Thực trạng áp dụng pháp luật đối với hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ở Việt Nam

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 83 - 89)

hàng hóa quốc tế ở Việt Nam

Trong điều kiện Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới, số lượng các hợp đồng mua bán hàng hóa được ký kết giữa thương nhân Việt Nam và thương nhân nước ngoài, giữa các thương nhân Việt Nam ở nước ngoài hoặc giữa các thương nhân nước ngoài ở Việt Nam đang ngày càng gia tăng về số lượng và giá trị. Như đã đề cập ở trên, những quan hệ hợp đồng mua bán hàng hóa có yếu tố nước ngoài này là quan hệ tư pháp quốc tế có thể được điều chỉnh bởi nhiều hệ thống pháp luật khác nhau, do đó thường xảy ra tình trạng có nhiều hệ thống pháp luật cùng có thể được viện dẫn trong quá trình ký kết, thực hiện hoặc giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng. Điều này dẫn đến hệ quả làm phát sinh nhiều khả năng pháp lý với các quyền và nghĩa vụ khác nhau của các bên chủ thể tham gia hợp đồng mà hợp đồng không có khả năng dự đoán trước hoặc nếu có thì tính minh bạch trong các điều khoản của hợp đồng không cao. Để bảo vệ quyền lợi của mình một cách tốt nhất, theo nguyên tắc tự do hợp đồng, tự do thỏa thuận, các bên trong hợp đồng hoàn toàn có quyền thỏa thuận luật áp dụng là pháp luật

Việt Nam, pháp luật nước ngoài hoặc tập quán quốc tế mà họ cho là phù hợp nhất đối với giao dịch của mình. Tuy nhiên, trong trường hợp “thiếu vắng” sự lựa chọn luật áp dụng của các bên thì cơ quan tài phán sẽ có quyền quyết định chọn luật để áp dụng giải quyết tranh chấp do mình thụ lý giải quyết.

Thực tiễn ký kết, thực hiện và giải quyết tranh chấp hợp đồng của các doanh nghiệp ở Việt Nam khi tham gia quan hệ thương mại quốc tế cho thấy, dường như phía Việt Nam chưa quan tâm hoặc quan tâm chưa đúng mức tới các vấn đề pháp lý trong giao dịch hợp đồng dẫn đến những thua thiệt không đáng có. Thống kê của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho thấy số lượng vụ việc tranh chấp thương mại được đưa đến VIAC giải quyết là không nhiều (Xem Phụ lục 2). Tính riêng năm 2006 và 6 tháng đầu năm 2007, trong số các vụ tranh chấp thương mại giải quyết qua trọng tài thương mại, có 40% là các vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp trong nước với nhau, 60% còn lại là các vụ tranh chấp giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Theo ông Nguyễn Minh Chí, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), trong các vụ tranh chấp thương mại với các đối tác nước ngoài, các doanh nghiệp Việt Nam phần nhiều là nguyên đơn, nhưng do các doanh nghiệp Việt Nam chủ quan và thiếu kinh nghiệm khi giao kết các hợp đồng mua bán hàng hoá trong đó có vấn đề am hiểu luật nước ngoài và lựa chọn luật áp dụng để giải quyết tranh chấp phát sinh trong quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của mình mà hậu quả là phía Việt Nam thường là bên thua kiện và chịu thiệt hại với những tranh chấp phát sinh này [44].

Đối với các doanh nghiệp kinh doanh quốc tế có nhiều kinh nghiệm thì họ bao giờ cũng nhìn thấy sự cần thiết phải xác định luật áp dụng cho các hợp đồng của mình ngay từ khi thương thảo, ký kết hợp đồng. Tuy nhiên, cũng có không ít các doanh nghiệp không để ý tới vấn đề luật áp dụng cho hợp đồng

hoặc nếu có thì chỉ quan tâm ở mức độ hạn chế, thậm chí có những trường hợp còn thỏa thuận áp dụng luật của quốc gia mà các doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không am hiểu rõ ràng. Điều này phần nào được minh chứng qua thực tế hoạt động ký kết hợp đồng tại một số doanh nghiệp ở Việt Nam như Công ty Cổ phần Chuyển mạch Tài chính Quốc gia Việt Nam (Banknetvn) hoạt động trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại Hà Nội và Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Nam Long chuyên hoạt động xuất nhập khẩu tại Hải Phòng: tất cả các hợp đồng mua bán quốc tế của 2 công ty này (5 hợp đồng của Banknetvn và 77 hợp đồng của Nam Long với nhiều đối tác nước ngoài khác nhau) đều thỏa thuận chọn luật nước ngoài để điều chỉnh các quyền và nghĩa vụ của các bên.

Qua khảo sát tại Công ty TNHH Nam Long cho thấy: Số lượng hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế ký trong năm 2005 là 14 hợp đồng, năm 2006 là 25 hợp đồng và 9 tháng đầu năm 2007 là 38 hợp đồng; Các đối tác ký kết hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế chủ yếu là Mỹ, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan, Đài Loan, Đức, Nam Phi, Nga, Indonesia, Tây Ban Nha; Luật áp dụng đối với hầu hết các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế là luật của nước thứ ba. Ví dụ: trong hợp đồng giữa đối tác của Trung Quốc với ký với Banknetvn, tại Điểm 13.1 quy định về luật áp dụng tạm dịch như sau: “Nội dung của Hợp đồng sẽ được điều chỉnh và diễn giải theo luật của Singapore”; hay trong hợp đồng phân phối sản phẩm thép giữa Công ty TNHH Nam Long và một Công ty của Cyprus (Điều 23) cũng quy định: “Hợp đồng này sẽ được điều chỉnh và diễn giải theo luật của Cyprus”,… Mặc dù có sự thỏa thuận về luật áp dụng như vậy, nhưng các doanh nghiệp này (ngay cả những người làm công tác pháp chế và những người trực tiếp đàm phán, ký kết hợp đồng của các doanh nghiệp này) khi được hỏi đều có sự nhận thức và

hiểu biết hết sức mơ hồ và không rõ ràng về các quy định của hệ thống pháp luật mà họ quyết định lựa chọn để áp dụng cho hợp đồng. Việc thỏa thuận chọn luật áp dụng thuần túy dựa vào thói quen đàm phán, ký kết và vì hợp đồng trước cũng ghi như vậy. Ngoài ra, ở chính các doanh nghiệp này cũng có một số ít hợp đồng hoàn toàn không đề cập đến việc chọn luật áp dụng. Điều này được giải thích là “không cần thiết” do xuất phát từ quan hệ bạn hàng lâu năm, thân thiết nên càng giảm thiểu các điều khoản không điều chỉnh trực tiếp hợp đồng càng tốt để tạo thuận lợi và thời gian cho việc thực hiện giao dịch.

Bên cạnh đó, trên thực tế, có cả những trường hợp mặc dù doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài trong quá trình ký kết hợp đồng không có thỏa thuận về luật áp dụng, nhưng khi phát sinh tranh chấp, đối tác nước ngoài mong muốn áp dụng pháp luật Việt Nam để điều chỉnh thì phía Việt Nam lại không có “phản ứng” gì do không hiểu biết ngay cả các quy định của pháp luật Việt Nam - pháp luật của đất nước mình. Một ví dụ điển hình cho trường hợp này là tranh chấp trong hợp đồng mua bán ngũ cốc giữa Nguyên đơn là người bán Singapore và Bị đơn là người mua Việt Nam [45, tr. 108-112]. Nội dung cụ thể như sau:

Công ty X (được Nguyên đơn ủy quyền làm đại diện tại Việt Nam) ký với Bị đơn hai hợp đồng mua bán, theo đó Nguyên đơn bán cho Bị đơn: bột ngũ cốc dinh dưỡng và cà phê Coffeemix trị giá 30.925,47 USD (Hợp đồng thứ nhất) và bột ngũ cốc dinh dưỡng, chè xanh cao cấp trị giá 8.917,45 USD (Hợp đồng thứ hai). Thực hiện hợp đồng, Nguyên đơn đã chuyển số hàng thuộc hai hợp đồng cho Bị đơn theo đúng thời hạn thỏa thuận. Các hóa đơn vận tải gốc của hai hợp đồng này cũng đã được Nguyên đơn gửi cho Bị đơn, nhưng Bị đơn không thanh toán tiền hàng cho Nguyên đơn. Sau nhiều lần gửi

văn bản nhắc nhở nhưng Bị đơn vẫn không thanh toán số tiền hàng, Nguyên đơn đã chính thức phát kiện Bị đơn ra Trung tâm Trọng tài Quốc tế.

Trong cả hai hợp đồng, các bên đều không quy định luật điều chỉnh hợp đồng. Trong một văn thư gửi Ủy ban trọng tài, Nguyên đơn đã dẫn chiếu đến Điều 233 Luật Thương mại Việt Nam năm 1997 và Quyết định số 39/1998/QĐ-NHNN ngày 17/01/1998 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Điều đó thể hiện ý muốn của Nguyên đơn áp dụng pháp luật Việt Nam. Tuy nhiên, tại phiên họp xét xử của Ủy ban trọng tài, trong khi Nguyên đơn vẫn giữ quan điểm chọn pháp luật Việt Nam để áp dụng cho việc xét xử thì Bị đơn lại không có ý kiến cụ thể gì về việc này.

Trong trường hợp này, các bên coi như không thống nhất được với nhau về luật áp dụng, nên Ủy ban trọng tài căn cứ vào Quy tắc tư pháp quốc tế về chọn luật áp dụng: nguyên tắc chọn luật thực chất - luật nơi ký kết và thực hiện hợp đồng để quyết định pháp luật Việt Nam là luật áp dụng để giải quyết tranh chấp liên quan đến hai hợp đồng này.

Trong thực tiễn hoạt động xét xử của Tòa án, theo Tiến sỹ Đỗ Văn Đại (Trường Đại học Paris 13 - Cộng hòa Pháp), không hiếm trường hợp Tòa án Việt Nam có áp dụng tập quán, thông lệ quốc tế thực chất khi giải quyết vụ việc có yếu tố nước ngoài. Một trong những ví dụ điển hình được Tiến sỹ Đỗ Văn Đại đưa ra minh chứng cho nhận định của mình là vụ việc liên quan đến việc Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa áp dụng Bản Quy tắc và Thực hành Thống nhất về Tín dụng Chứng từ số 500 (UCP 500) - tập quán, thông lệ quốc tế được Phòng Thương mại Quốc tế (ICC Paris) pháp điển hóa - để giải quyết tranh chấp về thư tín dụng có yếu tố nước ngoài [13, tr. 7].

Cụ thể, theo Bản án số 02/2005/KT-ST ngày 22/8/2005 của Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, vụ án tranh chấp liên quan đến L/C được phát hành để thực hiện hợp đồng nhập dây chuyền và công nghệ sản xuất sứ vệ sinh cao cấp giữa Công ty Nha Trang và Công ty Sei Young trị giá 1.250.000 USD. Trong quá trình giải quyết tranh chấp, Tòa án nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhận định: “thư tín dụng (L/C) số C075 được mở là L/C không hủy ngang. Theo quy định quốc tế về thực hiện thư tín dụng tại điểm d Điều 9 UCP 500 thì L/C không hủy ngang chỉ được sửa đổi hoặc hủy bỏ khi có sự đồng ý của cả 4 bên: Ngân hàng phát hành hối phiếu, Ngân hành bảo lãnh, Người trả tiền và Người hưởng tiền. Ngày 3/8/1995, Ngân hàng KEB (Korea Exchange Bank) tại Malila đã phát hành hối phiếu trị giá 1.250.000 USD gửi cho VCB Nha Trang kèm theo bộ chứng từ theo quy định. VCB Nha Trang đã chuyển hối phiếu và toàn bộ chứng từ cho bên mua hàng là Công ty Nha Trang xem xét, đối chiếu. Ngày 14/8/1995, Giám đốc Công ty Nha Trang đã ký xác nhận vào hối phiếu. Việc xác nhận và hối phiếu trên có nghĩa là Công ty Nha Trang chấp nhận thanh toán số tiền 1.250.000 USD cho KEB. Sau khi Giám đốc Công ty Nha Trang ký nhận hối phiếu, VCB Nha Trang đã nhận nợ. Nhưng ngày 16/4/1996, Công ty Nha Trang lại tự ý trả lại hàng cho Sei Young và ngày 17/4/1996 Công ty Nha Trang lại tự ý thỏa thuận với hủy L/C với Công ty Sei Young mà không hề xin ý kiến hoặc báo cho VCB Nha Trang biết. Như vậy, việc trả lại hàng cho bên bán, hủy L/C là do Công ty Nha Trang tự thực hiện nên Công ty Nha Trang phải gánh chịu trách nhiệm về khoản tiền mà đối tác nước ngoài đã chiếm dụng”.

Một thực tế nữa trong việc chọn luật áp dụng ở Việt Nam là Công ước Viên năm 1980 có thể được chọn áp dụng để giải quyết các tranh chấp thương mại liên quan đến mua bán hàng hóa quốc tế, mặc dù Việt Nam chưa phê chuẩn tham gia Công ước này. Minh chứng rõ nhất cho vấn đề này là việc

Tòa Phúc thẩm - Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đã quyết định áp dụng Công ước Viên năm 1980 để xét xử vụ việc tranh chấp giữa Công ty Thương mại Tây Ninh - Tanico (Việt Nam) và Doanh nghiệp Ng. Nam Bee (Singapore) vào năm 1996. Khi xét xử vụ việc này, Toà án đã tham chiếu Điều 29, Điều 53 và Điều 64 của Công ước Viên năm 1980 [17]. Lý giải cho vấn đề này, theo Thạc sỹ Nguyễn Minh Hằng (Trường Đại học Ngoại Thương), tại Điểm b Khoản 1 Điều 1 của Công ước Viên năm 1980 quy định Công ước được áp dụng cho các hợp đồng mua bán hàng hóa giữa các bên có trụ sở thương mại tại các quốc gia khác nhau mà khi theo quy tắc tư pháp quốc tế thì luật áp dụng là luật của một quốc gia thành viên của Công ước. Đối với trường hợp nêu trên, do hai bên không có lựa chọn luật áp dụng, nên khi tranh chấp xảy ra, toà án phải dựa vào các quy phạm xung đột trong tư pháp quốc tế để xác định luật áp dụng cho hợp đồng. Vì quy phạm xung đột của Việt Nam dẫn chiếu đến luật của nước người bán - tức là luật Singapore, do đó, luật áp dụng cho hợp đồng là luật Singapore. Nhưng vì Singapore là một quốc gia thành viên của Công ước Viên năm 1980 (Singapore gia nhập Công ước Viên ngày 16/02/1995 và có hiệu lực từ ngày 1/3/1996), nên đối với các tranh chấp từ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế, tòa án sẽ không áp dụng luật của Singapore mà áp dụng Công ước Viên năm 1980 để giải quyết.

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 83 - 89)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)