Giải pháp phát triển sản phẩm

Một phần của tài liệu Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam (Trang 81 - 86)

6. Bố cục của luận văn

4.2.2.Giải pháp phát triển sản phẩm

* Phát triển sản phẩm du lịch mới, độc đáo và khác biệt: Sự khác biệt tạo nên giá trị trong ngành du lịch. Quốc gia nào làm nên sự khác biệt, điểm đến đó sẽ thành công trên thị trường du lịch quốc tế. Khách du lịch ngày nay luôn khao khát tìm hiểu những điều mới lạ và khác biệt của điểm đến so với những thứ đã có tại quê hương họ hoặc những điểm đến họ đã trải nghiệm. Do đó, việc tạo ra sản phẩm du lịch khác biệt phải luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng yếu của ngành du lịch để khẳng định vị thế cạnh tranh trên thị trường du lịch quốc tế. Muốn vậy, phải đẩy mạnh thu hút đầu tư

phát triển sản phẩm du lịch, phát triển các điểm hấp dẫn và trải nghiệm mới cho khách du lịch. Dựa trên thế mạnh về tài nguyên du lịch, tập trung nghiên cứu, phát triển sản phẩm mới, độc đáo, chất lượng, hình thành các sản phẩm du lịch khác biệt qua đó tạo thương hiệu riêng cho điểm đến Việt Nam, khác với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Có như vậy, du lịch Việt Nam mới xây dựng được ưu thế cạnh tranh độc quyền và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường thế giới và khu vực. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch nói chung và du lịch tàu biển của Việt Nam nói riêng.

Để xây dựng sản phẩm khác biệt, độc đáo và có khả năng cạnh tranh cao, hoạt động du lịch tàu biển cần dựa trên các thế mạnh sau:

- Các di sản thiên nhiên như: Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, đảo Cát Bà, đảo Phú Quốc, vịnh Văn Phong, động Phong Nha, cao nguyên đá Đồng Văn... Tại các di sản này quy hoạch, xây dựng quần thể các khu du lịch tổng hợp cao cấp để có thể cung ứng dịch vụ đa dạng, chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu của du khách có khả năng chi tiêu cao.

- Các bãi biển dọc miền Trung như Cửa Lò, Nhật Lệ, Lăng Cô, Đà Nẵng, Cửa Đại, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né, Ninh Chữ, Long Hải, Vũng Tàu v.v... Tại các điểm du lịch này cần quy hoạch xây dựng các khu nghỉ dưỡng biển mang đậm phong cách kiến trúc phương Đông. - Các điểm du lịch có khí hậu mát mẻ: Đà Lạt, Măng Đen (Kon Tum), Bạch Mã (Thừa Thiên Huế), Bà Nà (Đà Nẵng), Sa Pa (Lào Cai), Mẫu Sơn (Lạng Sơn, Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Ba Vì (Hà Nội)... Tại các điểm du lịch này có thể xây dựng quần thể các khu du lịch nghỉ dưỡng núi và du lịch sinh thái.

- Các di sản văn hoá vật thể: Di tích Mỹ Sơn, đô thị cổ Hội An, di tích cố đô Huế, Hoàng thành Thăng Long, các đình, chùa, đền có kiến trúc độc đáo, các công trình kiến trúc, các làng cổ và nhà cổ Việt Nam như làng Đường Lâm (Sơn Tây), 7 xã vùng ven Đền Hùng, nhà cổ trong khu phố cổ Hà Nội...

- Các làng nghề sản xuất sản phẩm thủ công truyền thống và độc đáo: Làng nghề Bát Tràng, Làng Chuông làm nón, làng dệt lụa Vạn Phúc (Hà Nội), Làng đúc đá Ngũ Hành Sơn... Tập trung đầu tư khôi phục, phát triển các làng nghề thành các điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.

- Các di sản văn hoá phi vật thể như cồng chiêng Tây Nguyên, nhã nhạc cung đình Huế, rối nước Thăng Long, Ca Trù, Quan họ, đàn Bầu, múa hát dân tộc truyền thống, các lễ hội dân gian trên khắp ba miền.

- Các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể trên cần tập trung đầu tư, khôi phục, bảo tồn, nâng cấp, giới thiệu rộng rãi và đưa vào tour chào bán, thu hút khách du lịch.

- Ẩm thực Việt Nam với hàng ngàn món ăn độc đáo, nổi tiếng của các vùng, miền là một trong những yếu tố tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt, độc đáo và hấp dẫn khách đến Việt Nam. Do đó, tập trung xây dựng và thực hiện chiến dịch xúc tiến điểm đến qua ẩm thực Việt Nam với khẩu hiệu “Việt Nam - Bếp ăn của thế giới” (Vietnam - the Kitchen of the World). Xây dựng các tour hướng dẫn nghệ thuật chế biến món ăn truyền thống Việt Nam.

Để xây dựng sản phẩm độc đáo và khác biệt này đòi hỏi phải đầu tư mạnh cho marketing, nhất là chi phí quảng cáo, quan hệ giao dịch rộng rãi nhằm làm cho thị trường biết đến sản phẩm du lịch Việt Nam với chất lượng cao.

* Đa dạng hóa, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ du lịch: Ngành du lịch tàu biển cần tập trung đa dạng hoá sản phẩm theo hướng tạo ra các sản phẩm hoàn toàn mới, phù hợp với nhu cầu, thị hiếu của khách du lịch, nâng cao được uy tín của sản phẩm du lịch tàu biển Việt Nam trên thị trường thế giới. Có thể tập trung vào một số công việc chính như sau:

- Lựa chọn, khôi phục và phát triển các lễ hội dân gian truyền thống và độc đáo để thu hút khách du lịch. Ví dụ như Tết cổ truyền Việt Nam thực sự độc đáo và hấp dẫn với du khách nước ngoài. Ngày càng nhiều khách nước ngoài biết đến và mong muốn được đến Việt Nam để thưởng thức không khí

chuẩn bị và đón Tết của người dân Việt Nam. Vì vậy, cần biến Tết cổ truyền Việt Nam trở thành một sự kiện đặc biệt hấp dẫn khách du lịch. Cần nghiên cứu, tổ chức hình thức cho người nước ngoài ở tại nhà dân trong dịp Tết để tạo điều kiện cho họ khám phá truyền thống văn hóa độc đáo của Việt Nam.

- Phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển và thưởng thức các loại hình thể thao trên biển như lướt ván, đi thuyền kayak, lặn biển... đặc biệt là tại các vùng biển nổi tiếng ở miền Trung và Nam Trung bộ. Tập trung đầu tư các trung tâm du lịch nghỉ dưỡng biển lớn tại Hạ Long, Cát Bà, Đà Nẵng, Hội An, Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né, Long Hải -Vũng Tàu, Phú Quốc, Côn Đảo để có thể cạnh tranh với các khu du lịch biển nổi tiếng trong khu vực như Ba Li (Indonesia), Pattaya, Phu Ket (Thái Lan)...

- Thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE. Việt Nam đang nổi lên là điểm đến hấp dẫn của loại hình du lịch này. Do đó, cần tập trung nâng cao chất lượng dịch vụ để thu hút các hội nghị, sự kiện, hội thảo quốc tế về Việt Nam. Quy hoạch xây dựng hệ thống trung tâm hội nghị quốc tế lớn tại các vùng trọng điểm về du lịch. Các trung tâm hội nghị đã có cần nâng cấp, hiện đại hóa trang thiết bị, nâng cao trình độ và kỹ năng của đội ngũ nhân viên để đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phục vụ đối tượng khách du lịch này. Các địa điểm thích hợp cho phát triển các trung tâm hội nghị quốc tế là Hà Nội, Hạ Long, Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang, Phan Thiết - Mũi Né, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Cần Thơ, đảo Phú Quốc.

- Xây dựng và phát triển các công viên chủ đề tại các thành phố lớn và các trung tâm du lịch, đặc biệt là tại các trọng điểm du lịch biển. Đẩy mạnh phát triển các loại hình giải trí về đêm cho khách du lịch; Đẩy nhanh tốc độ quy hoạch, xây dựng hệ thống điểm dừng chân đạt chuẩn quốc tế dọc các tuyến quốc lộ và các tuyến du lịch chính để khách nghỉ ngơi dọc đường, vệ sinh và mua sắm. Thực hiện việc xếp hạng các điểm dừng chân này hàng năm để khích lệ nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch và đảm bảo vệ sinh, môi trường.

- Đẩy mạnh phát triển loại hình du lịch kết hợp mua sắm. Trong đó, Bộ Công Thương cần chủ động phối hợp với Tổng cục Du lịch và chính quyền địa phương sớm quy hoạch, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp tham gia xây dựng các trung tâm mua sắm hiện đại tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, tại các sân bay quốc tế và tại các cửa khẩu quốc tế đường bộ như Móng Cái, Lào Cai, Hữu Nghị, Lao Bảo (Quảng Trị), Mộc Bài (Tây Ninh) và tại các cảng biển lớn như Hạ Long, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh, Vũng Tàu. Tổ chức chiến dịch bán hàng giảm giá vào mùa thấp điểm, giảm tính chất mùa của du lịch.

- Nâng cao trình độ và chất lượng dịch vụ du lịch của Việt Nam. Cung cấp các dịch vụ du lịch hiện đại, kết hợp nhiều loại hình du lịch trong một sản phẩm. Có chương trình chăm sóc khách hàng nhằm thu hút khách quay trở lại và giúp tuyên truyền miệng về du lịch Việt Nam. Chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ du lịch để tăng chi tiêu của khách du lịch. Xu hướng khách đi du lịch hiện nay là thích đến nhiều điểm đến trong một chuyến đi. Vì vậy, cần phát huy vai trò hội nhập của thị trường du lịch Việt Nam, khai thác tiềm năng du lịch của khu vực, liên kết với các nước trong khu vực để hình thành các tour liên quốc gia như tour đường thuỷ dọc sông Mekong, tour di sản thế giới 3 nước Đông Dương, tour đường bộ Việt-Lào-Thái, tour xuyên ASEAN, tour “con đường tơ lụa”...;

- Ngành du lịch Việt Nam phải tìm cách chấm dứt cạnh tranh độc quyền về giá và kích thích nhu cầu về sản phẩm du lịch Việt Nam. Suy cho cùng, cạnh tranh giá sẽ có hậu quả tiêu cực lâu dài cho ngành và cho đất nước. Nhiều doanh nghiệp lữ hành và khách sạn ở Việt Nam đang cố gắng phá vỡ xu hướng này và bán sản phẩm du lịch có giá trị gia tăng cao thông qua duy trì tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ cao. Ngành du lịch Việt Nam cần thực hiện chiến lược marketing điểm đến năng động và quyết liệt hơn, phát

triển nhiều thị trường chuyên biệt và tiếp tục hoàn thiện sản phẩm du lịch để đáp ứng tốt thị trường chuyên biệt này.

Một phần của tài liệu Một số giải pháp chủ yếu nhằm phát triển du lịch tàu biển ở Việt Nam (Trang 81 - 86)