Pháp luật quốc gia, với tư cách là một loại nguồn luật, được hiểu là toàn bộ hệ thống pháp luật mà không chỉ giới hạn bởi các văn bản riêng biệt. Nếu pháp luật Việt Nam được xác định là luật áp dụng thì không chỉ một văn bản pháp luật cụ thể (ví dụ: Bộ luật Dân sự hay Luật Thương mại) được áp dụng, mà toàn bộ các quy định pháp luật về thương mại, rộng hơn nữa là toàn bộ hệ thống pháp luật Việt Nam được áp dụng. Tương tự như vậy với trường hợp luật nước ngoài được xác định là luật áp dụng cho quan hệ thương mại. Tuy nhiên, các quy định được dẫn chiếu, được áp dụng một cách trực tiếp để điều chỉnh các quan hệ thương mại cụ thể nào đó lại được quy định trong các văn bản pháp luật cá biệt. Cụ thể, ở Việt Nam, các quan hệ thương mại có yếu tố nước ngoài, các hợp đồng mua bán quốc tế được điều chỉnh chủ yếu bởi Pháp lệnh Trọng tài Thương mại năm 2003, Bộ luật Dân sự năm 2005 (Phần thứ bảy), Bộ luật Hàng hải năm 2005, Luật Thương mại năm 2005, Luật Giao dịch điện tử năm 2005, Luật Hàng không dân dụng năm 2006, và các văn bản dưới luật quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các văn bản luật, pháp lệnh này như: Nghị định số 138/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài; Nghị định số 12/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 23/01/2006 quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại về hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế và một số văn bản thông tư hướng dẫn Nghị định 12/2006/NĐ-CP như: Thông tư số 04/2006/TT-BTM của Bộ Thương mại ngày 06/04/2006, Thông tư số 02/2006/TT-BBCVT của Bộ Bưu chính, Viễn thông ngày 24/04/2006, Thông tư số 32/2006/TT-BNN của Bộ Nông nghiệp và Phát triển
Nông thôn ngày 08/05/2006, Thông tư liên tịch số 01/2007/TTLT-BTM-BCN của Bộ Thương mại - Bộ Công nghiệp ngày 10/01/2007,…