Cây cao su có đặc điểm là thời gian khai thác mủ có thể tiến hành đều đặn gần như quanh năm, trừ các thời gian nghỉ cạo như sau:
- Nghỉ cạo lúc cây rụng lá qua Đông: Cây cao su có một đặc điểm sinh lý là hàng năm vào một thời điểm nhất định khoảng vào tháng 2, cây rụng lá hoàn toàn và sau một thời gian cây lại ra lá mới và phát triển ổn định. Trong thời gian ra lá non cây phải huy động một lượng lớn các chất dinh dưỡng trong thân cây để tái tạo một khối lượng lớn tế bào thực vật. Do vậy, cần tránh cạo mủ từ lúc cây rụng lá hoàn toàn cho đến khi tán lá phát triển ổn định thì mới được khai thác tiếp. Thời gian rụng lá của cây cao su kéo dài từ 40 - 50 ngày tùy từng khu vực và điều kiện thời tiết mà thời điểm rụng lá của cây khác nhau, ở Việt Nam cây rụng lá vào khoảng thời điểm tết Nguyên Đán (Nguyễn Thị Huê, 2006) [9].
- Nghỉ cạo do mưa: Các trận mưa lớn, kéo dài nhất là các trận mưa vào buổi sáng gây trở ngại cho việc cạo mủ đồng thời làm tăng khả năng lây lan và phát triển của các loại nấm bệnh như: Bệnh loét sọc miệng cạo, thối mốc mặt cạo… Do đó khi mưa kéo dài từ đêm đến trưa ngày hôm sau thì phải nghỉ cạo nguyên ngày do vậy làm mất mủ hoàn toàn. Khi mưa kết thúc sớm vào buổi sáng khoảng (8 - 9 giờ) thì phải cạo muộn do phải chờ cây khô, làm mất đi một phần sản lượng từ 10 đến 40 - 50%. Trút mủ sớm nếu mưa sau khi cạo một số cây trong phần cây và làm mất mủ tạp nếu mưa sau khi trút mủ nước. Vì vậy mưa vào thời gian khai thác sẽ làm mất đi một phần sản lượng mủ.
- Nghỉ cạo do bệnh lá
+ Bệnh phấn trắng: Nguyên nhân do nấm Oidium hevea. Bệnh phổ biến vào giai đoạn cây cao su ra lá mới từ tháng 1 - 3 hàng năm, bệnh tấn công làm rụng nhiều lá cây cao su khiến cây mất đi nhiều dinh dưỡng làm chậm thời gian khai thác. Bệnh thường kéo dài từ 10 - 15 ngày cá biệt có thể kéo dài đến 2 tháng. Ở Tây Nguyên do có số ngày sương mù vào buổi sáng nhiều nên tỷ lệ cây bị bệnh phấn trắng nhiều hơn ở vùng Đông Nam Bộ.
+ Bệnh rụng lá mùa mưa: Vào thời gian mưa dầm (tháng 7, 8, 9) vườn cây có thể xuất hiện bệnh rụng lá mùa mưa, nếu tình trạng xảy ra nặng làm cho sản lượng mủ giảm thì phải nghỉ cạo một thời gian (Nguyễn Thị Huê, 2006) [9].