quả và hài hoà các thủ tục hỗ trợ
Trong thời gian qua, đặc biệt năm 2006 đã đánh dấu sự nỗ lực vượt bậc của các nhà tài trợ và chính phủ Việt Nam nhằm nâng cao hiệu quả và hài hoà thủ tục hỗ trợ. Năm 2006, chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 131/2006/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA; đồng thời sửa đổi, bổ sung Nghị định 16/2005/NĐ-CP về quản lý đầu tư xây dựng công trình (Nghị định 112/2006/NĐ-CP). Bộ Tài chính cũng đã ra Thông tư 61/2006/TT-BTC về định
mức chi tiêu của các chương trình, dự án có sử dụng ODA… Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra Quyết định 6727/QĐ-UB thành lập Ban chỉ đạo giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện các chương trình, dự án ODA. Ngoài ra, hiện nay Chính phủ đang soạn thảo Quy chế Ban quản lý dự án ODA, Đề án Định hướng thu hút và sử dụng ODA thời kỳ 2006-2010…
Hiện nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai chủ trương phân cấp thẩm quyền phê duyệt vốn ODA, nhằm tạo ra động lực thi đua giữa các địa phương, theo hướng tinh giản thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cán bộ và trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA. Chủ trương này không chỉ tạo ra động lực thi đua mạnh mẽ và lành mạnh giữa các địa phương trong thu hút và thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn ODA. Các nguyên tắc quản lý và sử dụng ODA được xây dựng trên cơ sở Chính phủ thống nhất quản lý ODA thông qua các cơ quan đầu mối với sự tham gia của các cơ quan quản lý nhà nước theo sự phân công, phân cấp gắn với quyền hạn và trách nhiệm, đảm bảo quản lý, kiểm tra và giám sát trong quá trình sử dụng ODA theo chức năng được giao.
Việc thu hút ODA phải đi đôi với nâng cao hiệu quả sử dụng và đảm bảo khả năng trả nợ, phù hợp với năng lực tiếp nhận và sử dụng ODA, phải đảm bảo tính rõ ràng, minh bạch và nhất quán với sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan. Thực hiện chính sách này, trong thời gian qua, Việt Nam đã được cộng đồng tài trợ quốc tế đánh giá là quốc gia đi tiên phong trong việc nâng cao hiệu quả viện trợ.
Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Tuyên bố Pa-ri về hiệu quả viện trợ và Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nhà tài trợ “quốc gia hóa” Tuyên bố này thành Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ để phù hợp với hoàn cảnh và các điều kiện phát triển cụ thể của Việt Nam.
Ngay sau khi Chương trình hành động Accra được quốc tế thông qua, Phó Thủ tướng chính phủ Việt Nam Phạm Gia Khiêm đã phê duyệt văn kiện này và giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Tổ công tác
ODA của Chính phủ, các cơ quan Việt Nam và các nhà tài trợ triển khai thực hiện Chương trình hành động này và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện (Văn bản số 6656/VPCP-QHQT ngày 07-10-2008 của Văn phòng Chính phủ).
Thực hiện quyết định nêu trên của Phó Thủ tướng Chính phủ, một loạt các hoạt động thực hiện Chương trình hành động Accra đã được xây dựng bao gồm các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức, xây dựng các kế hoạch cụ thể chung của Việt Nam và các nhà tài trợ, cũng như của các Bộ, ngành và địa phương để triển khai các hoạt động ưu tiên trong AAA nhằm đạt các mục tiêu đề ra trong Tuyên bố Pa-ri và Cam kết Hà Nội về hiệu quả viện trợ vào năm 2010.
Các hoạt động nâng cao hiệu quả viện trợ ở Việt Nam được triển khai trong khung khổ Nhóm Quan hệ đối tác về Hiệu quả viện trợ (PGAE), 22 Nhóm quan hệ đối tác ngành và Nhóm hỗ trợ quốc tế, thực hiện thí điểm sáng kiến Liên Hợp Quốc, các sáng kiến về cải thiện tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA của Nhóm 6 Ngân hàng phát triển (ADB, AFD, JICA, KfW, Korea Eximbank và WB) và nhiều hoạt động nâng cao hiệu quả viện trợ của EC, Nhóm các nhà tài trợ đồng chính kiến (LMDG) và của một số nhà tài trợ song phương và đa phương khác.
Các hoạt động nâng cao hiệu quả viện trợ đang giúp Việt Nam cải thiện việc thu hút và sử dụng ODA, làm cho nguồn lực này phát huy tác dụng mạnh mẽ hơn đối với sự nghiệp phát triển của Việt Nam cũng như hỗ trợ vượt qua những thách thức đặt ra trong giai đoạn phát triển mới.
Điều phối và hài hoà quy trình thủ tục là một trong các nội dung chính được đề cập tại các Hội nghị CG hằng năm. Các nhà tài trợ cũng như các quốc gia đối tác đều mong muốn có các quy chế và hệ thống đơn giản hoá để cùng nhau thực hiện, tiến tới các điểm chung về mẫu, nội dung và tính thường xuyên cho một báo cáo định kỳ ở mỗi chương trình, dự án phù hợp yêu cầu của tất cả các nhà tài trợ. Hơn nữa, những điểm chung là cần thiết để loại bỏ
sự trùng lặp trong việc chuẩn bị tài liệu, đánh giá các tác động về môi trường và xã hội đối với các chương trình, dự án đồng tài trợ. Vì thế nhu cầu hài hoà thủ tục theo các quy chế và các hệ thống phù hợp với những tiêu chuẩn, nguyên tắc quốc tế là khách quan và cần thiết.
EU hiện đang thực thi Lộ trình Điều phối và Hài hoà hơn nữa tại Việt Nam. Điều phối và hài hoà hoá thủ tục là yêu cầu quan trọng, giúp rút ngắn thời gian triển khai dự án, giảm sự khác biệt về thủ tục giữa các nhà tài trợ và đơn vị tiếp nhận dự án. Công tác này trong năm nay cũng có nhiều tiến bộ, điển hình là hài hoà thủ tục về hệ thống và mẫu biểu báo cáo, xây dựng mẫu nghiên cứu khả thi chung giữa Việt Nam và Nhóm 5 ngân hàng phát triển (Ngân hàng Thế giới - WB, Ngân hàng Phát triển châu Á - ADB, Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản - JBIC, Ngân hàng Tái thiết Đức - KFW và Cơ quan Phát triển Pháp - AFD), hài hòa quy trình, thủ tục đấu thầu...
Đặc biệt, việc gần 50 tổ chức hỗ trợ sử dụng cơ sở dữ liệu về hỗ trợ phát triển (DAD Việt Nam) với địa chỉ www.dad.mpi.gov.vn để báo cáo tình hình ký kết và giải ngân từ năm 2005 trở lại đây, là một minh chứng quan trọng cho việc hài hòa trên diện rộng trong cộng đồng tài trợ ODA cho Việt Nam.