2.3.2.1. Nội dung công việc trong khâu khai thác lâm sản
Quá trình khai thác gỗ và các lâm sản bao gồm các giai đoạn chặt hạ, vận xuất, vận chuyển và bảo quản sơ chế. Đối tượng lao động trong khâu khai thác lâm sản là các loại lâm sản cây đứng tại rừng, bao gồm gỗ và các loại lâm sản ngoài gỗ.
• Giai đoạn chặt hạ.
Chặt hạ là giai đoạn đầu tiên của quá trình khai thác gỗ vầ các lâm sản khác, là hoạt động thu hái các sản phẩm của khâu xây dựng rừng, biến chúng thành các sản phẩm nguyên liệu hàng hóa sẵn sàng cung cấp cho thị trường.
Giai đoạn chặt hạ bao gồm các bước công việc chặt cây, cắt cành, cắt khúc theo những tiêu chuẩn nhất định.
Các phương tiện sử dụng trong khâu chặt hạ có thể bao gồm rất nhiều loại, từ cơ giới hiện đại đến thủ công thô sơ như máy chặt hạ liên hợp, cưa xăng, cưa điện, cưa tay, dao, rìu … và một số dụng cụ khác.
• Giai đoạn vận xuất.
Vận xuất là giai đoạn sản xuất tương đối đặc biệt trong khai thác gỗ và lâm sản với nội dung là vận chuyển để thu gom gỗ và các lâm sản khác đã chặt hạ từ các vị trí rải rác trong rừng tới những vị trí thuận lợi cho việc bốc xếp lên các phương tiện vận chuyển. Địa điểm tập trung gỗ và các lâm sản khác của khâu vận xuất được gọi là bãi I.
Các phương tiện sử dụng trong khâu vận xuất thường là các loại máy kéo, trâu, voi, tời, cáp, đôi khi dùng cả sức người để vác kéo.
• Giai đoạn vận chuyển.
Vận chuyển là giai đoạn sản xuất quan trọng trong quá trình khai thác lâm sản với nội dung bốc xếp lâm sản lên các phương tiện vận chuyển, chuyên chở lâm sản từ bãi I đến đến nơi tập kết của doanh nghiệp (bãi II) cuối cùng là dở lâm sản xuống khỏi phương tiện vận chuyển và phân loại, xếp đống tại bãi II.
Phương tiện sử dụng trong vận chuyển lâm sản thường là ô tô vận tải, trong đó có một số loại xe tải chuyên dùng cho vận chuyển gỗ.
• Giai đoạn bảo quản sơ chế lâm sản.
Bảo quản, sơ chế là giai đoạn sản xuất cuối cùng của khâu khai thác lâm sản, bao gồm các bước công việc cắt khúc, phân loại gỗ và lâm sản theo các tiêu chuẩn công nghệ, xử lý chống mối, mọt, chống mục cho lâm sản bằng những phương pháp thích hợp như phơi, sấy, tiến hành một số biện pháp sơ chế khác cho những loại lâm sản nhất định. Công việc bảo quản sơ chế lâm sản thường được tiến hành tại bãi II của doanh nghiệp.
2.3.2.2. Nội dung tổ chức sản xuất trong khâu khai thác lâm sản
Tổ chức sản xuất trong khâu khai thác lâm sản bao gồm các nội dung sau đây. - Lựa chọn và áp dụng công nghệ khai thác vận chuyển.
- Tổ chức các hoạt động bảo quản, sơ chế lâm sản. - Tổ chức quản lý các kho bãi
2.3.2.3. Lựa chọn công nghệ khai thác gỗ
Công nghệ sản xuất là tổng hợp các biện pháp tổ chức kỹ thuật để thực hiện một quá trình sản xuất, thể hiện ở việc lựa chọn công cụ sản xuất, lựa chọn số lượng bước công việc, trình tự và địa điểm thực hiện các bước công việc của quá trình sản xuất.
• Quá trình công nghệ khai thác gỗ.
Cùng với sự phát triển không ngừng của kỹ thuật sản xuất, công nghệ sản xuất trong khai thác gỗ cũng không ngừng phát triển và hoàn thiện. Bên cạnh đó điều kiện sản xuất trong khai thác lâm sản hết sức đa dạng, phức tạp nên các công nghệ khai thác gỗ áp dụng trong thực tiễn cũng rất phong phú.
Các tiêu chuẩn để lựa chọn áp dụng công nghệ khai thác gỗ hợp lý.
Khi thiết kế khai thác, căn cứ vào điều kiện sản xuất, đặc điểm máy móc thiết bị, người ta tiến hành lựa chọn công nghệ khai thác hợp lý để triển khai áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Việc lựa chọn công nghệ khai thác gỗ thường dựa trên các tiêu chuẩn sau:
- Đảm bảo cho số lượng các bước công việc là ít nhất, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc giảm bớt các bước công việc phụ để rút ngắn chu kỳ sản xuất.
- Đảm bảo việc đưa các bước công việc trong rừng ra ngoài để dễ dàng áp dụng cơ giới sản xuất, hạn chế số lượng các bước công việc thực hiện trong rừng.
- Đảm bảo cho tài nguyên rừng được lợi dụng một cách tổng hợp, hạn chế tối thiểu các tác động xấu đến sinh thái rừng .
- Đảm bảo cho chi phí sản xuất trong khai thác là nhỏ nhất - Giảm bớt khối lượng công tác phục vụ sản xuất
TT Tên công nghệ khai thác gỗ Nơi thực hiện các bước công việc Tại rừng Tại bãi I Tại bãi II
1 Vận xuất và vận chuyển thành phẩm CC,CK - -
2 Vận xuất gỗ cây, v/c thành phẩm CC CK -
3 Vận xuất gỗ cây, vận chuyển gỗ cây CC - CK
4 Vận xuất cây cả tán, v/c thành phẩm - CC,CK -
5 Vận xuất cây cả tán, vận chuyển gỗ cây - CC CK
6 Vận xuất và vận chuyển gỗ cây cả tán - - CC,CK
7 Vận chuyển không có vận xuất Thành phẩm Gỗ cây Cây cả tán CC,CK CC - - - - - CK CC,CK - Ghi chú: CC bước công việc chặt cành, CK bước công việc cắt khúc
2.3.2.4. Tổ chức các hoạt động bảo quản, sơ chế lâm sản
Bảo quản và sơ chế lâm sản sau khai thác là một yêu cầu rất quan trọng để đảm bảo duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các loại lâm sản trước khi đem tiêu thụ, qua đó góp phần nâng cao giá trị lâm sản hàng hóa của doanh nghiệp.
Các hoạt động bảo quản lâm sản thường chỉ tiến hành với một số loại lâm sản nhất định như gỗ tròn, tre nứa, song mây…, tùy theo yêu cầu sử dụng của loại lâm sản đó. Thông thường các biện pháp bảo quản trong khâu khai thác lâm sản bao gồm:
- Kê đà, xếp đống phòng ngừa lâm sản bị mục, ải - Xử lý các loại chất chống mối, mọt, chống mục - Hong phơi làm khô một số loại lâm sản
- Xử lý các biện pháp chống mốc đối một số loại lâm sản….
Các hoạt động sơ chế lâm sản trong khâu khai thác thường bao gồm việc phân loại, chọn lọc, làm sạch, phơi sấy, đóng gói… đối với một số loại lâm sản nhất định để đáp ứng các yêu cầu về vận chuyển, cất trữ, sử dụng của khách hàng. Thông thường các hoạt động bảo quản sơ chế thường được tiến hành tại các kho bãi của doanh nghiệp.
2.3.2.5. Tổ chức quản lý hệ thống kho bãi trong khai thác lâm sản
Do đặc điểm sản xuất riêng của khâu khai thác lâm sản, trong doanh nghiệp lâm nghiệp thường phải tổ chức một hệ thống kho bãi để phục vụ cho quá trình khai thác, vận chuyển các loại lâm sản. Số lượng các kho bãi phụ thuộc vào điều kiện địa hình, công nghệ khai thác và yêu cầu công tác quản lý của doanh nghiệp.
Trong khai thác lâm sản, hệ thống kho bãi được chia thành các loại sau đây:
• Căn cứ vào tính chất công việc và nhiệm vụ chứa gỗ tại các kho bãi người ta chia các kho gỗ thành 2 loại: bãi I và bãi II.
• Căn cứ vào phương thức vận chuyển, người ta chia các kho bãi lâm sản thành các loại sau đây: kho lâm sản đường bộ, kho lâm sản đường thủy, kho hỗn hợp.