luật thuế cần tiến hành các hoạt động tổng kết, đánh giá hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện pháp luật để rút kinh nghiệm và tiếp thu những phản biện, những kiến nghị có giá trị cho việc thực hiện pháp luật thuế tốt hơn hoặc cung cấp thông tin cần thiết cho việc xây dựng hoàn thiện pháp luật thuế trong tương lai.