Nhóm giải pháp điều kiện

Một phần của tài liệu phân tích tài chính khách sạn hương giang resort & spa (Trang 95 - 104)

7. Kết cấu của luận văn

3.2.6 Nhóm giải pháp điều kiện

3.2.6.1 Kiến nghị với Chính phủ

a) Giám sát chặt chẽ việc bán hàng hóa, dịch vụ theo giá niêm yết

Theo quy định của Luật giá, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2013, thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế - kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Theo đó, các doanh nghiệp phải niêm yết công khai giá bán và bán hàng hóa, dịch vụ theo đúng giá niêm yết, các hành vi vi phạm như tăng giá hoặc giảm giá tùy tiện sẽ bị xử phạt hành chính.

Quy định này nhằm mục đích bảo vệ người tiêu dùng đồng thời tránh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu việc kiểm tra, giám sát không chặt chẽ thì sẽ gây ra thiệt hại cho các doanh nghiệp thực hiện đúng theo luật pháp. Đặc biệt đối với ngành dịch vụ, giá bán dịch

vụ thường được các doanh nghiệp đưa ra tùy theo mức cung cầu, ví dụ khi còn nhiều phòng trống các khách sạn sẵn sàng bán với giá rẻ để bù đắp cho chi phí khấu hao. Như vậy, nếu chỉ có một vài doanh nghiệp thực hiện đúng quy định niêm yết giá và bán theo giá niêm yết, trong khi các doanh nghiệp khác không thực hiện theo cam kết, thì chỉ có những doanh nghiệp làm đúng chịu thiệt thòi.

Do đó, đề nghị Chính phủ có những biện pháp hiệu quả để giám sát và xử phạt những doanh nghiệp làm sai, từ đó tạo sự công bằng cho những doanh nghiệp thực thi đúng pháp luật.

b) Hiện đại hóa hệ thống giao thông vận tải của cả nước

Một địa phương hoặc một quốc gia có phát triển mạnh về du lịch hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự thuận tiện của hệ thống giao thông vận tải. Thực tế ngành giao thông vận tải của Việt Nam đang có rất nhiều vấn đề bất cập, điều này ảnh hưởng không ít đến cơ hội phát triển du lịch của cả nước nói chung và của tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng, ví dụ như giá vé máy bay, vé tàu khá cao so với thu nhập của phần lớn người dân, trong khi hệ thống giao thông đường bộ lại xuống cấp, quá tải và có quá nhiều rủi ro. Những yếu kém của ngành giao thông vận tải làm hạn chế cơ hội phát triển du lịch và ảnh hưởng đến cơ hội kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành dịch vụ du lịch và khách sạn.

Kiến nghị với Chính phủ nên sớm cải thiện hệ thống giao thông vận tải của cả nước theo hướng hiện đại, thuận lợi và an toàn, để từ đó thúc đẩy nền kinh tế nói chung và ngành du lịch nói riêng phát triển hơn nữa.

c) Có chế tài xử lý những hành vi gây nên ấn tượng xấu đối với khách du lịch Một hiện tượng thường thấy ở nước ta là ở đâu có khách du lịch, ở đó có hiện tượng chèo kéo khách, và đây là một trong những ấn tượng rất khó chịu đối với các du khách và khiến họ không muốn quay trở lại Việt Nam.

Mặc dù vẫn có những địa phương làm tốt công tác xử lý các hành vi này và giúp cho địa phương mình phát triển mạnh mẽ về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam… nhưng đó chỉ là số ít. Theo quan điểm của tác giả, đây không nên là vấn đề riêng của các địa phương, vì không phải địa phương nào cũng coi trọng và quyết liệt trong việc xử lý những loại hành vi này, và cũng không có quy định pháp luật để xử lý các đối tượng gây nên hiện tượng đó. Vì vậy, Chính phủ nên có các quy định về chế tài xử lý bằng pháp luật để các địa phương thực hiện. Việc này sẽ giúp cải thiện hình ảnh của du lịch Việt Nam, từ đó thu hút thêm nhiều du khách để có cơ hội tạo thêm nhiều việc làm và thu thêm nhiều ngoại tệ từ chính ngành du lịch.

3.2.6.2 Kiến nghị với Tổng cục Du lịch

a) Xây dựng và đăng tải công khai chỉ tiêu trung bình ngành

Việc xây dựng chỉ tiêu trung bình ngành có rất nhiều ý nghĩa quan trọng, tuy nhiên hiện nay hệ thống chỉ tiêu trung bình của các ngành ở nước ta nói chung và ngành du lịch nói riêng vẫn chưa được xây dựng một cách đầy đủ và công khai cho các đối tượng quan tâm tham khảo. Hiện tại, các doanh nghiệp chủ yếu tham khảo chỉ tiêu này thông qua các công ty chứng khoán, nhưng thực chất đây chỉ là chỉ số trung bình của các công ty niêm yết trên sàn chứng khoán, không phải của toàn bộ doanh nghiệp hoạt động trong ngành. Vì vậy, rất mong Tổng cục Du lịch sớm kết hợp với Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch của các tỉnh và Tổng cục Thống kê để đưa ra chỉ tiêu trung bình ngành chính xác của từng năm. Chỉ tiêu này sẽ giúp cho công tác phân tích tài chính đánh giá chính xác hơn tình hình tài chính của doanh nghiệp, đồng thời giúp các doanh nghiệp tự đánh giá mình để từ đó điều chỉnh những điểm yếu và phát huy những điểm mạnh một cách kịp thời.

b) Thắt chặt điều kiện cấp hạng sao cho các cơ sở lưu trú

Hạng sao của các khách sạn là cơ sở quan trọng để các khách sạn đưa ra giá dịch vụ và là căn cứ để khách hàng lựa chọn địa điểm lưu trú phù hợp. Nếu một khách sạn có hạng sao cao nhưng cơ sở vật chất và chất lượng dịch vụ không tương ứng sẽ làm cho khách hàng cảm thấy không thỏa mãn với số tiền mình đã bỏ ra. Do vậy, kiến nghị Tổng cục Du lịch nên thắt chặt điều kiện cấp hạng sao cho các cơ sở lưu trú, đồng thời định kỳ thẩm định lại các điều kiện một cách chặt chẽ để tránh gây nên tình trạng quá nhiều các khách sạn có hạng sao cao nhưng kém về chất lượng. Điều này sẽ dẫn đến việc hạ giá quá thấp cho các hãng lữ hành và các đơn vị môi giới, còn du khách vẫn phải trả giá cao kèm theo sự thất vọng và ấn tượng xấu về du lịch Việt Nam. c) Đóng góp ý kiến để phát huy hơn nữa vai trò của Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Khách sạn

Hiệp hội Du lịch và Hiệp hội Khách sạn hiện nay hoạt động vẫn mang tính hình thức, chưa thật sự phát huy hết vai trò của tổ chức trong việc liên kết và trao đổi thông tin giữa các đơn vị du lịch. Việc trao đổi thông tin sẽ giúp các đơn vị lữ hành, các khách sạn tránh việc cạnh tranh không lành mạnh, ép giá của nhau và cảnh báo sớm về các đơn vị có dấu hiệu lừa đảo, nợ xấu… Điều này sẽ giúp cho ngành du lịch và các đơn vị trong ngành thu được lợi ích chính đáng từ kinh doanh du lịch và tránh được các rủi ro về công nợ.

Do đó, Tổng cục Du lịch nên đóng góp ý kiến giúp các hiệp hội phát huy hơn nữa tính tích cực và hiệu quả của mình.

3.2.6.3 Kiến nghị với UBND tỉnh Thừa Thiên Huế

a) Xây dựng các địa điểm vui chơi mới, khai thác các lợi thế tiềm năng nhằm tăng khả năng cạnh tranh với các địa phương khác

Những năm gần đây du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế không còn được đánh giá cao từ du khách như những năm trước. Lý do đầu tiên có thể dễ dàng

nhận thấy là do Huế có quá ít các địa điểm vui chơi giải trí mà chỉ tập trung phát triển du lịch dựa vào các di sản văn hóa, làm cho du khách chỉ đến một lần cho biết rồi rất ít khi muốn quay trở lại.

Đặc điểm tự nhiên của tỉnh Thừa Thiên Huế rất đa dạng: có biển, có núi, có sông, có đầm phá… nhưng hầu như chưa được khai thác đúng mức để phục vụ du lịch. So với các tỉnh thành lân cận như Đà Nẵng, Quảng Nam thì Thừa Thiên Huế có nhiều lợi thế hơn về thiên nhiên và văn hóa, nhưng vị thế trên bản đồ du lịch cũng như nguồn thu từ du khách thì không bằng các địa phương trên.

Vì vậy, rất mong tỉnh Thừa Thiên Huế sớm xây dựng một chiến lược phát triển du lịch lâu dài để du lịch Huế không chỉ dựa vào các di sản văn hóa, mà quan trọng hơn là tạo ra một môi trường khiến du khách cảm thấy hứng thú, không nhàm chán và có nhiều sự lựa chọn để vui chơi giải trí mỗi lần đến Huế. Có như vậy mới có thể giữ chân du khách ở lại dài ngày cũng như khiến họ muốn quay trở lại.

b) Tăng cường công tác quảng bá du lịch cho tỉnh nhà

Tỉnh Thừa Thiên Huế cần đầu tư để xây dựng sản phẩm du lịch và chiến lược quảng bá một cách chuyên nghiệp hơn. Hiện tại slogan (khẩu hiệu) của du lịch Huế chưa tạo được một hình ảnh chuyên nghiệp, có tính ổn định và gắn với những giá trị của du lịch Huế. Các câu slogan đang được tỉnh Thừa Thiên Huế sử dụng để quảng bá là Huế - Thành phố Festival, Huế - Di sản Thế giới, Huế – Điểm đến xanh Huế - Một quê hương của hạnh phúc… điều này làm giảm sự tập trung và không nêu bật được điểm mạnh của du lịch tỉnh nhà. Do đó, tỉnh Thừa Thiên Huế nên tổ chức một cuộc thi hoặc đóng góp ý kiến về việc xây dựng slogan và logo cho du lịch Huế một cách vừa chuyên nghiệp vừa phù hợp với xu hướng hiện đại.

Ngoài ra, tỉnh cũng cần quảng bá mạnh mẽ hơn nữa về tiềm năng và hình ảnh du lịch Huế trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước, cũng như tại các hội chợ, hội thảo về du lịch... Trong công tác quảng bá cần khai thác và làm nổi bật được các thế mạnh riêng có của địa phương, không nhầm lẫn và không có ở các địa phương khác.

c) Tạo điều kiện cổ phần hóa, thoái vốn đối với các DNNN về du lịch

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, vẫn còn một số DNNN hoạt động trong lĩnh vực du lịch chưa cổ phần hóa hoặc Nhà nước vẫn nắm một phần vốn. Việc cổ phần hóa và thoái vốn của Nhà nước sẽ giúp các doanh nghiệp hoạt động một cách tự do, chủ động hơn và buộc họ phải năng động, hoạt động hiệu quả hơn, đồng thời tạo sự cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp.

Tóm tắt Chương 3

Chương 3 của khóa luận đã đưa ra một số giải pháp cụ thể nhằm khắc phục những điểm còn hạn chế, góp phần nâng cao năng lực tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa. Những giải pháp trên được đưa ra dựa trên những phân tích rõ ràng, cụ thể về thực trạng năng lực tài chính của khách sạn trong Chương 2 và căn cứ vào định hướng phát triển của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa trong thời gian tới cũng như thực tế tình hình ngành du lịch của địa phương.

Ngoài ra, Chương 3 còn nêu lên một số kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan, ban ngành, hiệp hội liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sự phát triển của các doanh nghiệp ngành du lịch nói chung và của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa nói riêng.

KẾT LUẬN

Một doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố cả khách quan, lẫn chủ quan, cả phụ thuộc vào nền kinh tế vĩ mô, lẫn phụ thuộc vào các yếu tố nội tại của bản thân doanh nghiệp… Tuy nhiên, nổi bật lên trong những yếu tố đó là vấn đề tài chính, cụ thể là vấn đề quản lý tình hình tài chính một cách hiệu quả để đem lại nhiều lợi ích nhất cho doanh nghiệp, cũng như dự đoán được những diễn biến bất lợi trong tình hình tài chính để nhanh chóng khắc phục, sửa chữa trước khi đi đến một kết cục không mong muốn.

Với ý nghĩa đó, luận văn Phân tích tài chính Khách sạn Hương

Resort & Spa đã đi sâu nghiên cứu cả về lý luận và thực tiễn vấn đề phân

tích tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa, và bước đầu đạt được một số kết quả sau:

- Hệ thống hóa những vấn đề lý luận chung về phân tích tài chính. - Phân tích thực trạng tình hình tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa trong các năm 2011 - 2012, từ đó đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế và nguyên nhân của những hạn chế.

- Trên cơ sở những vấn đề lý luận và thực tiễn về tình hình tài chính của Khách sạn Hương Giang, căn cứ vào định hướng và mục tiêu phát triển của khách sạn trong giai đoạn tới, tác giả đã đưa ra hệ thống các giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao năng lực tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa:

Thứ nhất, các giải pháp nhằm tăng doanh thu cho khách sạn Hương Giang Resort & Spa.

Thứ hai, các giải pháp cải thiện khả năng thanh toán.

Thứ tư, các giải pháp tối đa hóa lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh.

Thứ năm, các giải pháp khác nhằm nâng cao hơn nữa năng lực canh tranh và năng lực tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa.

Thứ sáu, các kiến nghị đối với Chính phủ, Tổng cục Du lịch và UBND tỉnh Thừa Thiên Huế.

Phân tích tài chính không phải là một đề tài mới lạ, nhưng mỗi doanh nghiệp có một đặc điểm kinh doanh riêng và có tình hình tài chính riêng, nên để đưa ra được các giải pháp phù hợp cho điều kiện của một doanh nghiệp cụ thể tác giả đã cố gắng tìm tòi và vận dụng những kiến thức liên quan đến phân tích tài chính, cũng như nghiên cứu kỹ lưỡng tình hình tài chính của Khách sạn Hương Giang Resort & Spa, đặc thù kinh doanh của ngành dịch vụ lưu trú và đặc điểm môi trường kinh doanh của tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, luận văn sẽ không tránh khỏi những thiếu sót khi phân tích tình hình thực tế, hoặc các giải pháp đưa ra chưa thật sự phù hợp. Tác giả luận văn kính mong nhận được sự đóp góp ý kiến của các thầy cô giáo cũng như của ban lãnh đạo Khách sạn Hương Giang Resort & Spa để luận văn có thể đi vào thực tiễn, đóng góp một phần vào sự phát triển của khách sạn Hương Giang Resort & Spa.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bộ Tài Chính (2009), Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31 tháng 12 năm 2009 về việc Hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp, Hà Nội.

2. Bộ Tài Chính (2013), Thông tư số 45/2013/TT-BTC ngày 25 tháng 4 năm 2013 về việc Hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng và trích khấu hao tài sản cố định, Hà Nội

3. Ngô Thế Chi, Nguyễn Trọng Cơ (2009), Phân tích tài chính doanh nghiệp, Nxb. Tài Chính, Hà Nội

4. Phạm Văn Dược, Đặng Kim Cương (1995), Kế toán quản trị và phân tích kinh doanh, Nxb. Thống Kê, Hà Nội.

5. Thái Thanh Hà (2010), Quản trị tài chính doanh nghiệp, Nxb. Đại Học Huế, Thừa Thiên Huế.

6. Lưu Thị Hương (2002), Tài chính doanh nghiệp, Nxb. Giáo Dục, Hà Nội. 7. Ngô Thị Kim Phượng (2010), Phân tích tài chính doanh nghiệp, Nxb.

Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, TP Hồ Chí Minh.

8. Quốc Hội (2005), Luật Doanh nghiệp, số 60/2005/QH11, ngày 29 tháng 11 năm 2005, Hà Nội.

9. Quốc Hội (2012), Luật Giá, số 11/2012/QH13, ngày 20 tháng 06 năm 2012, Hà Nội.

10.Trương Bá Thanh, Trần Đình Khôi Nguyên (2008), Giáo trình Kế toán quản trị, NXB Giáo Dục, Hà Nội.

11.Bùi Văn Vấn, Vũ Văn Ninh (2013), Tài chính doanh nghiệp, NXB Tài Chính, Hà Nội.

Một phần của tài liệu phân tích tài chính khách sạn hương giang resort & spa (Trang 95 - 104)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(105 trang)
w