ĐỐI VỚI HỢP ĐỒNG MUA BÁN HÀNG HOÁ QUỐC TẾ Ở VIỆT NAM
Xuất phát từ thực trạng và những hạn chế của việc áp dụng pháp luật đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam trong thời gian qua, chúng tôi xin mạnh dạn đưa ra một số đề xuất nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng của việc áp dụng pháp luật như sau:
Thứ nhất, hội nhập kinh quốc tế và khu vực là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Hiện nay, Việt Nam đang thực thi các cam kết trong WTO, APEC, ASEAN cũng như trong các hiệp định thương mại song phương. Do đó việc thu hẹp sự bất tương thích giữa pháp luật thương mại Việt Nam và pháp luật thương mại quốc tế trong đó có vấn đề hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là vấn đề cần được ưu tiên. Các chuẩn mực chung của thương mại quốc tế đang được Việt Nam từng bước áp dụng thông qua quá trình đàm phán, ký kết, gia nhập và thực thi các điều ước quốc tế. Vì vậy, việc xây dựng pháp luật tất yếu phải phù hợp với các nguyên tắc của WTO và các nguyên tắc, chuẩn mực
của pháp luật, tập quán thương mại quốc tế, từ đó tạo điều kiện cho Việt Nam tham gia vào các chế định chung của thế giới trong lĩnh vực thương mại.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam để phù hợp với thông lệ quốc tế và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Đây là công việc cần được tiến hành thường xuyên nhằm “thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết trong quán trình hội nhập” của Việt Nam, đồng thời nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật Việt Nam.
Thứ hai, trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, việc gia nhập Công ước Viên năm 1980 là hết sức cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với các hoạt động ngoại thương nói chung và hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng của Việt Nam. Đây là Công ước về mua bán hàng hóa quốc tế đã được nhiều quốc gia tham gia, phê chuẩn, đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các xung đột pháp luật trong thương mại quốc tế và thúc đẩy thương mại quốc tế phát triển. Việt Nam đang trên con đường hội nhập một cách chủ động, tích cực vào nền kinh tế thế giới, đẩy mạnh các quan hệ hợp tác song phương và đa phương, do đó, việc các văn bản luật quốc gia chưa phù hợp với pháp luật quốc tế sẽ gây ra nhiều khó khăn, bất lợi, làm phát sinh những xung đột pháp luật với các nước khác và khi giải quyết tranh chấp cũng rất khó khăn. Điều này đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng có các giải pháp tiến tới gia nhập Công ước Viên năm 1980 trong thời gian sớm nhất để thống nhất nguồn luật áp dụng cho mua bán hàng hóa quốc tế giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác nước ngoài. Khi đó các doanh nghiệp Việt Nam và nước ngoài sẽ cùng chung “tiếng nói”, cùng chung quan điểm và
nhờ đó, các mối quan hệ hợp tác thương mại quốc tế sẽ ngày càng gắn chặt hơn, lâu bền hơn và rộng mở hơn.
Thứ ba, các cơ quan chức năng cần tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện hệ thống pháp luật về thương mại, trong đó có vấn đề áp dụng pháp luật cho quan hệ thương mại quốc tế và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế để bảo đảm tốt nhất quyền chọn luật áp dụng cho hợp đồng của các bên chủ thể. Cụ thể, cần tập trung vào việc quy định cho phép các bên được lựa chọn điều ước quốc tế để điều chỉnh quan hệ hợp đồng của mình; các bên được sửa đổi, bổ sung hoặc thay đổi luật đã lựa chọn, cũng như quy định rõ về thời điểm chọn luật áp dụng của các bên.
Thứ tư, “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” được đề cập đến rất nhiều trong các điều khoản của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh Trọng tài Thương mại và nhiều văn bản pháp luật khác, nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản pháp lý nào ghi nhận về nguyên tắc này. Do vậy, pháp luật Việt Nam cũng cần phải có sự ghi nhận chính thức về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam” bởi cơ quan có thẩm quyền để việc thực thi các quy định pháp luật nói chung và quy định của Bộ luật Dân sự, Luật Thương mại, Pháp lệnh Trọng tài Thương mại liên quan đến chọn luật áp dụng nói riêng được khả thi và thống nhất. Bên cạnh đó, các cơ quan nhà nước cần đầu tư nghiên cứu về khả năng khai thác, sử dụng án lệ, tập quán (kể cả tập quán, thông lệ thương mại quốc tế) và quy tắc của các hiệp hội nghề nghiệp, góp phần bổ sung và hoàn thiện pháp luật, thực hiện thành công Nghị quyết số 48- NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020.
Thứ năm, hiệu quả công tác giáo dục tuyên truyền pháp luật nói chung và pháp luật về hợp đồng thương mại quốc tế nói riêng, đặc biệt là vấn đề
chọn luật áp dụng còn hạn chế. Để nâng cao chất lượng công tác này, Việt Nam cần phát triển hệ thống thông tin và phổ biến giáo dục pháp luật, xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về giáo dục pháp luật dài hạn theo chủ trương của Đảng. Đồng thời, tận dụng các nguồn lực sẵn có như các hiệp hội, tổ chức,… để tiến hành tuyên truyền, phổ biến về pháp luật thương mại, đáp ứng nhu cầu thông tin pháp lý của các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia hoạt động thương mại quốc tế.
Trong thời gian qua Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) được đánh giá khá cao trong cộng đồng doanh nghiệp vì đã có những hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp Việt Nam về những vấn đề pháp luật. Phát huy kết quả này, các cơ quan, tổ chức khác có thẩm quyền cũng cần tham gia vào quá trình hỗ trợ các doanh nghiệp. Đồng thời, bản thân các doanh nghiệp cũng nên thường xuyên bổ sung kiến thức và hiểu biết về thị trường thế giới cũng như các vấn đề pháp lý liên quan để ngày càng vững tin khi tham gia ký kết, thực hiện các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng thì các rủi ro pháp lý sẽ gia tăng và các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần phải tỉnh táo hơn trong các giao dịch thương mại quốc tế mà trước hết, không ai khác ngoài chính bản thân doanh nghiệp phải tự ý thức được rủi ro và từ đó có biện pháp phòng tránh và khắc phục hiệu quả.
Thứ sáu, cán bộ, công chức làm công tác pháp luật trong lĩnh vực thương mại giữ một vai trò quan trọng trong hoạt động áp dụng pháp luật, điều được thể hiện một cách rõ ràng nhất ở đội ngũ các thẩm phán được giao nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp thương mại. Chính vì vậy, để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật, cần thiết phải tiếp tục đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức này. Thường xuyên bồi dưỡng, cập nhật
kiến thức pháp luật nói chung và pháp luật thương mại nói riêng; nâng cao trách nhiệm của các cán bộ thực thi pháp luật trong việc xây dựng những quy chế, chế tài cụ thể.
Thứ bảy, một trong những trợ giúp đắc lực cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp chính là hoạt động của các luật sư thương mại. Chính các luật sư thương mại mới thực sự là những chuyên gia pháp luật trong kinh doanh quốc tế mà không phải là các doanh nghiệp. Do đó, cần phải tiếp tục nâng cao trình độ, năng lực cũng như sự hiểu biết về hệ thống pháp luật các nước của các luật sư thương mại Việt Nam, qua đó luật sư có thể đưa ra những tư vấn, khuyến nghị hữu ích và hiệu quả đối với khách hàng (chính là các doanh nghiệp Việt Nam tham gia xuất nhập khẩu).
Thứ tám, mặc dù hiện tại Việt Nam chưa gia nhập Công ước Viên năm 1980, nhưng các doanh nghiệp xuất nhập khẩu Việt Nam có thể lựa chọn Công ước làm nguồn luật điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của mình, nhưng cần thiết phải được thể hiện một cách cụ thể, rõ ràng trong hợp đồng (thường được ghi nhận tại “Điều khoản Luật áp dụng - Applicable Law Clause”) [17], bởi vì:
Một là, việc lựa chọn Công ước Viên năm 1980 có thể tránh được những khó khăn khi phải đàm phán lựa chọn luật quốc gia làm luật áp dụng cho hợp đồng. Nếu như các doanh nghiệp nước ngoài thường có xu hướng lựa chọn luật quốc gia của mình để điều chỉnh thì điều này lại không hoàn toàn đúng với các đối tác Việt Nam, vì họ hiểu rằng việc dẫn chiếu đến luật Việt Nam đôi khi không phải là giải pháp tối ưu. Pháp luật về hợp đồng nói chung và về hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng của Việt Nam còn hàm chứa nhiều quy định chưa phù hợp với điều kiện quốc tế, với pháp luật, tập quán thương mại quốc tế và do vậy, không thể bảo vệ một cách hiệu quả lợi ích của
các bên trong hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Hơn nữa, việc lựa chọn luật nước ngoài để áp dụng cho hợp đồng có thể đem lại những rủi ro pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam do thiếu sự hiểu biết đầy đủ về luật đó.
Hai là, Công ước Viên năm 1980 được coi là nguồn luật phổ biến nhất điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế hiện nay. Các doanh nghiệp của 66 quốc gia thành viên Công ước, trong đó có rất nhiều quốc gia là bạn hàng lớn và lâu dài của Việt Nam như Pháp, Mỹ, Italia, Liên bang Nga, Canada, Đức, Hà Lan, Úc, Trung Quốc,… đã quen với việc áp dụng Công ước để điều chỉnh hợp đồng mua bán hàng hóa ký với đối tác nước ngoài, nên nếu doanh nghiệp Việt Nam đề xuất việc áp dụng Công ước thì sẽ dễ dàng được đối tác chấp nhận.
Ba là, việc áp dụng Công ước viên năm 1980 có được sự an toàn về mặt pháp lý, bởi lẽ các quy định của Công ước được coi là rất hợp lý, phù hợp với thực tiễn thương mại quốc tế, đã thống nhất được nhiều mâu thuẫn giữa các hệ thống pháp luật khác nhau trên thế giới, tạo được sự bình đẳng giữa người bán và người mua trong quan hệ hợp đồng, giúp các bên bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình khi giao kết và thực hiện hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế. Hơn nữa, trên thực tế, các doanh nghiệp thường lựa chọn áp dụng Công ước cho hợp đồng của mình và các toà án, đặc biệt là các trọng tài quốc tế cũng thường dẫn chiếu đến Công ước khi giải quyết các tranh chấp.
Nói tóm lại, việc hoàn thiện các hạn chế, bất cập về luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam là điều không dễ dàng. Đó là một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực của các các cơ quan, tổ chức, nhà làm luật, đội ngũ luật sư thương mại và của chính các doanh nghiệp,… Thực hiện tốt những việc này chính là động lực thúc đẩy sự phát triển của hoạt động thương mại Việt Nam, hội nhập một cách sâu rộng vào thị
trường quốc tế; đồng thời bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia thương trường quốc tế.
KẾT LUẬN
Việt Nam đang trong quá trình hội nhập quốc tế, đứng trước nhiều khó khăn, thử thách của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Trong thời gian qua, hệ thống pháp luật điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế không ngừng được xây dựng và hoàn thiện nhằm đáp ứng nhu cầu đặt ra. Đáng chú ý là, việc thông qua Bộ luật Dân sự năm 2005 và Luật Thương mại năm 2005 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành đã tạo ra một khuôn khổ pháp luật mới đối với hợp đồng nói chung và hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế nói riêng .
Tuy nhiên, có thể nhận thấy hệ thống pháp luật trong lĩnh vực thương mại quốc tế của Việt Nam còn có những hạn chế, bất cập, chưa đầy đủ và chưa phù hợp với các chuẩn mực quốc tế như trong lĩnh vực pháp luật về hợp đồng. Việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh còn chậm, thiếu tính cụ thể, rõ ràng và giao cho nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành dẫn đến tình trạng tản mát, chồng chéo. Do vậy, trước yêu cầu của đời sống kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế, nhiều văn bản pháp luật của Việt Nam cần được tiếp tục rà soát, tổng kết thực tiễn áp dụng để tiến tới sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm thu hẹp sự bất tương thích giữa pháp luật thương mại Việt Nam và pháp luật thương mại quốc tế trong đó có vấn đề hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế. Đồng thời, việc rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam cần tiến hành thường xuyên nhằm nâng cao chất lượng xây dựng các văn bản pháp luật, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ giữa các văn bản pháp luật Việt Nam.
Như trình bày trên đây, việc hoàn thiện những bất cập, hạn chế trong việc áp dụng pháp luật cho hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế cần có sự tham gia tích của nhiều đối tượng bên cạnh các cơ quan, tổ chức, các nhà làm luật, áp dụng pháp luật, nhất là các đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định pháp luật (như các doanh nghiệp, luật sư thương mại), vì chính các đối tượng này mới cho thấy mức độ đi vào cuộc sống của pháp luật và pháp luật cần sửa đổi, bổ sung điều gì. Bên cạnh đó, vai trò của công tác nghiên cứu pháp luật, giảng dạy và tuyên truyền pháp luật cũng rất quan trọng để đảm bảo pháp luật phù hợp với thực tiễn quốc tế và đến được với người dân.
Việc thực hiện tốt những vấn đề nêu trên góp phần tích cực, quan trọng trong việc tạo cơ sở để phát triển các quan hệ thương mại Việt Nam, hội nhập sâu rộng vào kinh tế khu vực và quốc tế, đồng thời, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia quan hệ thương mại nói chung và quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng./.
PHỤ LỤC 1