Diễn biến trong năm: Năng suất mủ cao su phân bố không đều trong năm, năng suất mủ rất thấp vào các tháng bắt đầu cạo sau khi cây rụng lá qua Đông, nhưng hàm lượng cao su khô trong mủ rất cao. Mủ cao su tăng dần vào các tháng tiếp theo và đạt cao nhất vào 3 tháng cuối năm (tháng 10, 11, 12), sau đó cây rụng lá qua Đông nên nghỉ cạo và bắt đầu cạo lại khi cây có tán lá phát triển ổn định. Theo Đỗ Kim Thành (1997) [16], Khí hậu các vùng trồng cao su tại Việt Nam đã ảnh hưởng đến sản lượng cây cao su. Do mùa khô kéo dài nên sản lượng trong 6 tháng đầu năm thấp, tiếp theo sản lượng 6 tháng cuối năm đạt cao nhất. Tuy nhiên do lượng mưa tập trung và số ngày mưa nhiều nên ảnh hưởng đến việc khai thác mủ vào các tháng 7, 8, 9 ở Tây Nguyên và tháng 9, 10 ở Đông Nam Bộ. Ba tháng cuối năm cây cao su cho sản lượng cao nhất do các điều kiện khí hậu thích hợp như nhiệt độ không khí thấp và ít mưa. Các dòng vô tính có tỷ lệ phần trăm sản lượng tương tự nhau qua các tháng. Riêng tỷ lệ phần trăm sản lượng của PB 235 thấp ở 6 tháng đầu năm, có lẽ do yếu tố khô hạn ảnh hưởng đến sản lượng của dòng vô tính này.
+ Diễn biến theo chu kỳ kinh doanh: Cây cao su được trồng từ 5 - 7 năm thì có thể đưa vào khai thác khi trong vườn cao su có từ 50% số cây đủ tiêu chuẩn khai thác trở lên. Vườn cây mới đưa vào khai thác thì năng suất thấp, sau đó tăng dần và đạt tối đa vào năm cạo thứ 9 đến năm thứ 12 và kéo dài đến năm thứ 16 đến năm thứ 20, sau đó sản lượng của vườn cây lại giảm dần. Khi vườn cây cho năng suất tối thiểu thì vườn cây đó được thanh lý để khai thác gỗ.