Hiệu quả việc cạo mủ nhìn chung do một tác động chính đó là con người. Từ kỹ năng, sự khéo tay của người công nhân cạo mủ, đến việc quản lý, giám sát, kiểm tra chặt chẽ của người quản lý và không thể không nói đến vấn đề ý thức và kiến thức cơ bản về sự cho mủ của cây cao su. Ngoài ra còn một số các yếu khác chi phối nữa như độ sắc bén của dao cạo, địa hình vườn cây, thể trạng, giới tính người công nhân cạo mủ. Thời gian tiến hành cạo mủ (kể cả thu trút mủ) thường khoảng 25% thời gian dành cho cạo mủ, 35% thời gian đi lại để cạo mủ và 40% thời gian cho việc vệ sinh, thay thế chén máng.
Giống cây có năng suất cao sẽ mang lại hiệu quả hơn so với những giống bình trường trong cùng điều kiện chăm sóc và khai thác. Tuổi cây cũng là yếu tố ảnh hưởng đến hiệu quả cạo mủ. Thời gian cạo mủ đối với cây từ năm cạo thứ 1 đến năm cạo thứ 5 nhanh hơn so với cây từ năm cạo thứ 6 đến năm thứ 12 (cạo trên lớp vỏ nguyên sinh), do chiều dài đường cạo ngắn hơn. Khi cạo trên lớp vỏ tái sinh (từ năm thứ 13 trở đi) thì thơi gian cạo có lâu hơn do tăng chiều dài đường cạo, thêm miệng cạo và điều kiện vỏ tái sinh.
Thời điểm cạo mủ có ảnh hưởng đáng kể đến sản lượng mủ. Áp suất mủ trong ống mủ tỷ lệ nghịch với nhiệt độ, cường độ chiếu sáng và tốc độ gió. Cạo mủ lúc sáng sớm (ánh sáng yếu, nhiệt độ thấp), áp suất trong ống mủ cao, tốc độ chảy mủ nhanh, thời gian chảy mủ dài, thu được nhiều mủ. Ngược lại, cạo muộn vào buổi trưa (ánh sáng mạnh, nhiệt độ cao) thì thu dược ít mủ do áp suất trong ống mủ thấp, tốc độ chảy mủ chậm, thời gian chảy mủ ngắn. Áp suất trong ống mủ tỷ lệ nghịch với tốc độ gió và lượng nước bốc thoát qua lá. Năng suất mủ ở những ngày ít gió cao hơn những ngày có gió mạnh do nước bốc thoát qua lá hạn chế nước thẩm thấu vào mạch mủ (hiệu ứng pha loãng mủ).
Chu vi thân cây cao su xác định chiều dài miệng cạo, điều này tùy thuộc vào các giống. Vùng huy động mủ cũng có ảnh hưởng nhiều đến sản lượng mủ và biến thiên của vùng huy động mủ cũng tùy từng giống khác nhau. Cây cho sản lượng mủ cao, có vùng huy động mủ rộng và đáp ứng thấp hơn về sản lượng khi tăng chiều dài miệng cạo, yếu tố này cũng thay đổi theo mùa trong năm.
Ngoài chiều dài miệng cạo, số miệng cạo cũng ảnh hưởng đến sản lượng mủ thu, mở thêm một miệng cạo, lượng mủ sẽ tăng lên, nhưng cạo 2 miệng sẽ ảnh hưởng nhiều đến sự tăng trưởng của cây cao su và chế độ cạo 2 miệng như vậy không thích hợp cho các cây cao su kinh doanh nhóm 1 (Cao su tơ). Có ý kiến cho rằng cạo 2 miệng chỉ có lợi khi cạo lớp vỏ tái sinh 1 ở mặt cạo D (lớp vỏ cạo B-I-2). Khi cạo 2 miệng, nếu vùng huy động mủ không hợp nhất được hoặc độc lập về sinh lý thì có thể không gặp ảnh hưởng trái nghịch nào trầm trọng trong một thời gian ngắn.
Nhịp độ cạo có ảnh hưởng rất đáng kể đến sinh lý và đáp ứng sản lượng mủ của cây cao su. Cạo nhịp độ cao sẽ ảnh hưởng đến cân bằng sinh lý giữa sự cho mủ và tái tạo mủ, trong khi đó cạo nhịp độ thấp sẽ thu được ít mủ hơn. Thông thường, cạo nhịp độ thấp cho năng suất mủ/lần cạo nhiều hơn. Có tương quan nghịch giữa nhịp độ cạo và năng suất mủ/lần cạo.