Mối quan hệ chế ước giữa hoạt động công tố và xét xử

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử theo yêu cầu của cải cách tư pháp (Trang 53)

Theo từ điển tiếng Việt “Chế ước là hạn chế, quy định trong những

điều kiện nhất định” 51. Có quan điểm lại cho rằng: Khái niệm chế ước có

thể hiểu như là sự tác động qua lại giữa các bên theo hướng chống chế lẫn nhau, kiềm chế vận động của nhau. Các quan điểm này cho thấy, chế ước là sự tác động qua lại và kiềm chế lẫn nhau giữa các sự vật, hiện tượng trong những điều kiện nhất định; Trong hoạt động tố tụng hình sự là sự tác động qua lại giữa các chủ thể tham gia nhằm kiểm soát lẫn nhau tuân thủ pháp luật, tránh việc lạm quyền. Pháp luật nước ta xác lập giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử không những là quan hệ phối hợp mà còn là chế ước. Sự tác động qua lại của hai hoạt động này trong những điều kiện nhất định giúp cho việc thực thi công vụ đúng đắn, tránh lạm quyền. Nói cụ thể ra là đảm bảo cho hoạt động tố tụng hình sự tránh sai sót, vi phạm pháp luật dẫn đến việc xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, Nhà nước và xã hội.

Quan hệ chế ước giữa các hoạt động đó thể hiện ở chỗ: Khi Viện kiểm sát là cơ quan duy nhất có quyền truy tố một người ra toà nhưng việc kết tội lại thuộc về Toà án. Tại phiên toà xét xử nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố, nhưng Kiểm sát viên chỉ đưa ra ý kiến đề xuất quan điểm giải quyết vụ án còn quyết định về tội danh, mức hình phạt vẫn là Hội đồng xét xử. Nhưng mọi hoạt động xét xử của Toà án phải đảm bảo đúng yêu cầu là có truy tố về hành vi, về con người thì mới được xét xử. Toà án không thể tuỳ tiện làm trái thủ tục tố tụng, do đó pháp luật quy định Viện kiểm sát ngoài thực hiện chức năng công tố còn có chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, đó là giám sát việc tuân theo pháp luật của Hội đồng xét xử tại phiên toà, cũng như giám sát hoạt động tố tụng của người có thẩm quyền. Trong trường hợp

vi phạm thủ tục tố tụng tại phiên toà thì Kiểm sát viên có quyền ý kiến trực tiếp; Ví dụ: Hội đồng xét xử không hỏi người tham gia tố tụng có ý kiến về việc có yêu cầu thay đổi người tiến hành tố tụng thì Kiểm sát viên đề nghị Hội đồng xét xử hỏi. Mặt khác sau khi xét xử Viện kiểm sát có quyền ban hành kiến nghị yêu cầu Toà án khắc phục vi phạm pháp luật trong hoạt động xét xử hoặc ban hành kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm để giải quyết lại vụ án khi có căn cứ luật định.

Như vậy có thể thấy, dù Toà án có độc lập trong việc phán quyết, tuy nhiên nếu trái pháp luật thì Viện kiểm sát có quyền kháng nghị, kháng nghị để đảm bảo cho việc chấp hành pháp luật của Toà án. Pháp luật nước ta còn quy định, nếu kiến nghị của Viện kiểm sát không được Toà án tiếp thu, thì Viện kiểm sát có quyền kiến nghị Toà án cấp trên và báo cáo Viện kiểm sát cấp trên để kiến nghị được đảm bảo thực hiện. Qua hoạt động giám sát của Viện kiểm sát còn giúp cho Toà án tránh được những sai sót, vi phạm pháp luật, tăng cường pháp chế.

Về quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 cho phép Toà án trả hồ sơ để điều tra bổ sung - ở đây cũng thể hiện quan hệ chế ước lẫn nhau giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử trong tố tụng hình sự. Vì Viện kiểm sát phải có trách nhiệm điều tra bổ sung và để tránh tình trạng sai sót trong quá trình điều tra đòi hỏi Viện kiểm sát phải làm tốt chức năng kiểm sát điều tra. Bên cạnh đó, Viện kiểm sát có quyền giữ nguyên quan điểm truy tố nếu Viện kiểm sát không chấp nhận yêu cầu điều tra bổ sung của Toà án và theo nguyên tắc xét xử và giới hạn của việc xét xử thì Toà án vẫn đưa vụ án ra xét xử. Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định giới hạn việc xét xử và số lần trả hồ sơ của Toà án tối đa là hai lần đã thể hiện sự chế ước giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử. Điều này xuất phát từ nguyên tắc suy đoán vô tội, có lợi cho người bị buộc tội và đúng với lý luận khoa học về chức năng

công tố. Dù thể hiện quan hệ chế ước giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử, nhưng quan hệ đó phải dựa trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng chức năng tố tụng của mỗi ngành, phải phù hợp và hỗ trợ đắc lực cho nguyên tắc tranh tụng theo tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.

Về bản chất mối quan hệ giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử là phối hợp, chế ước nhưng không làm mất đi tính độc lập trong thực thi chức năng của mỗi cơ quan và phối hợp nhưng không bao biện, làm thay lẫn nhau. Điều này cũng thống nhất với nhận định cho rằng: Ở giai đoạn xét xử, tuy Toà án (hoặc Hội đồng xét xử) là cơ quan giữ vai trò chỉ đạo việc xét xử, là cơ quan quyết định quá trình xét xử, nhưng Viện kiểm sát và Toà án lại độc lập với nhau. Mỗi cơ quan tự chịu trách nhiệm về công việc của mình. Toà án không làm thay hay can thiệp vào công việc của Viện kiểm sát (Kiểm sát viên) và ngược lại, Viện kiểm sát cũng không can thiệp vào công việc xét xử của Toà án, mặc dù Viện kiểm sát có quyền và trách nhiệm giám sát hoạt động xét xử của Toà án.

Trong quan hệ phối hợp cơ bản là để giải quyết những vướng mắc, bất cập trong tố tụng hình sự. Trong quan hệ chế ước, cơ bản là nhằm tránh lạm quyền trong thực hiện chức năng tiến hành tố tụng đối với Toà án và Viện kiểm sát. Trong giai đoạn cải cách tư pháp hiện nay, thì mối quan hệ giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử cần được xây dựng theo hướng phối hợp, chế ước nhưng phải đảm bảo tính độc lập của người tiến hành và trên cơ sở đảm bảo thực hiện đúng chức năng xét xử của Toà án và tăng cường yêu tố tranh tụng.

Một phần của tài liệu Mối quan hệ giữa hoạt động công tố và hoạt động xét xử theo yêu cầu của cải cách tư pháp (Trang 53)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(109 trang)