Thẩm quyền và trình tự tiến hành tố tụng ở các cấp.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 57)

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

2.4.1.Thẩm quyền và trình tự tiến hành tố tụng ở các cấp.

Trong xã hội triều Lê thì cả ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp đều tập trung trong tay nhà vua, nhà vua uỷ quyền của mình cho các quan lại cai quản trong từng địa phương thực hiện quyền hành pháp và tư pháp theo các cấp chính quyền khác nhau. Nhà làm luật đã quy định trình tự giải quyết vụ việc ở từng cấp bậc khác nhau, nếu không tuân thủ mà vượt cấp kiện cáo thì đều bị phạt. Các cấp xét xử bao gồm cấp xã, cấp lộ, cấp phủ, và cấp kinh đô để giải quyết các vụ việc tương ứng như: rất nhỏ, nhỏ, trung bình, lớn. Cấp xã giải quyết việc rất nhỏ; cấp lộ giải quyết việc nhỏ như đánh nhau, hộ hôn và những việc khác; cấp phủ giải quyết vụ việc trung bình; kinh đô giải quyết những việc lớn như giết người, trộm, cướp… (điều 672 BLHĐ): “…có việc tranh kiện nhau, việc rất nhỏ đến kiện ở xã quan; việc nhỏ đến kiện ở lộ quan; việc trung bình đến kiện ở quan phủ; …còn việc lớn thì phải đến kinh...” [37, tr.229].

2.4.2. Kỳ hạn xử án.

BLHĐ quy định trách nhiệm của những người tham gia tố tụng rất rõ ràng. Đối với các quan xét án phải tuân thủ thời hạn xét xử theo luật định, không được để án tồn đọng quá lâu. Nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt bằng chế tài nghiêm khắc. Theo đó, việc trộm cướp xét xử trong ba tháng; việc huỷ báng xét xử trong bốn tháng; việc điền thổ xét xử trong ba tháng; việc hộ hôn, đánh chửi nhau, tạp tụng và việc lặt vặt khác xét xử trong hai tháng kể từ ngày bắt bị cáo đến lúc xét hỏi (điều 671):

“Những quan xét án, dùng dằng để việc quá kỳ hạn không xét xử, thì bị tội theo luật đã định…” [37, tr.228].

2.4.3. Quy định về nơi xét xử án.

Xét xử án là việc làm của các quan được nhà vua cho phép thay mặt vua thực hiện quyền tài phán nên cần phải được tiến hành trong không khí trang nghiêm và phải là nơi công đường, vì vậy trách nhiệm và nghĩa vụ của những người tham gia tố tụng như ngục quan và những người khác phải tuân thủ các quy định về nơi xử án để đảm bảo phiên xử án được diễn ra trong không khí trang nghiêm, có trật tự, có quy củ (điều 709): “Khi xử án ngục quan tra hỏi không phải chỗ xử kiện, người đợi

tra hỏi ngồi đứng không đúng phép, đều xử phạt...” [37, tr.241]. Theo quy định, những quan từ tam phẩm trở lên được cử người hầu kiện thay; từ tứ phẩm đến lục phẩm được đứng ở nơi xử án. Ngoài ra, tất cả đều phải ngồi đất. Quan lại nhất phẩm, nhị phẩm được ngồi trên giường tại phiên toà; quan lại tam phẩm được đứng, ngoài ra tất cả phải ngồi đất.

2.4.4. Phương pháp xử án.

BL đã quy định cụ thể cách thức xử án để quan nắm quyền xét xử không thể tuỳ tiện.

- Xét xử theo cáo trạng. Khi xét xử, quan xử án phải dựa vào cáo trạng để tiến hành thẩm vấn, không được hỏi vượt ra ngoài tờ cáo trạng, nếu không tuân thủ quy định này thì quan xử án sẽ bị áp dụng chế tài nghiêm khắc bất lợi cho mình (điều 670).

- Ra bản án. Sau khi luận tội phạm nhân, các quan xử án phải ra bản án theo luật định, nghĩa là phải dẫn đủ phần chính văn ghi trong BL và cách thức của luật lệnh. Quan xử án phải trình bày việc phạm tội, phân tích chứng cứ xác định có tội, đối chiếu với các điều khoản của luật lệnh NN để tiến hành áp dụng xử phạt. Chế tài đối với hành vi xét xử theo ý riêng của các quan cũng được đặt ra (điều 683).

- Kháng án. BLHĐ không quy định rõ thời hạn và thủ tục kháng án nhưng lại có trình tự kháng án (điều 672). Theo trình tự này thì quan huyện xét xử lại các vụ việc do xã trưởng xử không được và quan phủ xử lại những vụ do quan huyện xử không được, quan lại cấp trung ương sẽ xét xử lại các vụ việc do quan phủ xử không được.

- Về việc định tội danh. Hình quan tự ý thêm bớt tội danh đã có trong luật thì sẽ xử tội nặng hơn tội thêm bớt tội người một bậc (điều 686); hình quan phải áp dụng đúng tội danh và điều luật đã quy định để xét xử, đảm bảo công tác xét xử được đúng người, đúng tội, đúng PL. Nghiêm cấm việc thêm bớt tội danh, hay viện dẫn điều luật khác với điều luật đã có để tuỳ ý xét xử (điều 722).

- Áp dụng khung hình phạt. Khi định khung hình phạt, thì BLHĐ cũng đặt ra vấn đề giảm tội nếu như quan xử án cảm thấy có chỗ nghi ngờ (điều 708).

- Tư cách tố tụng của người làm chứng. Tư cách của người làm chứng cũng được tính đến để đảm bảo sự khách quan, vô tư của vụ án. Lời khai của họ có ảnh

hưởng quan trọng đối với việc xác định sự thật trong vụ án để xử phạt kẻ có tội nên không thể để người làm chứng bị các thứ tình cảm yêu ghét cá nhân chi phối (điều 714). Người làm chứng cũng phải đáp ứng các yêu cầu của luật định (điều 665): nếu

“…như người 80 tuổi trở lên, 10 tuổi trở xuống, và người bị bệnh nặng thì không được gọi ra làm chứng, nếu trái luật này thì bị biếm một tư” [37, tr.226].

- Đối chất. Để làm sáng tỏ vụ án được PL nhà Lê sơ thừa nhận việc đối chất như là quyền của các bên. Các quan xét việc hình ngục mà không tiến hành công việc đối chất theo luật định thì sẽ bị xử tội. Việc đối chất kỳ sau mà lại trì trệ lâu ngày không bắt hai bên đối chất sẽ bị xử phạt nặng (điều 677).

- Hội đồng xét xử. PL quan tâm việc xét xử theo hội đồng (điều 720). Vào ngày quyết tụng (tức là ngày xử lại một vụ án lớn tại kinh đô), các quan đại thần và các quan xét án đều phải tham gia hội đồng xét án để phát huy trí tuệ tập thể trong việc làm sáng tỏ sự thật sao cho về sau này bản án được khách quan công bằng và tránh oan sai, tránh bỏ lọt tội phạm.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 57)