Quy định của BLHĐ về sở hữu, hợp đồng và thừa kế.

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 43 - 45)

NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA BỘ LUẬT HỒNG ĐỨC

2.2. Quy định của BLHĐ về sở hữu, hợp đồng và thừa kế.

2.2.1. Chế định về sở hữu.

Chế định quyền sở hữu trong BLHĐ là phạm trù pháp lí phản ánh các quan hệ sở hữu trong CĐPK thời Lê, trong đó quy định rõ về việc chiếm hữu, sử dụng và định đoạt tài sản của chủ sở hữu. Tài sản trong BLHĐ được đề cập đến bao gồm động sản như gia súc, thuyền bè, tiền bạc, hoa lợi… hay bất động sản như nhà cửa, ruộng đất, ao hồ… Muốn bảo đảm quyền sở hữu cho chủ các loại tài sản này thì trước tiên phải thoả mãn điều kiện là phù hợp với các quy định của PL. PL nhà Lê công nhận ba loại quyền sở hữu đó là quyền sở hữu NN, quyền sở hữu làng xã và quyền sở hữu tư nhân mà tương ứng với nó là ba hình thức sở hữu cụ thể.

Hình thức sở hữu NN: Là hình thức sở hữu chủ yếu nhất trong xã hội Lê sơ.

Tất cả đất đai, dân chúng, đền chùa miếu mạo, tiền thu thuế, đường xá, cầu cống, đê điều, ấn tín, rừng núi, quân nhu, khí giới… đều thuộc sở hữu NN. NN có những quy định rất rõ ràng và trừng trị nghiêm khắc những tội xâm phạm đến quyền sở hữu của NN. Để khẳng định quyền sở hữu của NN, thuế là công cụ quan trọng được NN sử dụng để thực hiện quyền này. Điều 206 quy định: “Những quan thu thuế không theo ngạch đã định mà thu, lại giấu bớt số thuế thì cũng coi như tội giấu đồ vật công…” [37, tr.92-93]. Nếu không được phép mà chiếm cứ hoa lợi thu được ở rừng, núi, hồ, ao… cũng bị coi là xâm phạm đến quyền sở hữu tối cao của NN (điều 574):

“...chiếm cứ những hoa lợi ở núi, rừng, hồ, đập, thì xử phạt 60 trượng” [37, tr.201]. Quyền sở hữu tối cao về đất đai được NN Lê sơ khẳng định qua việc ban hành chế độ lộc điền và quân điền:

Theo chế độ lộc điền, NN khẳng định quyền sở hữu bằng việc nhà vua ra quyết định ban cấp ruộng đất cho tầng lớp quan lại cao cấp, các vương công quý tộc từ thân vương đến tòng tứ phẩm. Nhà vua quyết định việc ban cấp ruộng đất thế nghiệp hay ruộng đất tạm thời.

Theo chế độ quân điền, NN khẳng định quyền sở hữu bằng việc nhà vua đưa ra những chính sách đối với bộ phận ruộng đất công - làng xã còn lại. Quyết định chia ruộng đất công cho dân các làng xã từ quan lại đến những người mồ côi, goá bụa… hay nhân đinh 15 tuổi cũng được cấp ruộng đất.

Nhằm không ngừng củng cố quyền sở hữu tối cao của NN về ruộng đất, ngoài việc quy định các đặc quyền về thu thuế trên ruộng đất, nhà Lê còn quy định việc lập đồn điền và khai khẩn đất hoang. Kết quả của chính sách lập đồn điền và khai khẩn đất đai đã dẫn đến việc hình thành hai loại ruộng đất mới đó là ruộng thông cáo và ruộng chiếm xạ.

Hình thức sở hữu làng xã: Sở hữu làng xã đã tồn tại từ rất lâu trong lịch sử

Việt Nam. Nhưng đến thời Lê sơ, do NN thực thi chính sách quản lí và bảo vệ diện tích đất đai trong cả nước nên quyền sở hữu về ruộng đất của làng xã đã bị NN can thiệp sâu sắc, đặc biệt NN buộc làng xã phải chấp hành cách phân chia ruộng đất công theo quy định của NN qua chế độ quân điền.

Nguyên nhân để NN can thiệp vào sở hữu làng xã và phá bỏ quyền sở hữu tuyệt đối của làng xã là do tình trạng ruộng đất bỏ hoang quá nhiều, các địa chủ địa phương lấn chiếm nhiều ruộng đất nhưng lại để hoang mà không canh tác. Hơn nữa, tại các làng xã vẫn tồn tại nguyên tắc có từ ngàn đời là “ruộng đất làng nào dân làng đó cày” nên rất phí phạm nguồn tài nguyên chủ yếu của xã hội nông nghiệp. Xuất phát từ thực trạng đó, NN đã ban hành quy định xã nào có nhiều ruộng đất mà nhân dân ít, phải bỏ hoang thì cho phép các quan (phủ, châu, huyện) bảo quản cho người xã khác cày cấy, người điền chủ bản xã không được chấm chiếm làm của riêng. BLHĐ điều 347 quy định: "…chia ruộng còn thừa thì để vào làm ruộng đất công, nếu thiếu thì lấy ruộng công của bản xã, hay của xã lân cận mà cấp, rồi làm sổ tâu trình…” [37, tr.130]. Tuy nhiên, trong chừng mực nhất định, quyền sở hữu của làng xã vẫn được chính quyền trung ương và luật lệ thừa nhận. NN vẫn cho phép làng xã có quyền sở hữu và quản lí đối với một số ruộng đất nhất định (điều 350, 351, 352) như ruộng đất của đình chùa, thành quách, miếu mạo, sông ngòi…

Hình thức sở hữu tư nhân:

Trong thời đại Lê sơ, do có các công cuộc khai hoang được NN khuyến khích bằng nhiều biện pháp khác nhau nên PL đã ghi nhận sự tồn tại của phương thức điền trang tư nhân, nhưng phải được phép của NN (điều 348): “Người có ruộng đất tự tiện lập thành trang trại, chứa chấp dân đinh trốn tránh, nếu là quan …bị xử phạt tiền 300 quan, người trông coi trang trại xử tội đồ…” [37, tr.131].

BLHĐ công nhận sở hữu nhỏ về ruộng đất, tài sản của nông dân, của vợ chồng là sở hữu tư nhân (các điều 374, 375, 376). Đồng thời, đã dành nhiều điều để bảo vệ quyền sở hữu tư nhân về đất đai, tài sản. Các hành vi xâm phạm đến tài sản thuộc quyền sở hữu của người khác đều bị coi là tội phạm và phải chịu những hình phạt nghiêm khắc bằng gậy hoặc tiền. “Người thả trâu ngựa cho dày xéo, ăn lúa, dâu của người ta, thì xử phạt 80 trượng, và đền sự thiệt hại…” [37, tr.203]. Để bảo vệ quyền sở hữu tư nhân, PL còn quy định về hình thức và nội dung của việc mua bán, cầm cố ruộng đất, tài sản: “Những ruộng đất cầm mà chủ ruộng xin chuộc, người cầm không cho chuộc, hay là không muốn chuộc mà bắt phải chuộc, thì đều phải phạt 80 trượng. Nếu quá hạn mà chủ ruộng cố đòi chuộc, thì chủ ruộng cũng phải phạt trượng như thế mà không cho chuộc…” [37, tr.142]. PL cũng ghi nhận quyền được hưởng thừa kế ruộng đất, tài sản và quyền để lại thừa kế cho người thân. Nghiêm cấm thực hiện quyền định đoạt đối với tài sản của người khác đang ở độ tuổi vị thành niên có người đại diện…

Một phần của tài liệu Những giá trị đương đại của Bộ luật Hồng Đức (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)