Có sự khác biệt sinh lý giữa cây cạo mủ và cây không cạo mủ hay nói cách khác, việc cạo mủ có ảnh hưởng đến sinh lý của cây cao su. Khi cạo mủ lấy đi một khối lượng mủ theo chế độ cạo khác nhau đã bắt buộc các tế bào ống mủ phải hoạt động mạnh để tái tạo khối lượng mủ nước đã mất đi. Khai thác cao su hợp lý sẽ tạo nên sự cân bằng giữa hoạt động tái tạo mủ của các tế bào ống mủ với những hoạt động sinh lý khác trong cây nhằm đảm bảo thu được nhiều mủ mà không ảnh hưởng đến đời sống lâu dài của cây. Khi cạo cây lần đầu tiên, mủ chảy ra rất đậm đặc và ngưng chảy nhanh. Cạo liên tục theo một định kỳ nhất định sẽ làm cho mủ bớt đậm đặc và thu được một lượng mủ nhất định. Lúc đó bên trong thân cây đã tạo được sự cân bằng giữa sự chảy mủ và sự tái tạo mủ mới. Khi cạo liên tục hàm lượng cao su chứa trong mủ nước bên trong tế bào ống mủ thấp hơn cây không cạo. Khi cạo mủ, lượng mủ chảy ra ngoài rất nhiều, sau đó giảm dần và ngưng chảy hẳn sau khi cạo từ 1 - 3 giờ. Sản lượng mủ thu được tùy thuộc vào hai yếu tố: Lưu lượng mủ chảy ra và thời gian chảy mủ. Ở hai giống cây có cùng sản lượng như nhau nhưng dòng chảy mủ có thể hoàn toàn khác nhau. Lưu lượng dòng chảy mủ là một đặc tính của giống cây. Có giống có lưu lượng dòng chảy mủ ban đầu rất nhiều, sau đó giảm nhanh và ngưng chảy hẳn sau khoảng 1giờ. Trái lại, có giống chảy ban đầu có lưu lượng không cao nhưng thời gian chảy mủ kéo dài (Nguyễn Thị Huê, 2006) [9].