Ngân hàng tái thiết Đức

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam (Trang 27 - 28)

Ngân hàng tái thiết Đức (KfW) là ngân hàng chính sách của Chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức, thành lập năm 1948, với số vốn điều lệ là 3.750 triệu EUR, trong đó Chính phủ Liên bang đóng góp 80% và 20% là của Chính quyền các bang.

Ngân hàng tái thiết Đức thực hiện nhiệm vụ đầu tư phục vụ phát triển kinh tế, xã hội và môi trường của Cộng hòa Liên bang Đức. Thực hiện nhiệm vụ tài trợ xuất nhập khẩu của Cộng hòa Liên bang Đức và tài trợ tín dụng phát triển cho các nước đang phát triển và các nước chuyển đổi nền kinh tế.

Cơ quan giám sát cao nhất đối với KfW là Bộ tài chính Liên bang và Hội đồng giám sát. Bộ tài chính cũng là cơ quan toàn quyền thực hiện mọi biện pháp để đảm bảo KfW hoạt động theo đúng các quy định của pháp luật.

Hội đồng giám sát là cơ quan giám sát, hoạch định chiến lược và chính sách hoạt động của hoạt động của KfW, phê duyệt các khoản vay “rất lớn”. Giúp việc Ban giám đốc điều hành là các Ban chức năng như: Ban tài chính, Nhân sự, kiểm toán, kho quỹ, các Ban phụ trách theo khu vực, quản trị và xử lý rủi ro, thông tin tin học… KfW được xây dựng theo mô hình một tập đoàn có 4 nhánh hoạt động chính là ngân hàng phát triển, ngân hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa, ngân hàng xúc tiến và ngân hàng xuất khẩu. Hoạt động của chính của KfW bao gồm: hoạt dộng tài trợ doanh nghiệp nhở và vừa, hoạt động tín dụng xuất khẩu, hoạt động tài trợ thúc đẩy trong nước, hoạt động hợp tác tài chính và hỗ trợ phát triển với các nước đang phát triển.

Đối với hoạt động quản trị rủi ro: hệ thống quản trị rủi ro của KfW cũng tương tự như của các NHTM và thông lệ quốc tế hiện nay. Nền tảng cho hệ thống quản trị rủi ro của KfW là hệ thống đánh giá và xếp hạng khách hàng. Hệ thống chấm điểm này là cơ sở để xác định lãi suất cho vay và để trích lập DPRR. hệ thống đánh giá và xếp hạng này của KfW hiện tập trung vào các rủi ro về tín dụng, rủi ro thị trường và rủi ro tác nghiệp hàng ngày. Cơ cấu lãi suất

cho vay của KfW được xác định trên cơ sở đảm bảo đủ nguồn để trích lập dự phòng rủi ro. Cũng tương tự như các NHTM khác, việc trích lập dự phòng rủi ro được xác định theo hai mức:

- Trích lập dự phòng rủi ro cụ thể cho từng khoản vay có rủi ro (mức trích tối đa bằng 100% giá khoản vay đối với trường hợp dự kiến sẽ phải xóa nợ).

- Trích lập dự phòng rủi ro tổng thể cho toàn bộ Ngân hàng (ở một mức độ nhất định nhằm bù đắp cho các rủi ro không thể lường trước).

Toàn bộ các tiêu chí, chuẩn mực cũng như thiết kế hệ thống quản trị rủi ro của KfW hiện tại tuân thủ theo các quy định về giám sát ngân hàng hiệu quả quy định tại Hiệp ước Basel II. Hiện tại, KfW đang ở trong giai đoạn hoàn chỉnh hệ thống quản trị rủi ro để hoàn toàn thực hiện theo Basel II vào năm 2008.

Về cơ cấu tổ chức, KfW đã thành lập Uỷ ban quản trị rủi ro với chức năng quản trị toàn diện rủi ro của ngân hàng. Uỷ ban này đã ban hành cẩm nang quản trị rủi ro và các hướng dẫn cụ thể tới từng cán bộ chuyên quản để thực hiện các công việc phục vụ cho hệ thống quản trị rủi ro. Theo quy định tại cẩm nang, việc thực hiện các báo cáo cập nhật định kỳ là bắt buộc đối với tất cả các cán bộ ngân hàng để xây dựng một cơ sở dữ liệu thông tin quản trị rủi ro.

Một phần của tài liệu quản trị rủi ro trong hoạt động cho vay đầu tư tại ngân hàng phát triển việt nam (Trang 27 - 28)