7. Kết cấu của luận văn
1.2.4 Phương pháp phân tích tài chính doanh nghiệp
1.2.4.1 Phương pháp tỷ số
Phương pháp truyền thống được áp dụng phổ biến trong phân tích tài chính doanh nghiệp là phương pháp tỷ số. Phương pháp tỷ số là phương pháp trong đó các tỷ số được sử dụng để phân tích. Đó là các tỷ số đơn được thiết lập bởi chỉ tiêu này so với chỉ tiêu khác. Đây là phương pháp có tính hiện thực cao với các điều kiện áp dụng ngày càng được bổ sung và hoàn thiện. Bởi lẽ, thứ nhất: nguồn thông tin kế toán và tài chính được cải tiến và được cung cấp đầy đủ hơn. Đó là cơ sở để hình thành những tỷ lệ tham chiếu tin cậy cho việc đánh giá một tỷ số của một doanh nghiệp hay một nhóm doanh nghiệp; thứ hai, việc áp dụng công nghệ tin học cho phép tích lũy dữ liệu và thúc đẩy nhanh quá trình tính toán hàng loạt các tỷ số; thứ ba, phương pháp phân tích này giúp nhà phân tích khai thác có hiệu quả những số liệu và phân tích một cách hệ thống hàng loạt tỷ số theo chuỗi thời gian liên tục hoặc theo từng giai đoạn.
Trong phân tích tài chính, các tỷ số tài chính chủ yếu thường được phân thành 4 nhóm chính:
Tỷ số về khả năng thanh toán: đây là nhóm chỉ tiêu được sử dụng để đánh giá khả năng đáp ứng các khoản nợ ngắn hạn của doanh nghiệp.
Tỷ số về khả năng cân đối vốn hoặc cơ cấu vốn: nhóm chỉ tiêu này phản ánh mức độ ổn định và tự chủ tài chính cũng như khả năng sử dụng nợ vay của doanh nghiệp.
Tỷ số về khả năng hoạt động: đây là nhóm chỉ tiêu đặc trưng cho việc sử dụng tài nguyên, nguồn lực của doanh nghiệp.
Tỷ số về khả năng sinh lời: nhóm chỉ tiêu này phản ánh hiệu quả sản xuất kinh doanh tổng hợp nhất của một doanh nghiệp.
Tuỳ theo mục tiêu phân tích tài chính mà nhà phân tích chú trọng nhiều hơn tới nhóm tỷ số này hay nhóm tỷ số khác. Chẳng hạn, các chủ nợ ngắn hạn đặc biệt quan tâm tới tình hình khả năng thanh toán của người vay. Trong khi đó, các nhà đầu tư dài hạn quan tâm nhiều hơn đến khả năng hoạt động và hiệu quả sản xuất kinh doanh. Họ cũng cần nghiên cứu tình hình về khả năng thanh toán để đánh giá khả năng của doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu thanh toán hiện tại và xem xét lợi nhuận để dự tính khả năng trả nợ cuối cùng của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, họ cũng chú trọng tới tỷ số về cơ cấu vốn vì sự thay đổi tỷ số này sẽ ảnh hưởng đáng kể tới lợi ích của họ.
1.2.4.2 Phương pháp so sánh
Về nguyên tắc, với phương pháp tỷ số, cần xác định được các ngưỡng, các tỷ số tham chiếu. Để đánh giá tình trạng tài chính của một doanh nghiệp cần so sánh các tỷ số của doanh nghiệp với các tỷ số tham chiếu. Như vậy, phương pháp so sánh luôn được sử dụng kết hợp với các phương pháp phân tích tài chính khác. Khi phân tích, nhà phân tích thường so sánh theo thời gian (so sánh kỳ này với kỳ trước) để nhận biết xu hướng thay đổi tình hình tài chính của doanh nghiệp, theo không gian (so sánh với mức trung bình ngành) để đánh giá vị thế của doanh nghiệp trong ngành.
1.2.4.3 Phương pháp loại trừ
Trong một số trường hợp, phương pháp này được sử dụng trong phân tích tài chính nhằm xác định mức độ ảnh hưởng của từng nhân tố đến chỉ tiêu tài chính khi giả định các nhân tố còn lại không thay đổi. Phương pháp phân tích này còn là công cụ hỗ trợ quá trình ra quyết định.
1.2.4.4 Phương pháp cân đối liên hệ
Các báo cáo tài chính đều có đặc trưng chung là thể hiện tính cân đối: cân đối giữa tài sản và nguồn vốn; cân đối giữa doanh thu, chi phí và kết quả; cân đối giữa dòng tiền vào và dòng tiền ra, cân đối giữa tăng và giảm...
Dựa vào những cân đối cơ bản trên, trong phân tích tài chính thường vận dụng phương pháp cân đối liên hệ để xem xét ảnh hưởng của từng nhân tố đến biến động của chỉ tiêu phân tích. Chẳng hạn, với biến động của tổng tài sản giữa hai thời điểm, phương pháp này sẽ cho thấy loại tài sản nào (hàng tồn kho, nợ phải thu, tài sản cố định...) biến động ảnh hưởng đến biến động tổng tài sản của doanh nghiệp. Như vậy, dựa vào biến động của từng bộ phận mà chỉ tiêu phân tích sẽ được đánh giá đầy đủ hơn.
1.2.4.5 Phương pháp phân tích tương quan
Giữa các số liệu tài chính trên báo cáo tài chính thường có mối tương quan với nhau. Chẳng hạn, mối tương quan giữa doanh thu (trên Báo cáo lãi lỗ) với các khoản nợ phải thu khách hàng, với hàng tồn kho (trên Bảng cân đối kế toán). Thông thường, khi doanh thu của đơn vị càng tăng thì số dư các khoản nợ phải thu cũng gia tăng, hoặc doanh thu tăng dẫn đến yêu cầu về dự trữ hàng cho kinh doanh gia tăng. Một trường hợp khác là tương quan giữa chỉ tiêu “Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản” với chỉ tiêu “Nguyên giá Tài sản cố định” ở doanh nghiệp. Cả hai số liệu này đều trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Một khi trị giá các khoản đầu tư xây dựng cơ bản gia tăng thường phản ánh doanh nghiệp có tiềm lực về cơ sở hạ tầng trong thời gian đến. Phân tích tương quan sẽ đánh giá tính hợp lý về biến động giữa các chỉ tiêu tài chính, xây dựng các tỷ số tài chính được phù hợp hơn và phục vụ công tác dự báo tài chính ở doanh nghiệp.
Trên đây là những phương pháp thường được vận dụng trong phân tích tài chính doanh nghiệp. Tuy nhiên, vận dụng phương pháp phân tích thích hợp cho nội dung và chỉ tiêu phân tích nào với các đánh giá tổng hợp được xem như là nghệ thuật của nhà phân tích tài chính. Mỗi nhà phân tích bằng kinh nghiệm nghề nghiệp với khả năng tổ chức dữ liệu, khả năng chẩn đoán và tổng hợp các vấn đề tài chính sẽ đưa ra bức tranh về tài chính doanh nghiệp. Kết quả phân tích đó là cơ sở cho các quyết định ở doanh nghiệp.