Những hạn chế trong việc áp dụng pháp luật đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 89 - 96)

đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam

Từ những phân tích ở các Chương trên và qua khảo sát, nghiên cứu, có thể nhận thấy, việc áp dụng pháp luật đối với các quan hệ thương mại quốc tế nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng ở Việt Nam (bao gồm cả việc chọn luật áp dụng của các bên tham gia hợp đồng và của các cơ quan tài phán để giải quyết tranh chấp) còn tồn tại những hạn chế, bất cập:

Thứ nhất, mặc dù đã có nhiều thay đổi đáp ứng yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế, về cơ bản phù hợp với pháp luật quốc tế về luật áp dụng cho các quan hệ dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài, nhưng pháp luật Việt Nam vẫn còn có nhiều quy định chưa phù hợp với yêu cầu và đòi hỏi của thực tiễn thương mại quốc tế cần được xem xét, sửa đổi. Cụ thể:

Một là, pháp luật Việt Nam quy định các bên tham gia quan hệ hợp đồng có quyền chọn pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế để áp dụng, nhưng không quy định các bên có quyền chọn điều ước quốc tế để áp dụng, đặc biệt là trong lĩnh vực thương mại quốc tế. Điều này có nghĩa là, về nguyên tắc, theo pháp luật Việt Nam các bên không có quyền chọn điều ước quốc tế liên quan đến quan hệ giữa các bên để áp dụng (Ví dụ: các bên không có quyền trực tiếp chọn Công ước Viên năm 1980 để điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của mình). Tuy nhiên, thực tế pháp luật Việt Nam công nhận việc tòa án hoặc trọng tài quyết định áp dụng điều ước quốc tế để giải quyết tranh chấp hợp đồng giữa các bên khi các bên không chọn luật áp dụng (như trường hợp chọn Công ước Viên năm 1980 được đề cập ở trên). Như vậy, dù là các bên lựa chọn hay cơ quan tài phán quyết định chọn thì cuối cùng điều ước quốc tế cũng được áp dụng để điều chỉnh quan hệ mua bán hàng hóa giữa các bên. Với các quy định của pháp luật Việt Nam như trên dẫn đến thực tế là các bên chủ thể hợp đồng muốn chọn điều ước quốc tế để điều chỉnh đối với quan hệ hợp đồng của mình không có cách nào khác là phải “đi đường vòng” bằng cách chọn luật áp dụng là pháp luật của quốc gia có quy phạm xung đột dẫn chiếu đến việc áp dụng điều ước quốc tế đó (việc chọn pháp luật Singapore là luật áp dụng trong các ví dụ nêu trên là một điển hình). Điều này đã làm hạn chế quyền tự do chọn luật áp dụng của các bên.

Hai là, mặc dù pháp luật Việt Nam có ghi nhận về quyền tự do chọn luật áp dụng của các bên chủ thể hợp đồng, nhưng chưa có quy định cụ thể các bên được lựa chọn luật áp dụng đối với toàn bộ hoặc một phần hợp đồng. Ngoài ra, pháp luật Việt Nam cũng không có quy định về thời điểm chọn luật áp dụng, đặc biệt là không có quy định các bên có quyền sửa đổi hoặc thay đổi việc chọn luật áp dụng. Trong khi đó, những yếu tố này đã được ghi nhận trong điều ước quốc tế điều chỉnh về hợp đồng và pháp luật một số quốc gia. Chẳng hạn như Công ước Rome 1980 cho phép các bên có thể chọn luật áp dụng vào thời điểm giao kết hợp đồng bằng một điều khoản trong hợp đồng hoặc có thể sửa đổi điều khoản đó trong quá trình thực hiện hợp đồng hoặc có thể thay đổi việc lựa chọn luật áp dụng bằng hệ thống pháp luật khác so với sự lựa chọn ban đầu (Khoản 2 Điều 3). Đây cũng là điểm hạn chế trong pháp luật Việt Nam về quy định về luật áp dụng cho hợp đồng, gây khó khăn rất lớn đối với việc thực hiện pháp luật trong thực tiễn.

Ba là, trong hệ thống pháp luật Việt Nam hiện nay không thừa nhận “án lệ” là một nguồn luật chính thức. Thế nhưng, trên thực tế, những “án lệ” này được tồn tại dưới hình thức các “hướng dẫn” về đường lối xử lý vụ việc của Tòa án Nhân dân Tối cao được ghi trong các Báo cáo tổng kết công tác ngành tòa án. Trong thời gian gần đây, thực hiện Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, các hướng dẫn này được “cô đọng, kết tinh” trong các nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Về hình thức, những Báo cáo tổng kết, hướng dẫn của Tòa án Nhân dân Tối cao không phải là văn bản quy phạm pháp luật, mà chỉ có nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán, theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, mới là văn bản quy phạm pháp luật và do đó mới là nguồn luật áp dụng (pháp luật quốc gia). Tuy nhiên, về bản chất, cho dù được thể hiện dưới hình thức báo cáo, hướng dẫn

hay nghị quyết của Hội đồng thẩm phán thì những “hướng dẫn” này đều xuất phát từ các phán quyết cụ thể của tòa án và chúng đều có thể được coi là những “án mẫu”, mặc dù có thể được Tòa án Nhân dân Tối cao “điều chỉnh” cho phù hợp với tình hình cụ thể của đất nước, làm cơ sở cho các tòa án áp dụng giải quyết đối với những vụ việc tương tự. Hiện tượng này chính là sự mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật với việc áp dụng pháp luật, giữa lý thuyết và thực tiễn, làm ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng pháp luật trong công tác xét xử của các tòa án, đặc biệt là trong điều kiện đội ngũ thẩm phán chuyên về lĩnh vực dân sự, thương mại của Việt Nam hiện nay vừa yếu lại vừa thiếu.

Bốn là, liên quan đến nguyên tắc “bảo lưu trật tự công cộng”, pháp luật Việt Nam quy định việc chọn luật áp dụng “không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Một vấn đề nảy sinh là nội dung của các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là gì? được quy định ở đâu? Hiện nay, việc xác định chính xác các vấn đề nêu trên là không thể, vì Việt Nam chưa có văn bản nào quy định hay hệ thống về “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”, mặc dù ở từng đạo luật cụ thể có quy định các nguyên tắc riêng biệt áp dụng cho lĩnh vực mà đạo luật đó điều chỉnh (ví dụ như Chương II Phần thứ nhất Bộ luật Dân sự năm 2005, Mục 2 Chương I Luật Thương mại năm 2005). Các nhà nghiên cứu đã đưa ra các quan điểm khác nhau về vấn đề này, có quan điểm cho rằng, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thực chất chỉ bao gồm các nguyên tắc hiến định (những nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp). Quan điểm khác cho rằng, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam bao gồm các nguyên tắc ghi nhận trong Hiến pháp và trong các đạo luật cơ bản của hệ thống pháp luật Việt Nam như Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hàng hải, Bộ luật Tố tụng Dân sự,.... Có quan điểm

rộng hơn cho rằng, các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam bao gồm toàn bộ các nguyên tắc được ghi nhận trong Hiến pháp, các đạo luật do Quốc hội ban hành,… Như vậy, cho đến thời điểm này, pháp luật Việt Nam vẫn chưa có câu trả lời chính thức cho câu hỏi “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam là gì? được quy định ở đâu?”. Do đó, quy định của pháp luật liên quan đến chọn luật áp dụng trở nên hết sức chung chung, không cụ thể, rõ ràng và chính điều này phần nào dẫn đến sự hạn chế trong việc chọn luật áp dụng của các bên chủ thể hợp đồng cũng như của chính các cơ quan tòa án hoặc trọng tài do tâm lý e ngại vi phạm “các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”.

Năm là, pháp luật Việt Nam cho phép áp dụng pháp luật nước ngoài nhưng trong một số trường hợp lại phủ nhận áp dụng pháp luật nước ngoài. Cụ thể, Khoản 3 Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “Trong trường hợp Bộ luật này, các văn bản pháp luật khác của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên dẫn chiếu đến việc áp dụng pháp luật của nước ngoài thì pháp luật của nước đó được áp dụng, nếu việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ”. Như vậy, khi áp dụng pháp luật nước ngoài theo quy phạm xung đột này mà việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng đó trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam thì chúng ta không áp dụng pháp luật nước ngoài đó. Vậy khi đó thì cần áp dụng quy phạm pháp luật nào? Vấn đề này không được quy định rõ trong Bộ luật Dân sự năm 2005 và trong Nghị định 138/2006/NĐ-CP cũng không có quy định về vấn đề này. Đây là lỗ hổng pháp lý cần được sớm khắc phục [13, tr. 9]. Theo quan điểm của tác giả, trong những trường hợp như trên cần áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh,

bởi lẽ quan hệ được xác lập trong những trường hợp này là “quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài” được điều chỉnh bởi các quy định tại Phần thứ bảy của Bộ luật Dân sự năm 2005. Việc dẫn chiếu áp dụng pháp luật nước ngoài xuất phát từ quy phạm xung đột được Bộ luật quy định tại Đoạn 1 Khoản 3 Điều 759 và có thể coi là một trường hợp “quy định khác” của Bộ luật; tuy nhiên, việc dẫn chiếu đó không thỏa mãn điều kiện do Bộ luật định và sẽ không được áp dụng do “trái với nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam”. Do đó, chúng ta phải trở lại nguyên tắc chung của việc áp dụng pháp luật quy định tại Khoản 1 Điều 759 là “Các quy định của pháp luật dân dự Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài...”. Hơn nữa, trước đây, Nghị định số 60/CP ngày 06/6/1997 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 1995 (Nghị định này đã được thay thế bởi Nghị định số 138/2006/NĐ-CP của Chính phủ ngày 15/11/2006 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Bộ luật Dân sự năm 2005 về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài) cũng quy định áp dụng pháp luật Việt Nam “trong trường hợp việc áp dụng hoặc hậu quả của việc áp dụng pháp luật nước ngoài trái với các quy định ... của Bộ luật Dân sự Việt Nam và các nguyên tắc cơ bản khác của pháp luật Việt Nam” (Khoản 2 Điều 5).

Thứ hai, theo Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) thì sự hiểu biết về hệ thống pháp luật và chính sách của nước ngoài, pháp luật và thông lệ quốc tế cũng như các thoả thuận song phương giữa các quốc gia của các doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia quan hệ thương mại quốc tế còn rất hạn chế. Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) khuyến cáo, các doanh nghiệp Việt Nam đang bị “bệnh” bán thì bán cho kỳ được, mua cũng phải mua cho bằng được, nên lơ là trong việc soạn thảo hợp đồng, bỏ qua những chi tiết cụ thể, do đó khi xảy ra tranh chấp, kết quả là dù ở vị trí

nguyên đơn nhưng vẫn thua cuộc. Điều này không thể hiện là các doanh nghiệp Việt Nam đã trang bị đầy đủ kiến thức pháp luật để khởi kiện, mà trái lại thể hiện sự yếu kém đến mức bị các đối tác lợi dụng trong quan hệ thượng mại, dẫn đến thua thiệt nên đứng ra khởi kiện các đối tác trên [19].

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có sự hiểu biết đầy đủ về pháp luật Việt Nam. Thực tế không ít các doanh nghiệp Việt Nam thiếu sự quan tâm đến việc nghiên cứu và áp dụng pháp luật Việt Nam trong quan hệ giao thương của mình mà thụ động thực hiện theo những đề xuất của phía đối tác nước ngoài. Điều này được minh chứng một cách rõ ràng qua việc các doanh nghiệp Việt Nam tỏ ra “lười nhác” trong việc dự thảo hợp đồng mua bán quốc tế và dành “lợi thế” này cho phía đối tác nước ngoài soạn thảo và chọn luật áp dụng cho hợp đồng theo hướng có lợi cho mình.

Nguyên nhân của những hạn chế này có thể nói đến là do các doanh nghiệp Việt Nam chưa có thói quen tuân thủ pháp luật, coi nhẹ yếu tố pháp lý trong hoạt động kinh doanh. Mặc dù không hiểu biết về pháp luật trong nước cũng như pháp luật nước ngoài, thông lệ quốc tế, nhưng các doanh nghiệp lại không có thói quen sử dụng các dịch vụ pháp lý và tư vấn của luật sư, không có sự chuẩn bị kỹ càng và thiếu kinh nghiệm trong thương thảo, ký kết hợp đồng.

Thứ ba, bên cạnh vấn đề nhận thức của các doanh nghiệp về tầm quan trọng của luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế thì vai trò của luật sư thương mại tại Việt Nam cũng còn hạn chế. Quan điểm này cũng được Thạc sỹ Nguyễn Khánh Ngọc – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam chia sẻ. Luật sư thương mại với tư cách là những chuyên gia pháp lý được đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực thương mại, cần trở thành cánh tay đắc lực giúp các doanh nghiệp có được những thương vụ thành công

bằng kiến thức và chuyên môn luật học của mình. Đồng thời, luật sư thương mại với tư cách là những chuyên gia pháp lý trong thực tiễn áp dụng các quy định pháp luật thương mại nói chung và luật áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng sẽ đóng góp những kiến nghị, góp ý hữu ích trong quá trình xây dựng và thực thi pháp luật thương mại của Việt Nam. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, vai trò của luật sư thương mại tại Việt Nam còn rất mờ nhạt, rất ít luật sư có được sự hiểu biết sâu rộng về hệ thống pháp luật của quốc gia khác ngoài Việt Nam để có thể tư vấn một cách hiệu quả vấn đề chọn luật áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hoá quốc cho các doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 89 - 96)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)