Như đã đề cập ở Chương 1, điều ước quốc tế về thương mại là nguồn luật đầu tiên áp dụng cho hoạt động thương mại quốc tế, trong đó có hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ bản chất của điều ước quốc tế là sự thỏa thuận quốc tế giữa các quốc gia là chủ thể của luật quốc tế với mục đích giải quyết xung đột pháp luật giữa các quốc gia nên phạm vi điều chỉnh về không gian của các điều ước quốc tế bị giới hạn ở các quốc gia thành viên. Điều này có nghĩa, các chủ thể hợp đồng (các tổ chức, cá nhân) mặc dù có quyền lựa chọn luật áp dụng, nhưng họ lại không có quyền lựa chọn điều ước quốc tế để điều chỉnh trực tiếp đối với hợp đồng của mình
(Ví dụ: các bên không có có quyền trực tiếp lựa chọn Công ước La-hay năm 1955 hoặc Công ước Viên năm 1980 để điều chỉnh quan hệ hợp đồng mua bán hàng hoá quốc tế của mình). Các quy định của điều ước quốc tế chỉ được áp dụng khi được pháp luật các quốc gia thành viên dẫn chiếu tới. Chính vì vậy, để bảo đảm các quy định của điều ước quốc tế phát huy hiệu quả một cách tối đa và có thể đến được với các chủ thể hợp đồng (là đối tượng mà các điều ước quốc tế về hợp đồng hướng tới), một số điều ước quốc tế quy định nghĩa vụ của các quốc gia thành viên phải “chuyển hóa” các quy định của điều ước vào pháp luật quốc gia (Điều 7 Công ước La-hay năm 1955). Việc “chuyển hóa” các quy định của điều ước quốc tế thành pháp luật quốc gia ở các nước trên thế giới được thực hiện rất khác nhau, nhưng nhìn chung có hai cách như sau:
Cách thứ nhất, coi điều ước quốc tế là một bộ phận cấu thành của pháp luật quốc gia (ví dụ: Nga, Mỹ, Singapore,...). Ở các nước này, bằng một quy định chuyển đổi trong pháp luật quốc gia, các quy định của điều ước quốc tế được áp dụng trực tiếp để điều chỉnh các quan hệ giữa các tổ chức, cá nhân.
Cách thứ hai, nội luật hóa các quy định của điều ước quốc tế thành pháp luật quốc gia. Theo cách này, các quốc gia thành viên thông qua hoạt động lập pháp ghi nhận các nội dung của điều ước quốc tế thành các quy định cụ thể trong các văn bản pháp luật quốc gia. Các quốc gia thực hiện theo cách này gồm có Nhật Bản, Trung Quốc,…
Ở Việt Nam, việc “chuyển hóa” các quy định của điều ước quốc tế được thực hiện kết hợp theo cả hai cách trên. Một mặt, Nhà nước Việt Nam bằng hoạt động lập pháp, lập quy cố gắng quy định một cách đầy đủ, chi tiết nhất trong các văn bản pháp luật của mình các vấn đề cần điều chỉnh phù hợp với các điều ước quốc tế (song phương và đa phương) mà Việt Nam là thành
viên. Mặt khác, trong các văn bản pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận một nguyên tắc “trong trường hợp điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó” (Khoản 2 Điều 759 Bộ luật Dân sự năm 2005, Khoản 1 Điều 5 Luật Thương mại năm 2005) để dẫn chiếu áp dụng các quy định của điều ước quốc tế ở Việt Nam. Quy định này bảo đảm Việt Nam triệt để tôn trọng và thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế mà mình đã tham gia.
Mặc dù Việt Nam chưa tham gia vào Công ước La-hay năm 1955, Công ước Viên năm 1980, nhưng Việt Nam hiện là thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), ASEAN, APEC và nhiều diễn đàn quốc tế khác, nên việc bảo đảm thực hiện các cam kết trong khuôn khổ WTO như Hiệp định về Thuế quan và Thương mại (GATT), Hiệp định chung về Thương mại và Dịch vụ (GATS) cũng như các các cam kết quốc tế khác luôn được đưa lên hàng đầu và trở thành một trong những chính sách đối ngoại cơ bản của Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đã ký kết hiệp định thương mại song phương với một số nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Cộng đồng Châu Âu (EC),… Tính đến tháng 10/2007, Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại song phương với 51 nước trên thế giới (Xem Phụ lục 1).
Tất cả những điều ước, cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia đã và đang trở thành một nguồn luật quan trọng điều chỉnh các quan hệ thương mại quốc tế mà trong đó các cá nhân, tổ chức Việt Nam là một bên đối tác.