NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC
3.1.1.4. Trong lĩnh vực điều chỉnh các quan hệ hôn nhân gia đình.
Về kết hôn: BLHĐ đã đề ra các quy định về điều kiện và hình thức kết hôn.
Để hôn nhân hợp pháp và hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc, PL không cho phép hôn nhân giữa những người cận huyết thống hay có quan hệ gia đình thân thiết (điều 319): “Người vô loại lấy cô, dì, chị, em gái, kế nữ, người thân thích, đều phỏng theo luật gian dâm mà trị tội” [37, tr.122]. Điều luật này đã đảm bảo cho hôn nhân trong xã hội phong kiến vừa có thể duy trì nòi giống phát triển bình thường, khoẻ mạnh vừa đảm bảo được đạo đức theo quan điểm của Nho giáo. Trong thực tế, việc nội hôn có thể dẫn đến những hậu quả như các con sinh ra không khoẻ và thường hay có dị tật bẩm sinh. Vì vậy, quy định này là sự đảm bảo cho bước phát triển vững mạnh của thế hệ kế tiếp. PL cũng cấm việc cậy quyền thế cưỡng ép kết
hôn (338): “Những nhà quyền thế mà ức hiếp để lấy con gái kẻ lương dân, thì xử tội phạt biếm hay đồ” [37, tr.127]. Hiện tượng dùng quyền thế ức hiếp con gái lương dân ép kết hôn này xảy ra đã xâm phạm đến trật tự xã hội cũng như quyền và lợi ích của gia đình phong kiến. Điều này khiến cho tình trạng an ninh xã hội không được đảm bảo, có thể gây nguy hại đến uy tín và sự tồn tại của triều đại. Với quy định này, quyền lợi của người con gái và gia đình cùng an ninh xã hội được đảm bảo hơn.
Hôn nhân thời Lê muốn được NN và xã hội công nhận phải đáp ứng đầy đủ các thủ tục kết hôn. Nhà lập pháp triều Lê rất tôn trọng và đã thừa nhận những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc trong việc quy định thủ tục kết hôn. Tuy nhiên, các nghi lễ kết hôn không được quy định cụ thể trong BLHĐ mà nó chỉ được quy định trong Hồng Đức thiện chính thư: “Lấy vợ trước hết phải có lễ vấn danh, lễ nạp thái, rồi đến tiểu lễ” [47, tr.467]. Điều đặc biệt là hôn nhân có giá trị pháp lý kể từ lễ đính hôn khi nhà gái đã nhận đồ sính lễ mà nhà trai mang sang (điều 315): “Gả con gái đã nhận đồ sính lễ (như tiền, lụa, vàng bạc, lợn, rượu) mà lại thôi không gả nữa thì phải phạt 80 trượng... Nhà trai đã có sính lễ rồi, mà lại không lấy nữa thì phải phạt 80 trượng, và mất đồ sính lễ” [37, tr.122]. Quy định này đảm bảo tính nghiêm túc của hôn nhân.
Về ly hôn: Nhà lập pháp đã đề cập vấn đề quyền và nghĩa vụ của các bên khi
ly hôn với các quy định cụ thể. Trong đó chú trọng đến quyền yêu cầu ly hôn của người phụ nữ, điều này chưa từng có trong các BL phong kiến tồn tại trước đó.
+ Quyền và nghĩa vụ của người chồng: PL đề ra những trường hợp cụ thể mà người đàn ông căn cứ vào đó để bỏ vợ và buộc phải bỏ vợ như khi vợ phạm phải các điều nghĩa tuyệt (thất xuất). Nhưng bên cạnh đó PL cũng đề ra những trường hợp không được bỏ vợ dù vợ có phạm phải điều nghĩa tuyệt, đó là trường hợp “tam bất khứ”. Tam bất khứ là việc người vợ đã để tang nhà chồng 3 năm; khi lấy nhau thì nghèo, về sau giàu có; khi lấy nhau có bà con, lúc bỏ nhau không còn bà con để về. Quy định này được ban hành có sự tiếp thu PL Trung Hoa nhưng đã thể hiện được bản tính nhân đạo, tấm lòng bác ái của người Việt Nam, đồng thời cũng thể hiện sự quan tâm của nhà lập pháp đến số phận của người phụ nữ. Sau khi ly hôn,
chồng chấm dứt quyền với vợ và không được có hành vi ngăn cản vợ lấy người khác, nếu không tuân thủ sẽ bị trừng phạt (điều 308).
+ Quyền và nghĩa vụ của người vợ: Người chồng vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện đầy đủ quan hệ vợ chồng (điều 308): “…đã bỏ lửng vợ 5 tháng không đi lại (vợ được trình với quan sở tại và xã quan làm chứng) thì mất vợ. Nếu vợ đã có con thì cho hạn một năm…” [37, tr.120]. Quy định này cho thấy NN phong kiến đề cao trách nhiệm của người đàn ông là phải chăm lo đời sống của gia đình, vợ con mình nếu quyền lợi của người vợ không được đảm bảo thì người vợ cũng không buộc phải phục tùng người chồng theo quan điểm “tam tòng” của Nho gia nữa mà có quyền chủ động đệ đơn xin ly hôn. Trong trường hợp này, nếu người vợ đem đơn đến công đường thưa kiện thì PL cho phép cưỡng bức ly hôn vì người chồng không làm tròn nghĩa vụ với vợ thì người vợ cũng không buộc phải làm tròn bổn phận của mình. Người phụ nữ cũng có thể xin li hôn với chồng khi mà người chồng đã có hành vi cư xử vô phép xâm hại tới danh dự nhân phẩm của cha mẹ mình (điều 333). Nếu “…con rể lấy chuyện phi lý mà mắng nhiếc cha mẹ vợ, đem việc thưa quan sẽ cho li dị” [37, tr.126]. Trường hợp này thì không những là bất hiếu đối với cha mẹ vợ mà còn là kẻ bất nghĩa đối với vợ. Phong tục tập quán của người Việt Nam không chấp nhận sự cư xử vô văn hoá của người con rể đối với cha mẹ vợ, nên PL cũng cho phép vợ có thể đệ đơn xin ly hôn.
Quyền yêu cầu xử li hôn với chồng là một nét đặc sắc của BLHĐ, nó thể hiện tư duy tiến bộ của nhà lập pháp thế kỷ XV. Trong đêm trường xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ, quyền lợi cơ bản tối thiểu nhất của người phụ nữ đã được bước đầu quan tâm và công nhận, mặc dù nó chỉ mang tính chất tương đối vì trong hôn nhân thì quyền của người nam giới vẫn được chú trọng nhiều hơn.
+ Ly hôn vì hôn nhân vi phạm một trong các điều kiện cấm kết hôn: Nhà lập pháp quy định một số trường hợp buộc phải ly hôn do vi phạm các quan điểm của Nho giáo như anh, em, học trò lấy vợ của anh, của em, của thầy học đã chết (điều 324). Các quy định này xuất phát từ việc bảo vệ các quan điểm Nho giáo nên có sự thái quá về việc quy định đối tượng kết hôn. Trên phương diện quyền con người thì
các quy định này cơ bản không có tiến bộ, nhưng xét về mặt thuần phong mỹ tục thì việc anh, em, học trò lấy vợ goá của anh, em và thầy học đã chết thì cũng không phải là việc đáng khuyến khích. Tuy nhiên, điều đáng bàn ở đây là việc NN đã quy định một số hình thức hôn nhân bất hợp pháp buộc phải ly hôn do vi phạm điều cấm của PL hay quan điểm đạo đức đương thời và áp dụng những chế tài nghiêm khắc nếu vi phạm.
Về từ hôn: Quyền từ hôn được đặt ra cho cả nam và nữ. Đặc sắc là quyền từ
hôn của người phụ nữ. Hôn sự trong xã hội phong kiến là do cha mẹ sắp đặt, con cái buộc phải tuân theo mà không được chống đối. Tuy nhiên, để bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ trong hôn sự, BLHĐ đã tiếp thu những phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc để có những quy định tiến bộ như khi người chồng tương lai của cô gái mà bị ác tật, phạm tội hoặc phá tán gia sản thì cô gái có quyền kêu quan để trả đồ sính lễ mà không buộc phải chấp nhận sự sắp đặt hôn nhân của gia đình. Quy định này đã cho phép người con gái quyền chủ động từ hôn khi người con trai không thoả mãn những yêu cầu của một người chồng trong tương lai và sẽ ảnh hưởng đến hạnh phúc cả đời cô gái nếu như cô gái chấp nhận hôn sự. Trường hợp này người con gái không bị dư luận cộng đồng lên án là bội hôn và PL không cho rằng đây là một tội phạm nên không quy định hình phạt đối với người con gái cũng như gia đình họ (Điều 322). Quy định này xuất phát từ lợi ích của quan hệ gia đình phong kiến, nhưng nó thực sự tiến bộ vì đã bảo vệ quyền lợi của người con gái. Trong khi đó, cùng trường hợp này nhưng PL nhà Đường quy định hình phạt cho bên nhà gái là 60 trượng nếu thoái hôn mà không chấp nhận bất cứ lí do gì.
Về quan hệ gia đình:
+ Công nhận quyền sở hữu tài sản riêng của con và cho phép con ra ở riêng: Theo quan niệm của Nho giáo thì con cái không được đòi tách khỏi cha mẹ khi cha mẹ còn sống. PL nhà Đường coi việc các con đòi chia tách tài sản của mình khỏi tài sản chung với ông bà, cha mẹ là tội bất hiếu. Nhưng theo phong tục tập quán Việt Nam thì việc các con muốn tách riêng khỏi gia đình ông bà, cha mẹ lại biểu thị một sự trưởng thành về sinh học và xã hội của con người, con người đó đã đến lúc cần
phải sống tự lập để biết tự lo cho chính bản thân mình và tự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống nên đây không bị xã hội coi là tội bất hiếu. Trong PL nhà Lê, nhân đinh ở tuổi 15 sẽ được cấp ruộng đất để tự nuôi sống bản thân (điều 347): “…nếu nhân đinh năm nay 14 tuổi thì ruộng chiêm mùa thu năm nay đo, mùa xuân sang năm cấp…” [37, tr.130]. Như vậy, quyền có ruộng đất của nhân đinh ở tuổi 15 là cơ sở pháp lý đảm bảo sự tự lập của các con, tạo điều kiện cho việc người con xây dựng hộ gia đình riêng.
+ Cha mẹ chịu trách nhiệm về những hành vi của con: Cha mẹ có nghĩa vụ dạy bảo, giáo dục con, vì vậy khi con làm điều sai trái thì cha mẹ là người có lỗi và phải chịu TNHS, dân sự đối với hành vi do con gây ra (điều 457): “Các con còn ở nhà với cha mẹ mà đi ăn trộm thì cha bị xử tội biếm; ăn cướp thì cha bị xử tội đồ…và đều phải bồi thường thay con những tang vật ăn trộm, ăn cướp…” [37, tr.165].
+ Không cho phép cha mẹ bán tài sản của con: Đối với tài sản riêng của con thì cha mẹ không có quyền định đoạt, đặc biệt là tài sản mà con được thừa kế. BLHĐ bảo vệ tuyệt đối quyền thừa kế của con và trừng phạt nặng hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu đó của con (điều 377) quy định phạt đối với người vợ bán tài sản thừa kế của con từ người chồng mình là 50 roi, trả lại tiền cho người mua, trả lại ruộng cho con. Người chồng sau, vợ sau đem bán tài sản của con chồng trước, vợ trước thì bị xử phạt 60 trượng, biếm hai tư. Người trưởng họ cũng không được phép bán tài sản của các cháu được thừa kế từ cha mẹ chúng. Nếu muốn bán phải có lý do chính đáng nếu không sẽ bị phạt 60 trượng, biếm hai tư (điều 379). Các quy định này có tác dụng bảo đảm quyền sở hữu cá nhân của các con cháu còn nhỏ tuổi trong gia đình khi chưa tự quyết định được về vấn đề tài sản thuộc quyền sở hữu của mình.
+ Người con gái có quyền sở hữu tài sản trong gia đình: Con gái trong gia đình cũng có quyền sở hữu đối với phần di sản mà cha, mẹ để lại cho mình ngang với con trai. Người con gái trưởng được phép trở thành người thừa kế hương hoả khi gia đình không có con trai để nối dõi.
+ Người vợ có quyền bình đẳng về tài sản với chồng: Trong quan hệ vợ chồng, người vợ được bình đẳng với chồng về tài sản. Mọi tài sản trong gia đình làm ra trong thời kỳ hôn nhân đều thuộc sở hữu chung của vợ chồng (điều 374, 375). Bên cạnh đó, PL cũng công nhận quyền sở hữu tài sản riêng có được của người vợ do được thừa kế hay cho tặng từ gia đình mình. Tài sản này được tạm thời gộp vào để vợ chồng quản lí chung trong thời gian hôn nhân nhưng những lợi tức từ tài sản này đem lại thì được coi là của chung. Tài sản riêng của vợ, người chồng không có quyền chiếm đoạt. Do đó, khi ly hôn xảy ra thì tài sản riêng của vợ vẫn do vợ sở hữu và có quyền mang theo, nhưng trừ trường hợp ly hôn do người vợ có lỗi như gian dâm (điều 401) thì tài sản đó phải để lại cho chồng. Quy định này rất tiến bộ, nó đã phần nào cải thiện địa vị người phụ nữ trong xã hội Nho giáo trọng nam khinh nữ, và lần đầu tiên trong lịch sử lập pháp của Việt Nam quyền sở hữu tài sản của nữ giới đã được PL bảo vệ công khai. Tuy nhiên, cần nhìn nhận khách quan về vấn đề bình đẳng trong sở hữu tài sản, nó chỉ là vấn đề tương đối mà thôi vì cùng là đồng chủ sở hữu nhưng quyền của người vợ và người chồng đối với khối tài sản chung đó rất khác nhau. Người chồng là người quản lý và có quyền quyết định cao nhất đối với tài sản ruộng đất chung đó và chỉ có người chồng mới có quyền định đoạt tài sản ruộng đất của gia đình. Đồng thời, vấn đề sở hữu tài sản riêng chỉ được đặt ra trong trường hợp ly hôn và nếu ly hôn do lỗi của vợ thì người vợ cũng mất quyền sở hữu đối với tài sản riêng đó.
- Về nuôi con nuôi: PL cho phép việc nhận nuôi con nuôi và quy định cụ thể những quyền lợi và nghĩa vụ của người con nuôi và người nuôi con nuôi (điều 380). Về cơ bản con nuôi và con đẻ có quyền lợi như nhau, nhưng về mặt thừa kế thì con nuôi không được hưởng quyền thừa kế ngang bằng với con đẻ mà phải ít hơn. Phần tài sản thừa kế, con nuôi được hưởng bằng ½ của con đẻ. Chỉ khi người con nuôi được nuôi từ thơ ấu và người nuôi con nuôi không có con đẻ thì con nuôi mới được hưởng toàn bộ tài sản của cha mẹ nuôi; nếu “thuở bé không cùng ở thì con nuôi được hai phần, người thừa tự được một phần” [37, tr.141]. Quy định như vậy thể hiện bản chất tốt đẹp và trong sáng của quan hệ nuôi con nuôi.