Thực trạng bồi thường, giải phóng mặt bằng tại Việt Nam

Một phần của tài liệu Đánh giá ảnh hưởng của chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đến đời sống và việc làm của người dân khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (Trang 25 - 28)

Đất đai có vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong thời kỳ CNH-HĐH đất nước. Với những thay đổi như đã nghiên cứu ở trên, trong những năm qua, việc thực hiện chính sách bồi thường, GPMB ở Việt Nam đã và đang đạt được những hiệu quả nhất định. Việc thu hồi đất để thực hiện các dự án đã góp phần rất quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội nhưng đây cũng là một trong những vấn đề nổi cộm nhất trong công tác quản lý đất đai hiện nay.

1.2.1.1. Về diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi để phát triển các khu công nghiệp, đô thị và các công trình công cộng

Trong 5 năm, từ năm 2001-2005, tổng diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi là 366,44 nghìn ha (chiếm gần 3,89 % tổng diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng). Trong đó diện tích đất nông nghiệp đã thu hồi để xây dựng các khu công nghiệp và cụm công nghiệp là 39,56 nghìn ha, xây dựng đô thị là 70,32 nghìn ha và xây dựng kết cấu hạ tầng là 136,17 nghìn ha [18].

Các vùng kinh tế trọng điểm và khu vực có diện tích đất nông nghiệp thu hồi lớn nhất, chiếm khoảng 50% diện tích đất thu hồi trên toàn quốc. Những địa

phương có diện tích đất thu hồi lớn là Tiền Giang (20.308 ha), Đồng Nai (19.752 ha), Bình Dương (16.627 ha), Quảng Nam (11.812 ha), Cà Mau (13.242 ha ), Hà Nội (7.776 ha), Hà Tĩnh (6.391 ha), Vĩnh Phúc (5.573 ha) [18].

Theo số liệu điều tra của BNN&PTNT tại 16 tỉnh trọng điểm về thu hồi đất, diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi chiếm khoảng 89% và diện tích đất thổ cư chiếm 11%. Đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất, chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của cả nước, tỷ lệ này ở Đông Nam Bộ là 2,1%, ở nhiều vùng khác là duới 0,5% [19].

Mặc dù diện tích đất nông nghiệp, đất ở bị thu hồi tại mỗi tỉnh chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số diện tích đất tự nhiên của địa phương nhưng lại tập trung vào một số huyện, xã có mật độ dân số cao. Diện tích bình quân đầu người thấp, có xã diện tích đất bị thu hồi chiếm tới 70%-80% diện tích đất canh tác [18].

1.2.1.2. Về đời sống, lao động và việc làm của các hộ nông dân bị thu hồi đất

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNN cho thấy việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm qua đã tác động đến đời sống của trên 627.000 hộ gia đình với khoảng 950.000 lao động và 2,5 triệu người. Trung bình mỗi ha đất bị thu hồi ảnh hưởng tới việc làm của trên 10 lao động nông nghiệp. Vùng đồng bằng sông Hồng có số hộ BAH do thu hồi đất lớn nhất: khoảng 300 nghìn hộ; Đông Nam Bộ khoảng 108 nghìn hộ; Hà Nội hơn 138.000 hộ, thành phố Hồ Chí Minh hơn 52.000 hộ. Số lao động bị mất việc làm do mất đất nhiều như Hà Tây 35.703 người, Vĩnh Phúc 22.800 người, Nam Định 4.130 người, Hải Dương 9.357 người [31], [18].

Trong quá trình thu hồi đất, các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể đối với người dân bị thu hồi đất về các vấn đề như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư... Tuy nhiên trên thực tế, sau khi bị thu hồi đấtcó tới 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ , 13% chuyển sang nghề mới và khoảng 20% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến kết quả 53% số hộ

dân có đất bị thu hồi có thu nhập giảm so với trước đây, chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước [16].

Việc thu hồi đất nông nghiệp nêu trên đã ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, việc làm của người dân bị thu hồi đất. Tại thành phố Hà Nội, chỉ tính trong giai đoạn 3 năm từ 2001 đến 2004 đã có gần 80.000 lao động bị mất việc làm. Tính đến hết năm 2005, Hà Nội có khoảng 200.000 người thất nghiệp do mất đất sản xuất. Thành phố đã có nhiều giải pháp như hỗ trợ đào tạo nghề cho một người trong độ tuổi lao động là 3,8 triệu đồng nhưng việc sử dụng khoản hỗ trợ này chưa có hiệu quả cao [32].

Tại thành phố Hồ Chí Minh thì trong vòng năm năm trở lại đây, thành phố đã triển khai 412 dự án, diện tích đất đã thu hồi của các hộ dân lên tới 60.203.074 m2; tổng số hộ BAH là 53.853 hộ, trong đó có 20.014 hộ bị giải tỏa trắng; tổng dự toán chi phí bồi thường cho các hộ dân khi Nhà nước thu hồi đất lên tới hơn 12.300 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhiều người sau khi nhận tiền đền bù, tiền hỗ trợ đã sử dụng vào việc mua sắm phương tiện đi lại, vật dụng sinh hoạt chứ không chú tâm đến việc học nghề, giải quyết việc làm. Có gia đình trở nên giầu có sau khi nhận tiền bồi thường (có cả tỷ đồng) nhưng chỉ sau một vài năm lại rơi vào tình cảnh khó khăn do thất nghiệp [15].

35.4%

64.6%

Đầu tƣ xây dƣng, sửa chữa nhà của và mua sắm

Đầu tƣ sản xuất kinh doanh

Biểu đồ 1.1. Cách thức sử dụng tiền của người dân sau khi nhận tiền bồi thường, hỗ trợ

Qua đồ thị trên ta thấy rằng người bị thu hồi đất sau khi nhận tiền bồi thường chủ yếu sử dụng vào mục đích xây dựng nhà cửa, mua săm đồ dùng sinh hoạt, chưa quan tâm đầu tư cho sản xuất kinh doanh tạo việc làm ổn định

cho minh sau khi bị thu hồi đất.

Như vậy nông nghiệp vẫn là chỗ dựa của phần lớn số hộ bị mất đất. số lao động bị mất việc làm do mất đất nhiều như Hà Tây 35.703 người, Vĩnh Phúc 22.800 người, Nam Định 4.130 người, Hải Dương 9.357 người. Thực trạng này dẫn đến 53% số hộ dân bị thu hồi có thu nhập giảm so với trước đây, chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập cao hơn trước [20].

Trước khi bị thu hồi đất, phần lớn người dân có cuộc sống ổn định vì họ có đất sản xuất và được để thừa kế từ thế hệ này cho các thế hệ sau. Sau khi bị thu hồi đất, đặc biệt đối với hộ nông dân bị thu hồi hết đất sản xuất, điều kiện sống và sản xuất của họ bị thay đổi hoàn toàn. Mặc dù nông dân được bồi thường giá trị QSD đất bằng tiền, song họ vẫn chưa định hướng ngay được những ngành nghề hợp lý để có thể ổn định được cuộc sống. Sau khi bị thu hồi đất, chỉ có 32,3% số hộ đánh giá là đời sống có tốt hơn trước, 42,3% số hộ cho rằng đời sống không cải thiện, số hộ còn lại khẳng định đời sống của họ kém đi so với trước khi bị thu hồi đất. Như vậy, có đến 67,7% số hộ dân được điều tra khẳng định đời sống của họ kém đi hoặc không có gì cải thiện hơn sau khi Nhà nước thu hồi đất để chuyển sang xây dựng các khu công nghiệp, khu đô thị mới và các dự án khác về phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương [15].

Khi trả lời câu hỏi về những vấn đề cần ưu tiên nhất từ phía Nhà nước và doanh nghiệp đối với các hộ dân sau khi bị hồi đất thì có 38,4% đề nghị được thu hút vào các doanh nghiệp trên địa bàn; 22,7% đề nghị được hỗ trợ đào tạo nghề bằng tiền, số còn lại đề nghị cho vay vốn ưu đãi và các ưu tiên khác [15].

Một phần của tài liệu Đánh giá ảnh hưởng của chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng đến đời sống và việc làm của người dân khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên (Trang 25 - 28)