7. Kết cấu của Luận văn
1.2.2.1. Các hình thức thực hiện pháp luật thuế
Yêu cầu của Nhà nước đối với các chủ thể trong hoạt động quản lý, thu và nộp thuế được thể hiện dưới các quy định của pháp luật khá đa dạng
nên cách thức thực hiện các quy định đó cũng khác nhau, có thể là bằng hành động hoặc không hành động. Căn cứ vào tính chất của hoạt động thực hiện, khoa học pháp lí xác định thực hiện các quy phạm pháp luật, yêu cầu của các quy phạm pháp luật mà chia thực hiện pháp luật thuế thành bốn hình thức là tuân theo pháp luật thuế, thi hành pháp luật thuế, sử dụng pháp luật thuế và áp dụng pháp luật thuế.
Tuân theo pháp luật thuế theo nghĩa hẹp và dưới góc độ lý luận chung là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các chủ thể không thực hiện những hành vi mà pháp luật trong lĩnh vực thuế cấm. Đây là hình thức thực hiện các quy phạm pháp luật cấm đoán trong thực tế và là hình thức thực hiện pháp luật bằng không hành động. Trong thực tế, nhiều khi thuật ngữ tuân theo pháp luật lại được thể hiện theo nghĩa rộng, bao gồm toàn bộ việc thực hiện pháp luật nói chung.
Thi hành pháp luật thuế là hình thức thực hiện pháp luật trong lĩnh vực thuế, mà ở đó các chủ thể thực hiện các nghĩa vụ pháp lí của mình bằng hành động tích cực, tức là thực hiện những hành vi mà pháp luật lĩnh vực thuế bắt buộc phải thực hiện. Ví dụ, chủ thể thực hiện nghĩa vụ nộp thuế… Đây là hình thức thực hiện các quy phạm pháp luật về thuế bắt buộc trong thực tế và là hình thức thực hiện pháp luật bằng hành động. Thi hành pháp luật thuế (còn gọi là chấp hành pháp luật thuế) là hình thức thực hiện pháp luật, trong đó các chủ thể pháp luật thuế thực hiện nghĩa vụ pháp lí của mình bằng hành động tích cực. Các quy phạm pháp luật bắt buộc (các quy phạm quy định nghĩa vụ chủ thể phải tiến hành) được thực hiện ở hình thức này. Ví dụ, tổ chức kinh doanh thực hiện nộp thuế cho Nhà nước theo quy định của pháp luật. Giống như tuân theo pháp luật, thi hành pháp luật cũng có thể được hiểu theo nghĩa rộng, tương đương như thực hiện pháp luật. Chẳng hạn, Điều 13 Luật Thuế sử
dụng đất phi nông nghiệp năm 2010 quy định: “Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành những nội dung cần thiết của Luật này để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước”, từ “thi hành” trong quy định này có thể được hiểu đồng nghĩa với từ “thực hiện”.
Sử dụng pháp luật thuế là hình thức thực hiện pháp luật trong đó các đối tượng nộp thuế thực hiện quyền chủ thể, quyền tự do pháp lý của mình, tức là thực hiện những hành vi mà pháp luật thuế cho phép. Đây là hình thức thực hiện các quy phạm cho phép, các quy phạm pháp luật thuế quy định về quyền và tự do pháp lí của các tổ chức, cá nhân được thực hiện ở hình thức này. Đương nhiên, vì quyền lợi và tự do pháp lí là những hành vi mà pháp luật cho phép chủ thể thực hiện nên chủ thể pháp luật có thể thực hiện hoặc không thực hiện các quyền tự do đó tùy theo ý chí của mình, chứ không bị bắt buộc phải thực hiện.
Áp dụng pháp luật thuế là hình thức thực hiện pháp luật thuế trong đó Nhà nước thông qua các cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân có thẩm quyền theo quy định của pháp luật tổ chức cho các đối tượng nộp thuế thực hiện các quy định của pháp luật hoặc tự mình căn cứ vào các quy định của pháp luật thuế để tạo ra các quyết định làm phát sinh, thay đổi, đình chỉ hoặc chấm dứt những quan hệ pháp luật cụ thể. Ở hình thức này, các chủ thể pháp luật thực hiện các quy định của pháp luật thuế luôn có sự can thiệp của cơ quan nhà nước hay nhà chức trách có thẩm quyền. Trong một số trường hợp đặc biệt, theo quy định của pháp luật, một số tổ chức xã hội cũng có thể được thực hiện hoạt động này.
Như vậy, cho thấy, mỗi loại chủ thể pháp luật có cách thức thực hiện pháp luật thuế khác nhau: Đối với cá nhân và các tổ chức không có thẩm quyền thì thực hiện pháp luật thuế dưới các hình thức như tuân thủ, thi hành,
sử dụng pháp luật, còn đối với cơ quan nhà nước và những người có chức vụ, quyền hạn trong lĩnh vực thuế (thẩm quyền) còn được tiến hành dưới hình thức áp dụng pháp luật. Có thể nói, giữa các hình thức thực hiện pháp luật thuế luôn có sự đan xen, bao chứa và gắn bó chặt chẽ với nhau, không biệt lập với nhau. Các chủ thể thông thường phải cùng đồng thời tiến hành thực hiện các quy định pháp luật thuế dưới nhiều hình thức khác nhau, bởi pháp luật thuế là một hệ thống, giữa các quy định pháp luật nói chung, lĩnh vực thuế nói riêng luôn có sự liên hệ, gắn bó, ràng buộc lẫn nhau nên không thực hiện quy định pháp luật này sẽ không thể thực hiện được các quy định pháp luật khác.