Chế định về thừa kế.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 49 - 51)

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

2.2.3.Chế định về thừa kế.

Thừa kế là một chế định quan trọng trong BLHĐ, nó là một trong những căn cứ để xác định quyền sở hữu của chủ tài sản, đặc biệt là thừa kế đối với bất động sản. Đất đai ruộng vườn là tài sản có giá trị nhất trong xã hội làm nông nghiệp nên

thừa kế được quy định trong chương Điền sản tại các điều 374, 375, 376, 390. Thừa kế là căn cứ làm phát sinh quyền sở hữu đối với đất đai và tài sản khác của người được thừa kế. Người thừa kế bao gồm những người là cha mẹ, vợ chồng, các con và người thân thuộc khác.

Di sản của người đã chết để lại phải trích 1/20 tổng số đó để làm ruộng hương hỏa. Ruộng này không được đem đi cầm cố hoặc bán. Theo luật định, con trai trưởng (cháu trai trưởng thế vị) là người được thừa kế ruộng hương hoả (điều 388, 389). Nếu con trai trưởng bị phế tật hoặc phá tán gia sản không thể thờ cúng được cha mẹ thì luật cho phép chọn con thứ (điều 389, 392). Trong thừa kế ruộng hương hoả, luật ưu tiên quyền thừa kế cho con của vợ cả, ngành trưởng (điều 389) và cho nam giới (điều 392, 393, 396, 398). Tuy nhiên, nếu “không có con trai trưởng thì quyền thừa kế dành cho con gái trưởng” [37, tr. 145]. Thừa kế trong BLHĐ được giải quyết theo hai trình tự thủ tục là chia theo PL và chia theo di chúc.

Mở thừa kế theo chúc thư: PL nhà Lê đưa ra khuyến cáo đối với thần dân rằng: “Người làm cha mẹ phải liệu tuổi già mà lập sẵn chúc thư…” [37, tr.145]. Nếu có chúc thư thì nguyện vọng của chủ sở hữu về khối tài sản sẽ có ý nghĩa tuyệt đối và được áp dụng để chia cho người thừa kế. Khi đưa ra khuyến cáo này nhà Lê cũng quy định chúc thư phải được lập theo hình thức văn bản. Người lập chúc thư nếu không biết chữ thì phải nhờ quan trưởng trong thôn viết và làm chứng xác nhận nội dung di chúc đó. Nếu vi phạm thủ tục này thì chúc thư không có giá trị pháp lý. Người lập chúc thư mà biết chữ thì chúc thư có giá trị pháp lý (điều 366). Trên thực tế thì người biết chữ trong xã hội phong kiến rất ít nên việc giả mạo chúc thư là khó, nếu có xảy ra sẽ dễ dàng tra xét chân giả. Tuy nhiên, ngoài hình thức di chúc văn bản thì PL nhà Lê sơ cũng quy định hình thức di chúc miệng (điều 388): “Nếu đã có lệnh của cha mẹ và chúc thư, thì phải theo đúng, trái thì phải mất phần mình.” [37, tr.144]. Như vậy, “lệnh” của cha mẹ là di chúc miệng mà các con phải tuân thủ. Theo Nho giáo, con phải tuyệt đối phục tùng cha mẹ, nếu vi phạm lời cha mẹ thì bị coi là bất hiếu và sẽ mất phần thừa kế của mình (điều 506). “Con cháu trái lời dạy bảo, và không phụng dưỡng bề trên…mất những tài sản đã được chia” [37, tr.183].

Mở thừa kế theo PL: Trường hợp cha mẹ không lập chúc thư thì những người thừa kế thoả thuận chia di sản của cha mẹ nhưng không được trái với PL. Có tranh chấp thì cũng không được trái với PL, nếu ai trái sẽ mất phần của mình. Trường hợp cha mẹ có lập chúc thư nhưng chúc thư không có giá trị pháp lý vì đã vi phạm vào quy định tại điều 366 thì các con thoả thuận chia điền sản của cha mẹ. Nếu các con còn nhỏ thì trưởng họ đứng ra chia điền sản. Những người thừa kế theo PL có quyền sở hữu phần điền sản được chia và có nghĩa vụ thanh toán các khoản nợ mà cha mẹ lúc sống chưa thực hiện được.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 49 - 51)