Trong lĩnh vực điều chỉnh các quan hệ tố tụng.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 83 - 85)

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

3.1.1.2. Trong lĩnh vực điều chỉnh các quan hệ tố tụng.

Tố tụng được coi là những công cụ hỗ trợ đắc lực cho NN để thực hiện các chủ trương, chính sách đã đề ra. Xuất phát từ việc vận dụng hệ tư tưởng Nho giáo vào thực tiễn, với chủ trương từng bước củng cố NN tập quyền cao độ, thực hiện việc chia ruộng đất để ổn định đời sống nhân dân, bảo vệ nhân dân khỏi nạn cường hào ác bá, quan lại tham nhũng và độc đoán chuyên quyền khiến cho việc kiện cáo ngày càng phát sinh nhiều, nhà Lê sơ đã đưa ra những quy định tố tụng nhằm hoàn thành mục tiêu xây dựng xã hội, ổn định NN. Tố tụng trong BLHĐ bao gồm các quy định về trình tự, thủ tục tố cáo tội phạm, khởi kiện, nhận đơn tố cáo, điều tra tội phạm, thu thập chứng cứ, xét xử, tống đạt bản án, thi hành án, quyền hạn và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng, của những người tham gia tố tụng như (nguyên cáo, bị cáo, nhân chứng…) Đặc biệt là kèm theo các chế tài xử phạt quan chức tiến hành tố tụng nếu vi phạm các quy định tố tụng gây rối loạn kỷ cương.

PL tố tụng trong BLHĐ tuy chưa phát triển đến mức độ cao, chưa có sự phân định về tố tụng hình sự hay tố tụng dân sự nhưng cũng là bước tiến vượt bậc so với thời điểm nó được xây dựng. Nhiều quy định về tố tụng của BLHĐ đã góp phần duy trì kỷ cương xã hội và bảo vệ công lý, tạo thuận lợi cho người dân trong các quan hệ với cơ quan công quyền. Tại thời điểm thế kỷ XV, những quy định về tố tụng hình sự này có tác dụng ngăn chặn việc áp dụng PL một cách tuỳ tiện trong quá trình giải quyết vụ án, nếu làm sai sẽ bị các chế tài nghiêm khắc (điều 679):

“Nếu xử tội không đúng phép, thì xử tội…Nếu dùng trượng hay roi mà to nhỏ, dài ngắn không đúng phép, thì quan giám đương bị xử tội...” [37, tr.231]. PL tố tụng thời này đã tập trung điều chỉnh các vấn đề như để lộ thông tin đuổi bắt kẻ phạm tội (điều 648); bắt quả tang kẻ phạm tội (điều 649); cấm tra tấn đối với người già, trẻ em và người tàn tật (điều 665); hỏi cung sao cho thấu tình đạt lý (điều 668)… Đồng thời đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm đề cao và bảo vệ quyền con người trong tố

tụng như tù nhân được quan tâm chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, cấp thuốc men thức ăn, được người thân đứng ra bảo lãnh (điều 663): “Nếu tù nhân phạm tội nặng, bị thương cần xét nghiệm, bị bệnh cần cấp thuốc men thức ăn mà không trình lên để xin cấp; những tù nhân phạm tội nhẹ, đáng cho người thân thuộc bảo lĩnh mà không cho, thì [người coi tù] đều bị phạt 80 trượng; nếu vì cớ ấy mà bị chết thì xử biếm hai tư” [37, tr.226]. Các quy định này thể hiện bản chất nhân đạo của nhà Lê đối với tội nhân nhằm giáo dục cảm hoá họ, đồng thời nâng cao trách nhiệm của ngục quan trong việc quản lí tội nhân. Tố tụng không chỉ là công cụ đảm bảo cho việc xét xử được công minh mà còn là công cụ hữu hiệu của NN phòng ngừa và đấu tranh chống hiện tượng tham ô hủ hoá trong đội ngũ quan lại (điều 673): “…Nếu giám ngục hay ngục lại sách nhiễu tiền tài, hành hạ kẻ bị kiện, lại bảo là tục lệ xưa nay vẫn thế, thì đều bị tội hơn luật thường một bậc. Quan ty sở tại không biết răn đe, đem việc nhũng nhiễu ấy tâu lên, thì đều xử tội phạt…” [37, tr.229]. Quy định này là một điểm tiến bộ có giá trị thực tiễn to lớn và mang ý nghĩa thời sự rất cao trong tình hình xã hội hiện nay khi Đảng, NN đang đẩy mạnh việc phòng ngừa và đấu tranh chống tham nhũng trong các cơ quan hành chính cũng như trong các hoạt động tư pháp. Việc đảm bảo quyền lợi cho những người tham gia tố tụng và trừng phạt đối với hành vi sách nhiễu của cán bộ NN cũng là một điểm đáng lưu tâm.

Tuy rằng BLHĐ chưa có sự phân định về luật nội dung và luật hình thức, và việc sắp xếp các quy định thủ tục giải quyết về hình sự, dân sự, hành chính… còn lộn xộn, nhưng theo chúng tôi đây là một trong những đặc điểm cơ bản của PL phong kiến, nó thuộc về quan điểm chính sách xử lý các hành vi VPPL thời đó. Thủ tục tố tụng chưa được xây dựng thành một BL riêng biệt mà đều tập trung trong BLHĐ nhưng các quy định này vẫn là cơ sở quan trọng để nhà Lê tiến tới ban hành bộ Quốc triều khám tụng điều lệ sau này (một BL chuyên về tố tụng).

Khát khao xây dựng một NN hùng mạnh và thịnh trị cùng với tấm lòng thương dân theo tinh thần Nho giáo của nhà lập pháp thời Lê là cơ sơ khiến PL tố tụng đạt được những tiến bộ đáng kể. Nó tiếp tục được kế thừa và phát triển ở các triều đại sau, và đến ngày nay có một số điều luật về tố tụng vẫn còn nguyên giá trị.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 83 - 85)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)