Thị trường chứng khoán

Một phần của tài liệu CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 27 - 110)

6. Kết cấu của đề tài

1.3.1.2 Thị trường chứng khoán

- Khái niệm:

Thị trường chứng khoán là thuật ngữ dùng để chỉ cơ chế của hoạt động giao dịch mua bán chứng khoán dài hạn như các loại trái phiếu, cổ phiếu và các công cụ tài chính khác như chứng chỉ quỹ đầu tư, công cụ phái sinh (hợp đồng tương lai, quyền chọn, bảo chứng phiếu, chứng quyền). Thị trường chứng khoán là một bộ phận của thị trường vốn dài hạn, thực hiện cơ chế chuyển vốn trực tiếp từ nhà đầu tư sang nhà phát hành, qua đó thực hiện chức năng của thị trường tài chính là cung ứng nguồn vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế. (Bùi Kim Yến, 2009)[1]

- Bản chất của thị trường chứng khoán:

Xét về mặt hình thức, thị trường chứng khoán chỉ là nơi diễn ra các hoạt động mua bán, trao đổi, chuyển nhượng các loại chứng khoán, qua đó thay đổi các chủ thể nắm giữ chứng khoán. Nhưng xét về mặt bản chất thì: thị trường chứng khoán là nơi tập trung và phân phối các nguồn vốn tiết kiệm; thị trường chứng

khoán là định chế tài chính trực tiếp: cả chủ thể cung và cầu vốn đều tham gia vào thị trường một cách trực tiếp.

Thị trường chứng khoán cũng gắn với loại hình tài chính ngắn hạn. Những người có chứng khoán có thể mua bán chứng khoán tại bất kỳ thời điểm nào trên thị trường chứng khoán, nên các chứng khoán trung và dài hạn cũng trở thành đối tượng đầu tư ngắn hạn. (Đào Lê Minh, 2009)[5]

- Chức năng của thị trường chứng khoán:

Huy động vốn đầu tư cho nền kinh tế. Khi các nhà đầu tư mua chứng khoán của các công ty phát hành, số tiền của họ được đưa vào hoạt động sản xuất kinh doanh và qua đó góp phần mở rộng sản xuất xã hội.

Cung cấp môi trường đầu tư cho công chúng. Các loại chứng khoán trên thị trường rất khác nhau về tính chất, thời hạn và độ rủi ro, cho phép các nhà đầu tư có thể lựa chọn phù hợp với khả năng, mục tiêu và sở thích của mình.

Tạo tính thanh khoản cho các chứng khoán. Các nhà đầu tư có thể chuyển đổi các chứng khoán sở hữu thành tiền mặt hoặc các loại chứng khoán khác khi họ muốn.

Đánh giá hoạt động của doanh nghiệp. Thông qua giá chứng khoán, hoạt động của doanh nghiệp được phản ánh một cách tổng hợp và chính xác giúp cho việc đánh giá và so sánh hoạt động của các doanh nghiệp được nhanh chóng và thuận tiện.

Tạo môi trường giúp chính phủ thực hiện các chính sách kinh tế vĩ mô. Các chỉ số của thị trường chứng khoán phản ánh động thái của nền kinh tế. Thông qua thị trường chứng khoán, chính phủ có thể mua và bán trái phiếu chính phủ để tạo ra nguồn thu cho ngân sách và quản lý lạm phát. Ngoài ra, chính phủ cũng có thể sử dụng chính sách, biện pháp tác động vào thị trường nhằm định hướng đầu tư, đảm bảo cho sự phát triển cân đối của nền kinh tế. (Đào Lê Minh, 2009)[5]

Hỗ trợ và thúc đẩy các công ty cổ phần ra đời và phát triển. Có thể nói thị trường chứng khoán và công ty cổ phần là hai định chế song hành hỗ trợ nhau cùng phát triển. Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán không những thu hút các nguồn vốn đầu tư trong nước mà còn thu hút vốn đầu tư nước ngoài. (Bùi Kim Yến, 2009)[1]

- Phân loại thị trường chứng khoán:

Có thể phân loại thị trường chứng khoán tùy thuộc vào các yếu tố căn cứ khác nhau: căn cứ vào sự luân chuyển vốn, thị trường chứng khoán được chia thành thị trường sơ cấp và thị trường thứ cấp; căn cứ vào hàng hóa trên thị trường, thị trường chứng khoán có thể được phân thành thị trường cổ phiếu, thị trường trái phiếu, thị trường các công cụ chứng khoán phái sinh; căn cứ vào phương thức hoạt động của thị trường, thị trường chứng khoán bao gồm thị trường tập trung (Sở giao dịch chứng khoán) và thị trường phi tập trung (thị trường OTC).

Một phần của tài liệu CÁC YẾU TỐ TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG DỊCH VỤ MÔI GIỚI CHỨNG KHOÁN TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH (Trang 27 - 110)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(110 trang)