Trong hoạt động của ngành tòa án, việc nghiên cứu, tổng kết, đánh giá công tác xét xử trong toàn ngành được thực hiện hàng năm và thông qua các hội nghị tổng kết này, Tòa án Nhân dân Tối cao “hướng dẫn” về đường lối giải quyết đối với các loại vụ việc về dân sự, thương mại,… có nhiều tình tiết phức tạp hoặc việc giải quyết không thống nhất làm căn cứ cho tòa án địa phương thực hiện. Các “hướng dẫn” này của Tòa án Nhân dân Tối cao được thể hiện trong các Báo cáo tổng kết ngành, các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và được các tòa án địa phương viện dẫn trong quá trình giải quyết các vụ việc. Các hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao, các phán quyết và nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao đã bắt đầu được tái công bố từ năm 2004 đang tạo thành nguồn pháp luật tương tự như án lệ, đôi khi rất quan trọng đối với pháp luật hợp đồng [35, tr. 17].
Bên cạnh đó, trong thực tiễn xét xử tranh chấp thương mại ở các cơ quan tài phán, đặc biệt là tại các cơ quan trọng tài, vai trò của các học thuyết pháp lý ngày càng trở nên quan trọng nhằm giải thích các nguyên lý của pháp
luật xác định quan hệ hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan. Ví dụ như thuyết tiếp nhận (khi nào các khiếu nại về hàng kém phẩm đã được gửi tới người bán hàng) hay các học thuyết liên quan đến việc xác lập quan hệ hợp đồng, sự vô hiệu của hợp đồng, hành vi thực tế, văn bản hợp đồng có cần đóng dấu hay chỉ cần chữ ký của các bên, thế nào là chữ ký, ai là người đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, trách nhiệm của các bên đối với các giao dịch tiền hợp đồng, chuyển giao sở hữu và rủi ro, lỗi suy đoán, đền bù thiệt hại thực tế, tình huống bất khả kháng, chiếm hữu ngay tình,… Các học thuyết này cũng cần được xem như một loại nguồn luật áp dụng đối với các quan hệ thương mại nhằm bảo vệ một cách khoa học và hợp lý nhất quyền lợi của các bên liên quan. Mặc dù vậy, cho đến nay, các tòa án Việt Nam tuy vẫn áp dụng các học thuyết pháp lý trong quá trình giải quyết các tranh chấp thương mại nhưng về nguyên tắc vẫn chưa coi đó là một nguồn luật [31, tr. 41].