6. Bố cục của luận văn
3.4.3. Phân tích tình hình du lịch tàu biển của Việt Nam dựa trên các nguyên
nguyên lý Marketing du lịch
a. Phân đoạn thị trường và xác định thị trường mục tiêu
Khái quát sơ bộ, thị trường du lịch Việt Nam có thể có các phân đoạn như sau:
- Phân đoạn theo nguồn: Khách inbound (khách từ nước ngoài vào Việt Nam); Khách outbound (khách Việt Nam đi du lịch nước ngoài) và khách domestic (nội địa).
- Phân đoạn thị trường theo loại hình du lịch: Sẽ có các chương trình du lịch truyền thống, du lịch văn hóa, sinh thái, mạo hiểm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh. - Phân đoạn thị trường theo phương tiện đi lại: Hàng không, Tàu biển, Đường bộ.
- Phân đoạn thị trường theo quốc tịch: Khách đến từ các quốc gia, các vùng lãnh thổ….
- Phân đoạn thị trường theo mức chi tiêu của khách: Cao cấp, trung bình, rẻ tiền.
Ngoài ra, có nhiều loại hình phân đoạn thị trường khác nữa như: Theo lứa tuổi, nghề nghiệp….
Thực tế ở Việt Nam, du lịch đang phát triển một cách tự phát theo hình thức mạnh ai nấy làm mà không có chính sách cụ thể. Các doanh nghiệp lữ hành chuyên biệt cũng ít có sự nghiên cứu kỹ và phân đoạn thị trường du lịch nói chung và du lịch tàu biển nói riêng. Họ sẽ triển khai theo phương thức gặp gì làm nấy dẫn đến sự dàn trải trong kinh doanh.
Thị trường du lịch tàu biển đến Việt Nam có thể được phân đoạn như sau: Thị trường du lịch cao cấp: Các tàu biển đến từ Mỹ, Châu Âu. Chương trình ghé tại Việt Nam ngắn ngày, mỗi cảng dừng đỗ từ 4 đến 48 tiếng. Khách có mức thanh toán cao nhưng đòi hỏi chất lượng dịch vụ cực kỳ khắt khe. Công tác tổ chức phục vụ phức tạp đòi hỏi sự đầu tư lớn và đồng bộ về con người, vật chất.
Thị trường mức trung bình: Châu Á, Châu Âu. Các hãng tàu này chủ yếu như Star Cruises, Costa. Đến Việt nam với tần suất lớn, chỉ ghé 1 - 2 cảng. Lượng khách trên 1 chuyến tàu lớn, từ 1000 - 2000 khách. Thời gian tối đa ở 1 cảng là 8 tiếng. Dịch vụ yêu cầu không khắt khe và mức thanh toán cũng không cao nhưng do lượng khách đông, sức cung ứng dịch vụ còn hạn chế nên việc tổ chức cũng có nhiều khó khăn.
Thị trường mức thấp cấp: Trung Quốc. Tàu biển chỉ cung cấp dịch vụ tối thiểu đó là „„chuyên chở” và 1 phần dịch vụ bổ sung cơ bản. Có mức thanh toán thấp. Chương trình đến Việt Nam khoảng 2-3 ngày. Dễ tổ chức nên sự gia nhập ngành rất dễ dàng, cạnh tranh lại cao.
Phân đoạn thị trường tàu biển hẹp hơn rất nhiều vì chúng ta xác định được rõ thị trường nhưng cũng không xác định thị trường mục tiêu. Chính xác hơn là chúng ta không có nhiều sự lựa chọn nhưng nếu không phân tích một cách kỹ lưỡng thì sẽ dẫn đến đầu tư dàn trải, năng lực tổ chức không đáp ứng hoặc đáp ứng được nhưng không đủ bù đắp chi phí đầu tư.
b. Khác biệt hóa, định vị dịch vụ của các doanh nghiệp tàu biển
Khác biệt hóa và định vị dịch vụ của du lịch Việt Nam nói chung và du lịch tàu biển nói riêng đang là vấn đề rất cần sự quan tâm của các cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Sản phẩm du lịch Việt Nam chưa tạo ra được sự khác biệt đáng kể để chứng minh rằng Việt Nam là nơi hấp dẫn du khách đến thăm nhiều hơn các
nơi khác. Chúng ta chưa có những sản phẩm mang đậm bản sắc Việt Nam để tạo ra sự khác biệt đáng kể đối với du khách.
Về định vi dịch vụ, đó là sự tạo ra dịch vụ có lợi thế về sự khác biệt bằng các giải pháp marketing khắc họa vào hình ảnh của dịch vụ nhằm bảo đảm cho dịch vụ được thừa nhận ở mức cao hơn và khác biệt hơn so với dịch vụ cạnh tranh trong tâm trí khách hàng. Tuy nhiên với du lịch tàu biển, chúng ta chưa định vị được sản phẩm dịch vụ của mình. Du khách đến Việt Nam chẳng qua chỉ là tò mò và “tiện đường” bởi khắc họa hình ảnh Việt Nam trong con mắt du khách vẫn còn khá mờ nhạt và dễ dàng nhầm lẫn với bất cứ một quốc gia nào ở châu Á. Do vậy hiệu quả giá trị thỏa mãn sự mong đợi của du khách khó có thể được đáp ứng, bởi chính bản thân du khách không biết rõ ràng hay nóiđúng hơn là chúng ta chưa làm cho khách du lịch biết rõ ràng họ có thể mong đợi gì từ chương trình du lịch của chúng ta.
Về tạo thương hiệu (Brand), du lịch Việt Nam trong đó có du lịch tàu biển cũng có nhiều khó khăn. Các doanh nghiệp và kể cả ngành du lịch chưa xây dựng được một thương hiệu ngang tầm khu vực và trên thế giới. Malaysia có chương trình “Truly Asia” khắc họa một hình ảnh châu Á rõ nét trong lòng du khách. Thái Lan có “Amazing Thailand” mang đến cho du khách sự hấp dẫn riêng mang đậm bản sắc văn hóa người Thái. Chương trình “Việt Nam - vẻ đẹp tiềm ẩn” chưa thật sự ấn tượng, đấy là chưa kể chương trình “Việt Nam, điểm đến của thiên niên kỷ mới” không mang lại một chút hiệu quả nào.
c. Chính sách sản phầm trong du lịch tàu biển
Do đặc điểm riêng, Việt Nam không khai thác các sản phẩn du lịch tàu biển trọn gói nên có thể hiểu “sản phẩm du lịch tàu biển” là các sản phẩm cung cấp cho khách du lịch đến Việt Nam bằng tàu biển.
Cũng do đặc thù của khách du lịch tàu biển, các chương trình đến Việt Nam thường ngắn ngày, các công ty du lịch chỉ xây dựng các sản phẩm du lịch thường là 1 ngày (day trip) và city tour.
Các chương trình ở Miền Bắc sẽ là tham quan Hà Nội, Hải Phòng, thăm Vịnh Hạ Long. Miền Trung là thăm Huế, Đà Nẵng, Hội An, Nha Trang. Miền Nam là Sài Gòn, Đồng Bằng Sông Cửu Long. Có một điểm hạn chế là sản phẩn du lịch tàu biển của chúng ta hoàn toàn là các chương trình phổ biến (classic), giống hệt như các chương trình đường bộ, hàng không. Chúng ta chưa có những chương trình riêng biệt để đem lại sự khác biệt cho du khách.
Khách tàu biển chủ yếu đã có chỗ nghỉ (trên tàu) nên vấn đề khách sạn không phải là điều quan trọng cho các nhà tổ chức điều hành du lịch. Tuy nhiên, bỏ qua khách sạn, cái mà chúng ta có thể “ kiếm tiền‟ từ du khách chỉ là đi lại, tham quan, mua sắm, ăn uống.
Về đi lại, vấn đề giao thông ở Việt Nam quá phức tạp và không hấp dẫn được du khách. Một chương trình tham quan Hà Nội cho khách tàu biển từ Hạ Long chỉ có 11 tiếng trong đó có 8 tiếng di chuyển, 1 tiếng ăn uống và 2 tiếng tham quan, mua sắm. Điều này gây ra sự bất hợp lý trong một chương trình du lịch.
Hệ thống cảng biển Việt Nam dày đặc nhưng chưa có cảng chuyên dụng cho khách tàu biển với các tiện nghi đi kèm như khu vực chờ, vệ sinh, nhà hàng, phòng làm thủ tục xuất nhập cảnh, hải quan, bãi đậu xe, quầy cung cấp thông tin, điện thoại, cửa hàng miễn thuế, mua sắm…. Các cảng đón khách tàu biển đều là cảng hàng hóa nên khó có thể đáp ứng các nhu cầu tối thiểu.
Năng lực vận chuyển của các sân bay tại Việt Nam còn rất hạn chế dẫn đến Việt Nam chưa thể là điểm trung chuyển khách bởi khi 1 con tàu “đổi khách” thì cần có sự tham gia của từ vài đến vài chục chuyến bay một ngày như Hong Kong và Singapore đang làm.
Khách tàu biển thường đến với số lượng đông, ồ ạt cùng một lúc trong điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, khó có thể đáp ứng được. Việc huy động 50 xe bus loại 45 chỗ một lúc tại Sài Gòn cơ bản còn có thể thực hiện được, Hà Nội và Miền Trung gặp rất nhiều khó khăn. Tình trạng cũng tương tự với hướng dẫn viên, tàu thăm Vịnh (Hạ Long, Nha Trang) và nhiều dịch vụ khác.
Các điểm tham quan của chúng ta thường rất nhỏ, gây khó khăn cho công tác tổ chức. Nếu có 1500 khách tàu biển vào Hà Nội một lúc, nếu công tác tổ chức không tốt sẽ gây ách tắc tại tất cả các điểm tham quan "bắt buộc phải đến".
Du lịch là một ngành tổng hợp có đòi hỏi sự phối kết hợp của nhiều ngành khác. Cơ chế chính sách còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ để ngành du lịch xây dựng một sản phầm hoàn chỉnh. Theo quy định hiện nay, khách quốc tế đến Việt Nam bằng tàu biển với thời gian lưu trú dưới 5 ngày thì không cần xin visa mà sẽ được cấp “Giấy phép tham quan”. Với lệ phí 5 USD/khách. Các trường hợp lưu trú quá 5 ngày sẽ phải xin visa với lệ phí 25 USD/khách. Mốc thời gian 5 ngày trước đây được đưa ra từ một nhận định rằng tàu chỉ ghé vào các cảng lớn như Hạ Long, Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, Sài Gòn. Nếu mỗi tàu ở lại 1 cảng 1 ngày thì tổng cộng 5 ngày là đủ. Tuy nhiên thực tế có những tàu như Clipper Odyssey, Spririt of Oceanus có lộ trình dài hơn 5 ngày, ghé vào nhiều cảng khác như Cửa Việt, Chân Mây, Quy Nhơn, Port Dayot (Hòn Ông) thì 5 ngày là không đủ. Chi phí 5 hay 25 USD đối với khách tàu biển không phải là vấn đề lớn mà vấn đề nhanh gọn trong việc cấp thủ tục để lưu chân khách lâu hơn, nhiều hơn.
Những hạn chế tại các khu vực cảng chỉ cho phép du khách và thuyền viên đi lại trước 12 giờ đêm và các cơ sở dịch vụ nhà hàng, vui chơi giải trí quanh cảng phải đóng cửa làm cho sản phẩm dịch vụ gia tăng nghèo đi, gây tâm lý chán nản cho hành khách và thuyền viên.
d. Chính sách giá
Giá cả là yếu tố quyết định quan trọng tới việc cạnh tranh thu hút khách. Tuy nhiên với du lịch tàu biển, giá cả không phải là yếu tố quá quan trọng.
So với các nước trong khu vực đón khách tàu biển, giá tour của Việt Nam rẻ hơn từ 30 - 60 %. Tuy nhiên giá cả chưa phản ảnh đúng giá trị nên
đây không phải là động lực thu hút khách và không phải là thế mạnh của du lịch tàu biển Việt Nam.
e. Chính sách phân phối
Tàu biển chỉ có 2 kênh phân phối chính đó là
- Kênh phân phối trực tiếp: Các công ty du lịch Việt Nam chào bán các sản phẩm trực tiếp cho du khách. Khách đi tàu đến Việt Nam, các công ty sẽ đón khách tại Cảng như đón khách tại các sân bay đối với cầu hàng không và thực hiện tour. Kênh này không thực sự hiệu quả và chỉ chiếm 4% lượng khách đến Việt Nam bằng tàu biển trong khi đó tỷ lệ với hàng không là 92%.
Nguyên nhân của tình trạng này là khách tàu biển thường có tâm lý giao việc tổ chức tour cho bộ phận du lịch (Travel Desk) trên tàu và họ không book trực tiếp.
Hơn nữa, các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cũng chưa đẩy mạnh việc triển khai các kênh phân phối thông qua các Công ty du lịch tại nước ngoài
- Kênh phân phối gián tiếp: Đây là kênh chủ yếu giúp các doanh nghiệp Việt Nam đưa sản phẩm đến với du khách.
Nguồn thứ nhất là thông qua các Công ty du lịch nước ngoài, nguồn này không thật sự nhiều và cũng không hiệu quả. Nguyên nhân cũng từ tâm lý như trên là khách tàu biển thường có tâm lý giao việc tổ chức tour cho bộ phận du lịch (Travel Desk) trên tàu và họ không book trực tiếp với các Công ty du lịch. Một số Công ty có khách loại này như Exotisimo VietNam, Travel Indochina nhưng số lượng không nhiều.
Nguồn thứ hai là nguồn cơ bản quyết định sự thành công của các doanh nghiệp đó chính là các hãng tàu. Họ sẽ là người bán các sản phẩm cho du khách và yêu cầu các doanh nghiệp lữ hành Việt Nam thực hiện như những người điều hành (tour operator). Kênh này chiếm trên 90% lượng khách và là kệnh quan trọng nhất. Tuy nhiên chính vì họ quan trọng nên các doanh nghiệp
Việt Nam đang bị lệ thuộc vào họ, bị khống chế về chất lượng, giá cả, thủ tục thanh toán….
f. Chính sách khuếch trương
Đây là phần quan trọng trong việc phát triển du lịch tàu biển. Bản thân du lịch Việt Nam có nhiều hạn chế trong chính sách khuếch trương và du lịch tàu biển còn nhiều hạn chế tương tự. Chính phủ, các doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực trong việc giới thiệu hình ảnh Việt Nam ra thế giới nhưng chúng ta chưa khảo sát được hiệu quả của nó.
Công cụ khuếch trương đầu tiên là hội chợ du lịch. Các doanh nghiệp Việt Nam hàng năm tham gia rất nhiều hội chợ lữ hành như PATA, JATA, ITB, ITF…. Nhưng đấy chỉ là nơi gặp gỡ của các người bán (buyer) gặp người mua (seller). Chi phí đi hội chợ lại cực kỳ tốn kém nhưng hiệu quả chưa chắc đã có ngay mà phải kiên nhẫn nhiều năm với sự tổ chức chuẩn bị chu đáo kỹ lưỡng về nguồn lực. Hội chợ tàu biển thường niên tổ chức tại Miami - Florida Hoa kỳ là kênh quan trọng nhất nhưng cũng chỉ có những Công ty lớn như Saigon Tourist, Tân Hồng tham gia. Khi tàu biển vào, nó đem lại nguồn lợi xã hội to lớn cho các địa phương nơi tàu và khách du lịch đi qua nhưng các địa phương không hề và không có chính sách gì trong việc khuếch trương hình ảnh của mình đối với khách du lịch tàu biển. Đây là một điểm yếu làm hạn chế rất lớn tới việc phát triển kinh tế-xã hội và phát triển du lịch của địa phương.
Liên kết khu vực là một yếu tố rất quan trọng trong việc khuếch trương. Khi một hãng quyết định đưa tàu đến Việt Nam không phải là vì Việt Nam mà là vì Đông Nam Á, Châu Á và tàu chắc chắn sẽ đến nhiều nước khác nữa. Liên kết giữa các quốc gia, các doanh nghiệp khu vực trong việc khuếch trương hình ảnh Châu Á, hình ảnh Việt Nam như là một điểm đến hấp dẫn cho du khách chưa được coi trọng.
Việc tăng cường quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng như quảng bá du lịch Việt Nam trên CNN, giới thiệu Việt Nam trên NBC nhân dịp cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ 2008 cũng là những cơ hội quý báu để quảng bá cho du lịch Việt Nam nhưng ngành du lịch chưa làm được nhiều.
Ngành có nhiều web-site du lịch, các doanh nghiệp lữ hành đều có web-site riêng nhưng không có một doanh nghiệp nào chào bán các sản phẩm du lịch tàu biển trên internet.
g. Chính sách con người
Doanh nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ là chủ yếu. Lao động của các doanh nghiệp du lịch thiếu tính chuyên nghiệp, vừa yếu vừa thiếu cả cán bộ quản lý, cán bộ điều hành, nhân viên tư vấn và hướng dẫn viên.
Trong những năm gần đây, số lượng sinh viên đại học tốt nghiệp hàng năm ngày càng tăng. Nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực lữ hành quốc tế cũng vậy. Lực lượng lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch, bậc đại học trong các doanh nghiệp cũng đa dạng, song chiếm tỷ lệ không cao.
Khả năng đáp ứng nhân lực cho hoạt động lữ hành quốc tế cũng góp phần làm tăng hoặc giảm chất lượng làm việc của nguồn nhân lực, dẫn đến giảm sút năng lực cạnh tranh của nguồn nhân lực này. Trong những năm gần đây, một số thị trường khách inbound của Việt Nam như khách Hàn Quốc, Nhật Bản và cả khách Thái Lan có biểu hiện phát triển quá "nóng". Hậu quả là, chúng ta không chuẩn bị đủ nguồn nhân lực làm thị trường và đặc biệt là hướng dẫn viên các thứ tiếng đó.
Từ thực tế trên có thể rút ra một số đặc điểm cơ bản của nguồn nhân lực du lịch tàu biển của Việt Nam từ góc độ xem xét chất lượng nguồn nhân lực đó như sau:
- Chưa chuyên nghiệp do tỷ lệ được đào tạo có bài bản chưa cao.