7. Kết cấu của Luận văn
1.2.1.1. Khái niệm thực hiện pháp luật thuế
Trước hết, cần hiểu về khái niệm thực hiện pháp luật. Khái niệm thực hiện pháp luật được diễn đạt như nhau trong các giáo trình lý luận chung tại các cơ sở đào tạo pháp lý. Theo quan điểm của Trường Đại học Luật Hà Nội và Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội đều đưa ra rằng: "Thực hiện pháp luật là một quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật" [65, 66]. Quan niệm này đã tồn tại và được sử dụng trong một thời gian khá dài. Tuy nhiên, chưa thể nói đây là một định nghĩa hoàn thiện về thực hiện pháp luật vì: Thứ nhất, không phải hành vi thực hiện pháp luật nào cũng phải là một quá trình hoạt động. Quá trình được hiểu là "trình tự phát
triển, diễn biến của một sự việc nào đó" [74], do đó quá trình hoạt động có nghĩa là xâu chuỗi các hoạt động diễn ra theo một trình tự nhất định. Trong khi đó, có những trường hợp thực hiện pháp luật chỉ là những hành vi đơn lẻ; Thứ hai, có những trường hợp cụ thể, chủ thể thực hiện pháp luật không nhằm mục đích đưa pháp luật vào cuộc sống mà nhằm thực hiện những mục đích riêng của mình. Các giáo trình nêu trên cũng có quan điểm tương đồng nên đều giải thích rằng "Thực hiện pháp luật là hành vi (hành động hoặc không hành động) của con người phù hợp với những quy định của pháp luật. Nói khác đi, tất cả những hoạt động nào của con người, của các tổ chức mà thực hiện phù hợp với những quy định của pháp luật thì đều được coi là biểu hiện của việc thực hiện thực tế của các quy phạm pháp luật" [65, 66]; “Hành vi hợp pháp có thể được thực hiện trên cơ sở nhận thức sâu sắc của chủ thể là cần thiết phải xử sự như vậy và do vậy họ tự giác làm theo. Còn có thể có những hành vi hợp pháp được thực hiện do kết quả của việc áp dụng các biện pháp cưỡng chế nhà nước hoặc do sợ bị áp dụng những biện pháp đó” [65, 66]. Theo quan điểm của Trường Đại học Luật Hà Nội “thực hiện pháp luật là hoạt động có mục đích nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, làm cho chúng đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp của các chủ thể pháp luật” [66]. Hay diễn đạt một cách khác: “thực hiện pháp luật là quá trình hoạt động có mục đích làm cho những quy định của pháp luật trở thành hiện thực trong cuộc sống, tạo ra cơ sở pháp lý cho hoạt động thực tế của các chủ thể pháp luật [36]. Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, trách nhiệm thực hiện pháp luật mang tính nguyên tắc do Hiến pháp quy định: “Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa”.
Nhà nước dùng pháp luật để quản lý, điều chỉnh các lĩnh vực trong đời sống xã hội, một trong những lĩnh vực thiết yếu và quan trọng gắn liền với sự
tồn tại của Nhà nước, sự phát triển của quốc gia, đó là lĩnh vực thuế. Trong quá trình soạn thảo và ban hành các quy định pháp luật thuế, nhà làm luật chủ yếu hướng đến việc tìm kiếm những cách xử sự có lợi cho xã hội, cách xử sự cần phải có nhằm thiết lập trật tự xã hội trong lĩnh vực thuế để yêu cầu hoặc đòi hỏi các chủ thể trong xã hội phải xử sự theo; đồng thời tìm ra những xử sự có hại cho xã hội để ngăn cấm thực hiện. Mục đích cuối cùng của việc tìm kiếm này là điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội theo chiều hướng mà Nhà nước mong muốn.
Vì vậy, có thể hiểu một cách ngắn gọn và đơn giản rằng: Thực hiện pháp luật về thuế là quá trình hoạt động có mục đích của các cơ quan có thẩm quyền nhằm hiện thực hóa các quy định của pháp luật, đưa pháp luật về thuế đi vào cuộc sống, trở thành những hành vi thực tế hợp pháp (hành động hoặc không hành động) của các chủ thể có năng lực hành vi pháp luật; với mục đích các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế phải chấp hành về mặt pháp lý một cách nghiêm túc và đầy đủ theo quy định của Nhà nước.