Luật áp dụng cho năng lực chủ thể tham gia hợp đồng

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 48 - 54)

Chủ thể tham gia hợp đồng là một trong những yếu tố quan trọng, cần thiết để cấu thành quan hệ hợp đồng. Xét trên thực tế, bất kỳ cá nhân, tổ chức nào cũng có thể thực hiện giao dịch, xác lập các quan hệ hợp đồng mua bán với các cá nhân, tổ chức khác mà có thể không quan tâm đến phía đối tác của

nhiên, điều đó sẽ tiềm ẩn những rủi ro phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng và nếu như không được pháp luật công nhận và bảo vệ thì các bên có thể phải chịu những bất lợi không đáng có về mình (ví dụ: hợp đồng vô hiệu do chủ thể không có năng lực pháp luật). Do vậy, để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên, về mặt pháp lý, khi ký kết hợp đồng, các chủ thể tham gia hợp đồng phải đáp ứng các điều kiện nhất định mà căn cứ vào đó pháp luật xác định hợp đồng đó do các chủ thể có đủ năng lực giao kết với nhau. Các điều kiện này là tiêu chí để xác định cá nhân, tổ chức có được pháp luật cho phép thực hiện giao kết hợp đồng hay không? Nếu được pháp luật cho phép thực hiện thì họ có khả năng thực hiện hợp đồng đó không? Nói một cách khác, đó chính là các điều kiện về năng lực chủ thể tham gia hợp đồng (là năng lực pháp luật và năng lực hành vi của chủ thể tham gia hợp đồng là cá nhân; năng lực pháp luật của chủ thể tham gia hợp đồng là tổ chức).

Về vấn đề này, các điều ước quốc tế về thương mại quốc tế khẳng định rõ “không điều chỉnh đối với những vấn đề liên quan đến địa vị pháp lý hoặc năng lực chủ thể của các bên” (Khoản 1 Điều 5 Công ước La-hay năm 1955, Điểm a Khoản 2 Điều 1 Công ước Rome năm 1980). Điều đó có thể được hiểu là các điều ước quốc tế dành việc quy định các vấn đề liên quan đến chủ thể cho pháp luật quốc gia.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, năng lực pháp luật của chủ thể tham gia hợp đồng chính là năng lực pháp luật dân sự của chủ thể - là khả năng của cá nhân, pháp nhân có các quyền và nghĩa vụ dân sự do pháp luật quy định (Khoản 1 Điều 14, Khoản 1 Điều 86 Bộ luật Dân sự năm 2005). Năng lực pháp luật dân sự của cá nhân có từ khi người đó sinh ra và chấm dứt khi người đó chết đi; mọi cá nhân đều có năng lực pháp luật dân sự như nhau (Khoản 2 và Khoản 3 Điều 14). Năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân

phát sinh từ thời điểm pháp nhân được thành lập và chấm dứt từ thời điểm chấm dứt pháp nhân (Khoản 2 Điều 86). Ngoài ra, đối với cá nhân, để trở thành chủ thể của quan hệ dân sự đòi hỏi người đó phải có năng lực hành vi dân sự (là khả năng của cá nhân bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự - Điều 17). Điều này có nghĩa, cá nhân đó không phải là người mất năng lực hành vi dân sự (là người do bị bệnh tâm thâm hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình - Điều 22) hoặc người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự (là người nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác dẫn đến phá tán tài sản của gia đình - Điều 23). Bên cạnh đó, để trở thành chủ thể trong quan hệ hợp đồng thương mại thì cá nhân phải là người thành niên (người từ đủ 18 tuổi trở lên).

Pháp luật dân sự các nước cũng có quy định tương tự về năng lực pháp luật của chủ thể tham gia hợp đồng. Ví dụ: Bộ luật Dân sự Nhật Bản [52] quy định: cá nhân có quyền dân sự từ khi sinh ra (Điều 3); pháp nhân có quyền và thực hiện nghĩa vụ phù hợp với mục đích hoạt động theo quy định của pháp luật (Điều 43). Bộ luật Dân sự Pháp quy định: mọi người Pháp đều được hưởng các quyền dân sự (Điều 8), mọi người đều có quyền giao kết hợp đồng nếu không bị pháp luật coi là vô năng (Điều 1123); người chưa thành niên (người dưới 18 tuổi), người chưa tự lập, người thành niên được bảo hộ theo quy định của Bộ luật Dân sự bị coi là không có năng lực giao kết hợp đồng (Điều 1124).

Trong quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài nói chung và quan hệ mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng, vấn đề chọn luật áp dụng để xác định năng lực chủ thể tham gia hợp đồng được pháp luật các nước quy định trong các quy phạm xung đột cụ thể. Theo đó, về nguyên tắc, năng lực chủ thể được xác định theo pháp luật nước mà cá nhân, pháp nhân có quốc tịch. Việc xác định

năng lực chủ thể theo nguyên tắc này xuất phát từ yếu tố quốc tịch thể hiện mối quan hệ pháp lý qua lại giữa nhà nước và cá nhân, pháp nhân; đồng thời quốc gia trên cơ sở chủ quyền của mình có quyền chi phối đối với các cá nhân, pháp nhân của mình bằng việc thông qua quy định pháp luật xác định năng lực pháp lý của các cá nhân, pháp nhân đó. Đây có thể được coi là nguyên tắc cơ bản, quan trọng nhất trong việc giải quyết xung đột pháp luật về vấn đề năng lực chủ thể trong quan hệ tư pháp quốc tế. Nguyên tắc này được pháp luật Việt Nam và pháp luật các nước quy định cụ thể trong các đạo luật của quốc gia. Theo Bộ luật Dân sự năm 2005 của Việt Nam, năng lực pháp luật dân sự và năng lực hành vi dân sự của cá nhân là người nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước người đó có quốc tịch (là công dân) (Khoản 1 Điều 761 và Khoản 1 Điều 762); năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài được xác định theo pháp luật của nước nơi pháp nhân được thành lập (Khoản 1 Điều 765).

Ở Nhật Bản, Luật về các Quy tắc chung của việc Áp dụng luật trong Tư pháp Quốc tế [60] quy định: năng lực pháp luật của cá nhân do pháp luật của nước người đó có quốc tịch điều chỉnh (Khoản 1 Điều 4). Theo pháp luật Liên bang Nga, năng lực pháp luật dân sự của thể nhân sẽ do pháp luật của nước người đó là công dân điều chỉnh; năng lực pháp luật của pháp nhân sẽ do pháp luật của nước nơi pháp nhân đó được thành lập điều chỉnh (Khoản 1 Điều 1195, Điều 1196 và Điều 1202 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga).

Trường hợp một cá nhân đồng thời là công dân của hai hay nhiều nước, hay nói cách khác là người đó có hai hay nhiều quốc tịch cùng một lúc thì việc xác định luật áp dụng để xác định năng lực chủ thể theo nguyên tắc “quốc tịch” sẽ phải căn cứ vào “quốc tịch hữu hiệu” của chủ thể, tức là quốc tịch có giá trị nhất tại thời điểm giao kết hợp đồng. Cụ thể, Khoản 2 Điều 760

Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định: “pháp luật áp dụng đối với người nước ngoài có hai hay nhiều quốc tịch nước ngoài là pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và cư trú vào thời điểm phát sinh quan hệ dân sự; nếu người đó không cư trú tại một trong các nước mà người đó có quốc tịch thì áp dụng pháp luật của nước mà người đó có quốc tịch và có quan hệ gắn bó nhất về quyền và nghĩa vụ công dân”. Pháp luật tư pháp quốc tế của một số nước như Liên bang Nga, Nhật Bản cũng có quy định tương tự về vấn đề này, cụ thể: “trường hợp một người có nhiều quốc tịch nước ngoài thì luật điều chỉnh là luật của nước nơi người đó cư trú” (Khoản 4 Điều 1195 Bộ luật Dân sự Liên bang Nga); hay “khi một người có hai hay nhiều quốc tịch thì luật điều chỉnh đối với người đó là luật của nước nơi người đó cư trú trong thời gian mang quốc tịch. Trường hợp không có nước như vậy thì luật điều chỉnh sẽ là luật của nước nơi người đó có mối quan hệ gắn bó nhất” (Khoản 1 Điều 38 Luật về các Quy tắc chung của việc Áp dụng luật trong Tư pháp Quốc tế).

Bên cạnh nguyên tắc “quốc tịch” như được đề cập ở trên, năng lực chủ thể tham gia hợp đồng còn có thể được xác định theo pháp luật của nước nơi chủ thể cư trú hoặc nơi ký kết, thực hiện hợp đồng. Nguyên tắc này xuất phát từ chủ quyền theo lãnh thổ của quốc gia, trong phạm vi lãnh thổ một quốc gia có pháp luật của quốc gia đó điều chỉnh. Ở Việt Nam, nguyên tắc này được quy định tại Khoản 2 Điều 761, Khoản 2 Điều 762, Khoản 2 Điều 765 Bộ luật Dân sự năm 2005 và được cụ thể hóa tại các Điều 6, 7 và 10 Nghị định 138/2006/NĐ-CP. Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân là người nước ngoài cư trú tại Việt Nam được xác định theo quy định từ Điều 14 đến Điều 16 Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005 - pháp luật nơi cư trú. Năng lực hành vi dân sự của người nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam được xác định theo quy định từ Điều 17 đến Điều 23 Bộ luật Dân

sự Việt Nam - pháp luật nơi ký kết, thực hiện hợp đồng; năng lực pháp luật dân sự của pháp nhân nước ngoài xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự tại Việt Nam được xác định theo Điều 86 Bộ luật Dân sự Việt Nam - pháp luật nơi ký kết, thực hiện hợp đồng. Cách quy định này của Bộ luật Dân sự năm 2005 phù hợp với cách quy định trong pháp luật tư pháp quốc tế các nước. dụ: theo Bộ luật Dân sự Liên bang Nga, người nước ngoài và người không quốc tịch ở Liên bang Nga có năng lực pháp luật dân sự như công dân Nga (Điều 1196). Theo pháp luật Nhật Bản, năng lực pháp luật của cá nhân thực hiện hành vi pháp lý được xác định theo pháp luật nơi hành vi được thực hiện (Khoản 2 Điều 4 Luật về các Quy tắc chung của việc Áp dụng luật trong Tư pháp Quốc tế),…

Tóm lại, chủ thể hợp đồng là một yếu tố quan trọng cấu thành hợp đồng, do đó, việc xác định pháp luật điều chỉnh đối với năng lực chủ thể tham gia hợp đồng là một trong những nội dung quan trọng không thể thiếu trong việc xác định tính pháp lý của các hợp đồng thương mại có yếu tố nước ngoài nói chung và hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế nói riêng. Việc xác định luật áp dụng cho năng lực chủ thể về cơ bản được dựa theo yếu tố “quốc tịch” của chủ thể (là nước mà cá nhân là công dân hoặc pháp nhân được thành lập), nhưng bên cạnh đó cũng có thể dựa vào yếu tố nơi cư trú hoặc nơi ký kết, thực hiện hợp đồng. Các yếu tố này được quy định cụ thể trong các quy định của pháp luật quốc gia đối với từng trường hợp cụ thể nhằm bảo đảm chủ quyền quốc gia đối với các công dân, pháp nhân của mình cũng như hiệu lực của pháp luật trên lãnh thổ quốc gia. Do vậy, việc chọn luật áp dụng để xác định năng lực chủ thể, theo pháp luật các nước, chỉ đặt ra đối với những cơ quan tài phán khi giải quyết các tranh chấp, xung đột phát sinh. Các bên chủ thể hoàn toàn không có quyền lựa chọn luật áp dụng về vấn đề này.

Một phần của tài liệu Pháp luật áp dụng trong các hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế (Trang 48 - 54)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(122 trang)