Tập quán thương mại quốc tế là những thói quen, phong tục về thương mại được nhiều nước áp dụng một cách thường xuyên với nội dung rõ ràng để
dựa vào đó các bên xác định quyền và nghĩa vụ với nhau [35, tr. 95]. Tập quán thương mại quốc tế có thể trở thành một nguồn luật để điều chỉnh các quan hệ hợp đồng mua bán quốc tế, song đó chỉ là một nguồn luật phụ trợ áp dụng cho hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế [31, tr. 174]. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế chỉ được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
Một là, được quy định rõ ràng trong điều ước quốc tế có liên quan (Khoản 1 Điều 5 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005);
Hai là, được các bên chủ thể hợp đồng thỏa thuận cụ thể về việc áp dụng tập quán quốc tế, nếu tập quán đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (Khoản 2 Điều 5 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005);
Ba là, khi điều ước quốc tế liên quan và pháp luật Việt Nam không có quy định, các bên không có thỏa thuận và không có thói quen đã được thiết lập giữa các bên (với điều kiện tập quán đó không trái với những nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam) (Khoản 4 Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005, Điều 13 Luật Thương mại Việt Nam năm 2005).
Như vậy, ở Việt Nam, tập quán thương mại quốc tế cũng chỉ được xác định là một loại nguồn có giá trị bổ sung điều chỉnh các vấn đề về hợp đồng thương mại quốc tế. Những vấn đề liên quan đến hợp đồng được quy định trong điều ước quốc tế, pháp luật quốc gia hoặc được các bên thỏa thuận trong hợp đồng hoặc được hình thành do thói quen trong hoạt động thương mại giữa các bên sẽ được ưu tiên áp dụng và các tập quán thương mại quốc tế khi đó mặc dù tồn tại nhưng sẽ không có giá trị áp dụng. Chỉ khi không có các nguồn
luật nêu trên thì tập quán thương mại quốc tế mới được chọn để áp dụng điều chỉnh hợp đồng.