Hoạt động công tố và xét xử là hai giai đoạn kế tiếp nhau của trình tự tố tụng hình sự. Không có việc Viện kiểm sát truy tố bị can thì không có việc Toà án xét xử bị cáo. Bên cạnh trách nhiệm truy tố của Viện kiểm sát, Bộ luật tố tụng hình sự còn cho phép cơ quan này rút quyết định truy tố nếu thấy có căn cứ (Điều 181, 195 Bộ luật tố tụng hình sự). Theo các quy định này, “Viện kiểm sát có quyền rút một phần hoặc toàn bộ quyết định tuy tố, thời điểm rút
có thể trước hoặc tại phiên toà sơ thẩm”28.
Quyền công tố là quyền nhân danh Nhà nước thông qua thủ tục tố tụng hình sự thực hiện việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội. Quyền công tố được thể hiện ra bên ngoài bằng hoạt động cụ thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người có thẩm quyền trong cơ quan đó gọi là thực hành quyền công tố.
Truy tố là một trong những chức năng của quyền công tố, theo đó Viện kiểm sát thông qua bản cáo trạng, quyết định đưa một người đã bị điều tra ra xét xử trước Toà án có thẩm quyền về một, một số tội phạm nào đó. Để thực hiện chức năng này, trong quá trình truy tố, Viện kiểm sát phải thực hiện các hành vi tố tụng: Áp dụng hay huỷ bỏ biện pháp ngăn chặn, làm bản cáo trạng, trả hồ sơ để điều tra bổ sung, thực hiện một số hoạt động điều tra.
Toà án xét xử những tội danh mà Viện kiểm sát truy tố, việc buộc tội của Kiểm sát viên là nhằm bảo vệ cáo trạng và quyết định truy tố của Viện kiểm sát. Trong giai đoạn xét xử, Viện kiểm sát vẫn có thể thực hiện việc truy tố bị cáo về tội nhẹ hơn so với tội đã bị truy tố trước đó trong bản cáo trạng, rút toàn bộ hoặc một phần quyết định truy tố. Truy tố không chỉ là cơ sở cho
việc xét xử của Toà án mà còn là cơ sở cho chức năng buộc tội của Viện kiểm sát tại phiên toà.
Nếu cơ sở của việc xét xử là yêu cầu của Viện kiểm sát thể hiện bằng quyết định truy tố thì rút toàn bộ truy tố là việc Viện kiểm sát không yêu cầu Toà án xét xử và không thực hiện việc buộc tội tại phiên toà một người về bất kỳ một tội phạm nào đã nêu trong bản cáo trạng. Rút một phần truy tố là việc Viện kiểm sát vẫn duy trì truy tố và buộc tội nhưng yêu cầu Toà án không xét xử một người về một hoặc một số tội nào đó, không áp dụng các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự đã nêu trong bản cáo trạng. Như vậy, điểm khác nhau giữa rút toàn bộ truy tố hay một phần truy tố là việc đề nghị xét xử và buộc tội một người có được Viện kiểm sát duy trì nữa hay không.
- Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết quy định truy tố trước khi mở phiên toà:
Điều 181 Bộ luật tố tụng hình sự quy định: “Nếu xét thấy có một trong những căn cứ quy định tại Điều 107 Bộ luật này hoặc có căn cứ để miễn trách nhiệm hình sự cho bị can, bị cáo… thì Viện kiểm sát rút quyết định truy tố
trước khi mở phiên toà và đề nghị Toà án đình chỉ vụ án” 37. Mặc dù điều
luật không chỉ rõ Viện kiểm sát rút quyết định truy tố ở đây là rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố nhưng cần phải hiểu đây là trường hợp Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố. Bởi vì, nếu Viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố thì hoạt động truy tố vẫn tồn tại và đương nhiên còn việc truy tố thì Toà án vẫn còn phải xét xử. Mặc khác, tuy Điều 181 không quy định rõ nhưng Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự đã chỉ rõ: “Thẩm phán ra quyết định đình chỉ vụ án khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố
trước khi mở phiên toà”37.
Theo quy định tại Điều 176 Bộ luật tố tụng hình sự thì đối với vụ án được đưa ra xét xử, giai đoạn trước khi mở phiên toà được chia làm hai giai
đoạn nhỏ: Giai đoạn từ khi nhận hồ sơ đến khi Toà án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử và giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi phiên toà được mở. Trong giai đoạn từ khi nhận hồ sơ đến khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm quyền ra quyết định đình chỉ vụ án khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thuộc Thẩm phán chủ toạ phiên toà. Giai đoạn sau, thẩm quyền quyết định đình chỉ vụ án có những cách hiểu khác nhau. Nếu Viện kiểm sát rút quyết định truy tố thì Thẩm phán chủ toạ phiên toà ra quyết định đình chỉ vụ án. Căn cứ vào Điều 180 Bộ luật tố tụng hình sự cho phép Thẩm phán chủ toạ phiên toà đình chỉ vụ án khi “Viện kiểm sát rút toàn bộ
quyết định truy tố trước khi mở phiên toà”37. Trước khi mở phiên toà được
tính từ khi Toà án nhận hồ sơ vụ án đến khi phiên toà được mở.
Trong giai đoạn từ khi có quyết định đưa vụ án ra xét xử đến khi phiên toà được mở, Bộ luật tố tụng hình sự không quy định thủ tục để Hội đồng xét xử ra các quyết định nói chung và quyết định đình chỉ vụ án khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố nói riêng. Tuy nhiên, theo quy định tại Khoản 1 Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự thì quyết định đình chỉ vụ án của Hội đồng xét xử “phải được thảo luận và thông qua tại phòng nghi án” 37. Vấn đề đặt ra là trong giai đoạn này nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử có phải mở phiên toà để ra quyết định đình chỉ vụ án hay không? Và phiên toà mở để ra quyết định đình chỉ vụ án có khác gì với phiên toà bình thường không?
- Trường hợp Viện kiểm sát rút quyết định truy tố tại phiên toà:
“Tại phiên toà, sau phần xét hỏi, Viện kiểm sát có thể rút một phần
hoặc toàn bộ quyết định truy tố (Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự)”37. Để
làm rõ thế nào là rút một phần và rút toàn bộ quyết định truy tố thông qua vụ án cụ thể sau đây: A và B cùng bị truy tố trong một vụ án giết người có đồng phạm. Tại phiên toà, sau phần xét hỏi, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố đối
với B về tội giết người với căn cứ không đủ chứng cứ kết luận B đồng phạm với A trong vụ án giết người này và giữ nguyên quyết định truy tố đối với A. Xung quanh vụ án này có hai quan điểm khác nhau.
Quan điểm thứ nhất: Đây là trương hợp Viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố. Do đó sau khi xét hỏi và tranh luận nếu thấy đủ chứng cứ cho thấy B đồng phạm với A về tội giết người thì Toà án có quyền kết tội B.
Quan điểm thứ hai: Đây là trường hợp Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố về tội giết người đối với B. Do đó nếu đủ chứng cứ chứng minh B đồng phạm đối với A thì Toà án cũng không được ra bản án kết tội B mà giải quyết theo quy định tại Khoản 2 Điều 222 Bộ luật tố tụng hình sự. Trong trường hợp Kiểm sát viên rút toàn bộ quyết định truy tố thì Hội đồng xét xử vẫn giải quyết những vấn đề của vụ án theo trình tự quy định tại Khoản 1 điều này. Nếu có căn cứ xác định bị cáo không có tội thì Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo không có tội; Nếu thấy việc rút truy tố không có căn cứ thì quyết định tạm đình chỉ vụ án và kiến nghị với Viện kiểm sát cấp trên trực tiếp.
Qua phân tích hai quan điểm trên đây, chúng ta nhận thấy quan điểm thứ hai là có cơ sở vì các lý do sau đây:
Thứ nhất: Không nên đồng nhất giữa bản cáo trạng và quyết định truy tố. Bản cáo trạng là văn bản áp dụng pháp luật, là một trong những hình thức pháp lý của hoạt động thực hành quyền công tố. Trong bản cáo trạng có thể chứa một hoặc nhiều quyết định truy tố. Chính vì đồng nhất giữa bản cáo trạng với quyết định truy tố dẫn đến việc cho rằng vụ án trên Viện kiểm sát rút quyết định truy tố bị cáo B là rút một phần cáo trạng và cũng là rút một phần quyết định truy tố. Trường hợp này cần nhận thức Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết định truy tố đối với bị cáo B và rút một phần cáo trạng.
Việc đồng nhất giữa quyết định truy tố và cáo trạng có lẽ xuất phát từ việc quy định không giống nhau giữa các Điều 195, 217 với Khoản 1 Điều
221 Bộ luật tố tụng hình sự. Cụ thể: Điều 192, 217 dùng cụm từ “rút một
phần quyết định truy tố” 37 còn Khoản 1 Điều 222 lại dùng cụm từ “một
phần nội dung cáo trạng” 37.
Giả xử, nếu cũng vụ án trên, tại giai đoạn điều tra B bổ trốn. Cơ quan điều tra tách vụ án đối với B để giải quyết sau. Viện kiểm sát truy tố B bằng bản cáo trạng số 1, Toà án đã xét xử và kết tội A. Sau đó bắt được B, Viện kiểm sát truy tố B bằng bản cáo trạng số 2. Trước khi mở phiên toà hoặc tại phiên toà, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố B. Đến đây, xuất hiện sự bất hợp lý là chỉ vì bị truy tố trong một bản cáo trạng với A mà B (ở trong trường hợp bị xét xử cùng A) vẫn bị kết tội và chỉ do bỏ trốn bị truy tố riêng bằng bản cáo trạng khác mà khi rút truy tố B được đình chỉ vụ án. Như vậy, quan điểm đồng nhất cáo trạng với quyết định truy tố và coi đây là trường hợp Viện kiểm sát rút một phần quyết định truy tố đối với B và vẫn xét xử kết tội bị cáo B rõ ràng khó được chấp nhận về cả phương diện lý luận và thực tiễn.
Thứ hai: Truy tố là một trong những chức năng của quyền công tố. Theo PGS.TS Trần Văn Độ thì: “Quyền công tố mang tính cụ thể tức là chỉ xuất hiện trong trường hợp tội phạm cụ thể đã được thực hiện và đối với người phạm tội
cụ thể. Không tồn tại quyền công tố chung chung” 15, tr.48. Từ quan điểm
khoa học này liên hệ với vụ án trên cho thấy: Mặc dù A và B cùng bị truy tố về tội giết người trong vụ án đồng phạm, song vị trí, vai trò, mức độ tham gia trong vụ án, tính chất của hành vi, nhân thân, khả năng giáo dục, cải tạo… của mỗi bị cáo khác nhau. Do đó, không thể tồn tại một quyết định truy tố chung cho cả hai bị cáo mà chỉ quyết định truy tố bị cáo A, quyết định truy tố bị cáo B. Hai quyết định truy tố này được thể hiện trong một bản cáo trạng. Vì vậy, Viện kiểm sát rút quyết định truy tố đối với bị cáo B tại phiên toà phải được coi là trường hợp rút toàn bộ quyết định truy tố đối với B và rút một phần bản cáo trạng. Khi Viện kiểm sát đã rút toàn bộ quyết
định truy tố đối với B có nghĩa là không tồn tại việc buộc tội trước toà đối với B nữa. Khi truy tố, không duy trì việc buộc tội trước toà thì Toà án không thể kết tội.
- Đối với Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự cho phép Hội đồng xét xử vẫn xét xử toàn bộ vụ án ngay cả khi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố. Bản chất của việc xét xử là việc Toà án như một trọng tài đứng ra phân xử và phán quyết khi tồn tại cáo buộc của bên này đối với bên kia. Chức năng xét xử của Toà án chỉ có hai mục đích là nhân danh công lý và Nhà nước kết luận một người phạm tội hay không phạm tội. Tuyên bố một người phạm tội nào đó phải dựa trên sự buộc tội và tất nhiên cần xét xử. Ngược lại không có sự buộc tội thì tuyên bố của Toà án không có ý nghĩa vì không ai buộc tội bị cáo thì đương nhiên họ không có tội và không cần thiết phải xét xử. Đối với trường hợp sau khi xét hỏi Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố thì đương nhiên phiên tòa không có luận tội của Viện kiểm sát và hệ quả logic là không có tranh luận giữa Viện kiểm sát và bị cáo...mà Toà án vẫn ra bản án thì bản án đó có thể coi là trái pháp luật. “Chính vì vậy, quy định tại Điều 195 Bộ luật tố tụng hình sự nếu Viện kiểm sát rút toàn bộ quyết định truy tố tại phiên toà thì Toà án vẫn xét xử, nếu bị cáo không có tội thì tuyên bố bị cáo vô
tội cần xem xét về tính hợp lý của nó” 37. Mặt khác, nếu Viện kiểm sát rút
truy tố mà Toà án vẫn xét xử và kết tội, thì Toà án sẽ làm thay chức năng buộc tội của Viện kiểm sát dẫn đến Toà án vừa buộc tội vừa xét xử và tạo ra một hệ thống ba cơ quan buộc tội (Điều tra, Viện kiểm sát, Toà án) ảnh hưởng đến tích khách quan, độc lập xét xử của Toà án, xâm phạm đến quyền lợi của người bị buộc tội.