TỔNG QUAN VỀ ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN KHU VỰC NGHIÊN CỨU

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cấu trúc rừng ngập mặn tại cồn trong cửa sông ông trang, huyện ngọc hiển, tỉnh cà mau (Trang 40 - 41)

Rừng ngập mặn Cà Mau là một hệ sinh thái độc đáo và đa dạng gồm nhiều loại cây: Đước, Mấm, Vẹt, Bần, Giá, Xu, Cóc… Trong đó, Đước là loài cây chiếm đại đa số và có giá trị kinh tế cao nên còn được gọi là rừng Đước.

Trong chiến tranh chống Mỹ, RNM nói chung và rừng Cà Mau nói riêng bị tàn phá nặng nề. Do đó, sau ngày giải phóng, diện tích RNM chỉ còn 129.530 ha (theo số liệu thống kê vào 4/1983; theo các tài liệu cũ ghi chép lại thì năm 1945, rừng Đước Cà Mau có diện tích 200.000 ha) và theo số liệu thống kê năm 2006 thì tổng diện tích rừng chỉ còn 59.537 ha. Trong đó, riêng huyện Ngọc Hiển có 34.166 ha, diện tích còn lại được phân bố ở các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Phú Tân và Trần Văn Thời.

Theo số liệu thống kê năm 2006 của Trung tâm Nghiên cứu RNM Cà Mau thì Cà Mau có 22 loài cây RNM, 13 loài thú, 74 loài chim, 17 loài bò sát, 5 loài lưỡng cư, 14 loài tôm, 175 loài cá, 133 loài động thực vật phiêu sinh.

Rừng ngập mặn Cà Mau còn có một mảng rừng phòng hộ ven biển kéo dài từ Đông sang Tây (từ Bạc Liêu xuống tới Mũi Cà Mau và đi dọc sang biển Tây đến cửa biển Khánh Hội huyện U Minh) dài 307 km. Trong đó, riêng tỉnh Cà Mau có

254 km chống xói lở, bảo vệ môi trường, cân bằng sinh thái… Ngoài ra, còn có một bãi bồi rộng lớn ở phía Tây Mũi Cà Mau với tổng diện tích là 6.456 ha, mỗi năm lấn thêm ra biển hàng trăm mét [46].

Cồn Ông Trang: Cồn nằm giữa cửa sông Cái Lớn, trong phạm vi Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, thuộc địa bàn xã Viên An, huyện Ngọc Hiển, mũi Cà Mau. Cồn Ông Trang có 2 cồn nằm trong và ngoài cửa sông Ông Trang. Cồn trong hình thành năm 1960 có diện tích 122 ha. Cồn ngoài hình thành muộn hơn, năm 1980 có diện tích 149 ha, đang phát triển với diễn thế nguyên sinh RMN tự nhiên, là nơi có tính đa dạng sinh học điển hình của RMN [47].

Vườn Quốc gia (VQG) Mũi Cà Mau nằm trên địa bàn các xã Đất Mũi, Viên An và Đất Mới, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau. Năm 1983, phần phía nam của khu vực được UBND tỉnh thiết kế thành lập khu Bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi. Năm 1986, khu bảo tồn thiên nhiên Đất Mũi được chính thức công nhận theo Quyết định số 194/CT của Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng ngày 09/08/1986 với tên gọi là Cà Mau ( Bộ NN và PTNT, 1997). Năm 1990, kế hoạch đầu tư được xây dựng, sau đó, ban quản lý được thành lập trực thuộc sự quản lý của Chi cục kiểm lâm tỉnh Cà Mau. Năm 2003, theo Quyết định số 142/TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/07/2003, VQG Mũi Cà Mau được thành lập trên cơ sở kết hợp hai khu bảo tồn thiên Đất Mũi, Rừng phòng hộ ven biển Bãi Bồi cùng một số các sinh cảnh tự nhiên liền kề. Hiện tại, ban quản lý VQG có 49 cán bộ, 8 trạm bảo vệ rừng và thuộc sự quản lý trực tiếp của UBND tỉnh Cà Mau. VQG bị chia cắt bởi kênh Lớn, khu vực tiếp giáp biển có hai cồn nhỏ (Cồn Trong và Cồn Ngoài) được hình thành qua quá trình bồi tụ. Phía bắc của VQG là phụ lưu của kênh Bảy Hạp, một trong số các con kênh lớn nhất của tỉnh Cà Mau (Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, 2003).

Một phần của tài liệu Nghiên cứu cấu trúc rừng ngập mặn tại cồn trong cửa sông ông trang, huyện ngọc hiển, tỉnh cà mau (Trang 40 - 41)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(162 trang)