Về trách nhiệm hình sự của công chức

Một phần của tài liệu Trách nhiệm pháp lý của công chức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay (Trang 59)

- Vấn đề trách nhiệm kỷ luật của công chức lãnh đạo: Khoản 2 Điều 5 Luật phòng chống tham nhũng năm 2006 (sửa đổi bổ sung năm 2007) quy

2.1.2.Về trách nhiệm hình sự của công chức

Cách mạng tháng Tám thành công, chính quyền nhân dân còn non trẻ phải đối mặt với những khó khăn chồng chất. Nền kinh tế của đất nước vốn đã nghèo nàn, lạc hậu, lại bị Pháp, Nhật vơ vét xác xơ, bị chiến tranh và thiên tai tàn phá. Đất nước luôn phải đối phó với thù trong giặc ngoài nhưng "Đảng ta xác định giữ vững chính quyền nhân dân là nhiệm vụ hàng đầu". Để thực hiện nhiệm vụ này, Nhà nước ta đã ban hành hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là các văn bản về hình sự như: Sắc lệnh số 21-SL ngày 14/2/1946 quy định việc đưa ra Tòa án quân sự xét xử; Sắc lệnh số 26-SL ngày 25/2/1946 trừng trị các tội phá hoại cộng sản; Sắc lệnh số 154-SL ngày 13/8/1946 trừng trị các tội làm bạc giả, lưu hành bạc giả, phá hủy tiền tệ; đặc biệt là Sắc lệnh số 223 ngày 27/11/1946 quy định về tội hối lộ phải chịu trách nhiệm hình sự khá nặng. Tại Điều 1 của Sắc lệnh này quy định: "Tội công chức nhận hối lộ, hoặc phu lam hoặc biển thủ công quỹ hay của công dân đều bị khổ sai từ 5 năm đến 20 năm và phạt bạc gấp đôi tang vật hối lộ, phu lam hay biển thủ...". Qua những vấn đề trên cho thấy ngay sau Cách mạng tháng Tám, Nhà nước ta đã quan tâm đến loại tội phạm có chức vụ.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, các hành vi lợi dụng và lạm dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội ngày càng bị xử lý nghiêm khắc bằng biện pháp hình sự và các tội phạm cụ thể có yếu tố lợi dụng chức vụ quyền hạn ngày càng được quy định rõ hơn trong các văn bản pháp luật đơn hành như Sắc lệnh số 03-SL/1976 ngày 15/3/1976 của Hội đồng Chính phủ cách mạng lâm thời quy định tội lạm dụng chức vụ quyền hạn và hối lộ phải bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Cụ thể hơn là Pháp lệnh trừng trị tội hối lộ ngày 20/05/1981. Trong pháp lệnh này quy định rõ tội hối lộ bao gồm: Nhận hối lộ, đưa hối lộ và môi giới hối lộ. Trong pháp lệnh đã quy định rõ những người nhận hối lộ phải chịu hình phạt từ 1 năm đến 10 năm và còn quy định những trường hợp phải xử nặng đến 15 năm thậm chí gây hậu quả nghiêm trọng còn phải chịu hình phạt chung thân.

Quá trình phát triển của xã hội đã làm nảy sinh nhu cầu phải tội phạm hóa một số hành vi vi phạm pháp luật của người có chức vụ, quyền hạn, nhu cầu pháp điển hóa pháp luật hình sự và đặt ra yêu cầu khái quát hóa từng loại tội phạm căn cứ vào một số dấu hiệu nhất định. Bộ luật hình sự năm 1985 đã dành một chương riêng quy định các tội phạm về chức vụ (chương IX). Đồng thời tội phạm về chức vụ còn được quy định ở một số chương khác của Bộ luật hình sự, trong một số lĩnh vực cụ thể nhất định, như một số tội xâm phạm những quyền tự do dân chủ của công dân (Tội buộc người lao động thôi việc trái pháp luật (Điều 123), Tội xâm phạm quyền khiếu nại, tố cáo của công dân (Điều 127)), một số tội xâm phạm hoạt động và trật tự quản lý kinh tế (Tội cố ý làm trái những nguyên tắc, chính sách, chế độ quản lý kinh tế của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 174), Tội lập quỹ trái phép (Điều 175)...).

Đến những năm 90, tệ nạn tham nhũng xảy ra phổ biến, nghiêm trọng và có nhiều dạng tinh vi trong cơ quan doanh nghiệp nhà nước ở các ngành, các cấp. Đảng và Nhà nước ta đã đặt việc chống tham nhũng là một mục tiêu hàng đầu. Hàng loạt các văn bản quy phạm pháp luật về những biện pháp ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng đã được ban hành như Quyết định số 240 của Hội đồng Bộ trưởng ngày 26/6/1990 về đấu tranh chống tham nhũng, Quyết định số 114-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/11/1992 về những biện pháp cấp bách nhằm ngăn chặn và bài trừ tệ tham nhũng và buôn lậu. Vấn đề này được thể hiện rõ hơn trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự được Quốc hội khóa IX thông qua tại kỳ họp thứ 11 ngày 10/5/1997. Luật sửa đổi đã sửa đổi dấu hiệu pháp lý ở một số điều, tách các điều, khoản của Bộ luật hình sự 1985 và bổ sung nhiều hành vi mới về các tội tham nhũng như Tội lợi dụng, chức vụ, quyền hạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 134a), Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 137a), Tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ (Điều 221a), Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng để trục lợi (Điều 228a). Việc tách các hành vi: lợi dụng chức vụ, quyền hạn để lừa đảo, sử

dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, lạm quyền để trục lợi, sử dụng công quỹ để đưa hối lộ, gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi đã làm rõ hơn đặc trưng và bản chất nguy hiểm của các hành vi tham nhũng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng hình phạt thích đáng đối với từng mức độ vi phạm cụ thể, khắc phục được tình trạng quy định quá chung với khung hình phạt quá rộng.

Tiếp đó, ngày 26 tháng 2 năm 1998 ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh chống tham nhũng và được sửa đổi năm 2000. Để phù hợp tình hình thực tế, năm 2006 Quốc hội thông qua Luật phòng chống tham nhũng năm 2006 và sửa đổi bổ sung năm 2007. Luật phòng chống tham nhũng năm 2006 đã đưa ra định nghĩa tham nhũng, hành vi tham nhũng và các biện pháp xử lý hành vi tham nhũng. Như vậy, mặc dù các hành vi tham nhũng trên đã được quy định trong các tội danh của Bộ luật hình sự năm 1985, nhưng với tầm quan trọng của việc chống tệ nạn tham nhũng, Quốc hội đã cụ thể hóa hơn trong Luật này.

Yêu cầu đổi mới mọi mặt đời sống đất nước đặt ra nhiệm vụ xem xét để sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự một cách cơ bản, toàn diện nhằm kịp thời thể chế hóa chính sách hình sự của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn cách mạng mới, bảo đảm hiệu quả cuộc đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong điều kiện đổi mới, Quốc hội khóa X đã thông qua Bộ luật hình sự năm 1999. Bộ luật đã có nhiều thay đổi từ hình thức tới nội dung. Có nhiều hành vi được hình sự hóa như hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, hành vi xâm phạm môi trường..., và có nhiều hành vi được phi hình sự hóa như hành vi trốn tránh nghĩa vụ công ích, lạm sát gia súc...

Trong lĩnh vực trách nhiệm hình sự của công chức cũng có những thay đổi nhất định như: Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa (Điều 137a Bộ luật hình sự năm 1985) đã trở thành tình

tiết định khung ở Tội sử dụng trái phép tài sản (Điều 142 Bộ luật hình sự năm 1999).

Bộ luật hình sự năm 1999 có sự điều chỉnh một số tội danh theo hướng tăng nặng hình phạt đối với hành vi mà ở Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ bị xử lý ở mức độ nhẹ, thì nay phải chịu mức xử lý về mặt hình sự cao hơn như các tội danh thuộc chương. 17 tội danh thuộc chương các tội xâm phạm hoạt động tư pháp của Bộ luật hình sự năm 1985 hầu như đều có hình phạt cải tạo không giam giữ, thì Bộ luật hình sự 1999, hình phạt này nhất loạt đã được loại bỏ, theo tinh thần là các tội xâm phạm hoạt động tư pháp chủ yếu do những người đang công tác trong các cơ quan tư pháp thực hiện, mà họ là những người hiểu biết pháp luật, nên không thể nương nhẹ và vì vậy không thể áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với họ. Đây là sự thể hiện một đòi hỏi rất cao đối với những người làm công tác trong lĩnh vực này.

Khi xác định trách nhiệm hình sự của người có chức vụ quyền hạn nói chung và công chức nói riêng quy định trong Bộ luật hình sự năm 1999 cũng như trong Luật phòng, chống tham nhũng, có nhiều tội danh trong cấu thành tội phạm bắt buộc phải quy định mức tiền tối thiểu làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự. Thông thường người chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm.

Mặt khác, lại có nhiều tội trong cấu thành tội phạm bắt buộc phải có tình tiết "gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng" hoặc "đã bị xử phạt hành chính" và "đã bị xử lý kỷ luật". Điều này có nghĩa là nhiều hành vi nếu chưa chiếm đoạt đến mức tiền tối thiểu, hoặc không gây hậu quả nghiêm trọng hay chưa bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật thì không phải là tội phạm. Đó là các tội: Tội xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín của người khác (Điều 125), Tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng (Điều 165), Tội lập quỹ trái phép (Điều 166), Tội vi phạm quy định về cấp văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (Điều 170), Tội tham ô tài sản (Điều

278), Tội nhận hối lộ (Điều 279), Tội lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản (Điều 280), Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi (Điều 283), Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi (Điều 291), Tội đào ngũ (Điều 325), Tội quấy nhiễu nhân dân (Điều 338)...

Những quy định về dấu hiệu "đã bị xử lý kỷ luật" mà còn vi phạm hoặc "đã bị xử phạt hành chính" mà còn vi phạm có ý nghĩa thiết thực trong việc chống "kỷ luật hóa" hoặc "hành chính hóa" các quan hệ trách nhiệm hình sự trong thực tiễn xử lý. Tuy nhiên, việc quy định "đã bị xử phạt hành chính", "đã bị xử lý kỷ luật" hoặc "gây hậu quả nghiêm trọng" như đã trình bày ở trên vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể và điều này gây khó khăn cho hoạt động của các cơ quan tiến hành xử lý các vi phạm. Đây là vấn đề mà pháp luật hình sự của chúng ta còn bỏ ngỏ.

Một phần của tài liệu Trách nhiệm pháp lý của công chức trong điều kiện xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam hiện nay (Trang 59)